Cơn sốt nguyên vật liệu hạ nhiệt
Giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát và sau đó là xung đột địa chính trị Nga - Ukraine, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn đã thúc đẩy giá hàng hoá, nguyên liệu cơ bản tăng liên tục từ năm 2020 đến đầu năm 2022 và chinh phục những mức giá kỷ lục mới.
Cụ thể, từ phí dịch vụ vận tải biển, giá cao su, giá than, giá hàng hoá (tôm, cá tra, gạo…) đến nguyên liệu cơ bản của ngành công nghiệp như đồng, thép, bạc... đều tăng mạnh. Đặc biệt, giá lithium - nguyên liệu quan trọng để sản xuất pin cho xe điện tăng chóng mặt khi các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu có sự dịch chuyển từ xe chạy bằng nguyên liệu hoá thạch sang xe sử dụng năng lượng mới (NEV), trong đó có xe điện để thực hiện chiến lược giảm thải các-bon.
Riêng tại Trung Quốc, số lượng phương tiện sử dụng năng lượng mới đã tăng gấp đôi vào năm 2022, khiến các nhà sản xuất vật liệu pin đổ xô đi mua lithium. Sản xuất tại các mỏ không thể theo kịp nhu cầu đã đẩy giá kim loại này nhảy vọt. Giá lithium bắt đầu tăng vào năm 2021, sau đó đạt mức cao lịch sử vào tháng 11/2022, đạt khoảng 600.000 Nhân dân tệ (CNY)/tấn, tương đương mức tăng 12 lần.
Tuy nhiên, các gói kích thích kinh tế quá lớn trong thời kỳ đại dịch, cùng với cuộc khủng hoảng giá năng lượng do xung đột đã đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao, buộc các ngân hàng trung ương bước vào chu kỳ tăng lãi suất nhanh và mạnh, gây rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, kéo theo thị trường hàng hoá đảo chiều khi bước vào năm 2023.
Theo thống kê từ 1/1/2023 đến ngày 12/7/2023, giá cước tàu container (chỉ số World Container Index) đã giảm 78,7%, về 1.488 USD/container 40ft; giá phân urea giảm 27,2%, về 375 USD/tấn trong nửa đầu năm 2023; giá cao su thiên nhiên giảm 28,6%, về 131 UScents/kg kể từ đỉnh tháng 2/2022…
Đối với nguyên liệu cơ bản của ngành công nghiệp, giá thép thế giới giảm 7,4%, về 3.720 Nhân dân tệ/tấn trong nửa đầu năm 2023 và giảm 27,9% so với đỉnh tháng 5/2022; giá than giảm 68,1%, về 129,05 USD/tấn trong nửa đầu năm 2023; giá đồng giảm 8,7%, từ đỉnh tháng 1/2023, về 3,9 USD/pound…
Đặc biệt, trái với kỳ vọng, từ tháng 11/2022 đến cuối tháng 6/2023, giá lithium đã giảm 45% từ đỉnh về 307.500 Nhân dân tệ/tấn. Lý do là việc sản xuất phương tiện sử dụng năng lượng mới ở Trung Quốc có xu hướng chậm lại. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng sản lượng phương tiện sử dụng năng lượng mới đã chậm lại kể từ tháng 9/2022 đến nay.
Có thể thấy, khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh chi phí đi vay ngày một đắt đỏ và rủi ro suy thoái hiện hữu, các doanh nghiệp và người dân đều thắt chặt chi tiêu, điều này kéo theo hệ luỵ giá hàng hoá, dịch vụ và đặc biệt giá nguyên liệu sản xuất công nghiệp suy giảm trong nửa đầu năm 2023.
Theo dự báo, dù thoát khỏi kịch bản suy thoái sâu nhưng kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Mỹ gặp nhiều thách thức, sẽ diễn ra suy thoái cục bộ và không thể một sớm một chiều khởi sắc trở lại. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới giá hàng hóa, nguyên vật liệu công nghiệp trong thời gian tới.
Giá cổ phiếu ngược dòng với triển vọng ngành
Dù có mức tăng khá tốt, nhưng nhóm cổ phiếu ngành khai khoáng có thanh khoản thấp và việc bật tăng trở lại chủ yếu nhờ vào câu chuyện thị trường chung hồi phục, hơn là triển vọng kinh doanh tích cực của ngành
Trái với sự hạ nhiệt của giá nguyên liệu cơ bản trong nửa đầu năm 2023, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành khai khoáng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam lại diễn biến tích cực, ghi nhận mức tăng trung bình 30,1% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn mức tăng của chỉ số VN-Index (14,6%). Trong đó, hàng loạt cổ phiếu giữ được tốc độ tăng cao hơn trung bình ngành và thị trường.
Cụ thể, cổ phiếu MSR của CTCP Masan High-Tech Materials đã tăng 57,8% trong hơn nửa đầu năm 2023, lên 17.200 đồng/cổ phiếu. Masan High-Tech Materials là nhà sản xuất và khai thác vonfram, florit, đồng và bismut. Tuy nhiên, cơ hội với MSR lại nằm ở những thành tựu Công ty có được trong nghiên cứu pin, kỳ vọng sẽ sớm được thương mại hóa.
Cổ phiếu NSH của CTCP Tập đoàn Nhôm Sông Hồng Shaluim cũng tăng 15,2% trong bối cảnh giá nhôm thế giới đã giảm hơn 13,9% từ đỉnh tháng 1/2023, về 2.283 USD/tấn trong đầu tháng 7/2023.
Tăng mạnh nhất nhóm là cổ phiếu BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định với mức tăng 60,6% trong hơn nửa đầu năm 2023, lên 66.000 đồng/cổ phiếu. Khoáng sản Bình Định đang khai thác, chế biến khoáng sản từ quặng sa khoáng titan trên cơ sở sản xuất tại tỉnh Bình Định là Xí nghiệp Sa khoáng Nam Đề Gi, Nhà máy xỉ titan…
Với diễn biến chung của thị trường chứng khoán, sau nhịp bán tháo trong năm 2022, thị trường đã hồi phục trở lại trong nửa đầu năm 2023, dù hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn gặp khó khăn. Động lực hồi phục của thị trường đến từ việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất điều hành trong nửa đầu năm (4 lần) và được dự báo sẽ có thêm đợt giảm nữa trong quý III, cùng với đó là hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương, cũng như việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng...
Với những chính sách đã và đang thực hiện, đặc biệt là việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, thị trường chứng khoán kỳ vọng sẽ sớm hưởng lợi từ dòng tiền giá rẻ. Chính vì vậy, hàng loạt cổ phiếu đã bật tăng, bất chấp kết quả kinh doanh kém khả quan của doanh nghiệp. Ngoài nhóm cổ phiếu ngành khai khoáng, nhiều nhóm cổ phiếu khác cũng ghi nhận mức tăng mạnh mẽ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản, khi nhiều mã có mức hơn 100% từ đáy.
Quay trở lại với nhóm cổ phiếu ngành khai khoáng, dù có mức tăng khá tốt, nhưng đây là nhóm cổ phiếu có thanh khoản thấp, dòng tiền duy trì một mức hạn chế và việc bật tăng trở lại chủ yếu nhờ vào câu chuyện thị trường chung hồi phục, hơn là triển vọng kinh doanh tích cực của ngành. Dù vậy, với triển vọng thị trường chung được đánh giá tích cực, đà tăng của nhóm cổ phiếu khai khoáng được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.