Ảnh Internet

Ảnh Internet

Cổ phiếu IDJ Việt Nam (IDJ): Động lực tăng giá đến từ đâu?

(ĐTCK) Thị giá cổ phiếu IDJ đã bật tăng mạnh mẽ trong 2 tháng đầu năm 2020 bất chấp việc doanh nghiệp báo lãi sụt giảm trong năm 2019 và thị trường chung đang diễn biến khó khăn. Tại mức giá tăng trên 100%, Chủ tịch IDJ Nguyễn Hùng Linh đăng ký bán hết cổ phiếu.

Lợi nhuận giảm mạnh, cổ phiếu vẫn tăng giá gấp đôi

2019 có thể xem là năm không thành công, xét về việc thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Báo cáo tài chính của Công ty cho biết, mặc dù doanh thu cả năm đạt 354 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2018, nhưng giá vốn hàng bán tăng đến 82,8% khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 19,5 tỷ đồng, giảm 68,8%.

Cùng với chi phí bán hàng, chi phí quản lý và chi phí tài chính gia tăng, kết quả IDJ chỉ thu về 8,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 83,7% so với 2018 và không hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trái ngược với xu hướng đi xuống của lợi nhuận, thị giá cổ phiếu IDJ lại ghi nhận những diễn biến tích cực nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, từ vùng giá dưới 4.000 đồng/cổ phiếu, thị giá IDJ đã tăng gấp đôi chỉ trong nửa cuối tháng 8/2019. Sau một thời gian tích lũy tại vùng giá trên 6.000 đồng/cổ phiếu, từ đầu năm 2020, sóng tăng trở lại mạnh mẽ.

Cổ phiếu IDJ Việt Nam (IDJ): Động lực tăng giá đến từ đâu? ảnh 1

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/2/2020 tại 15.200 đồng/cổ phiếu, thị giá IDJ đã tăng trên 100% so với đầu năm, bất chấp kết quả lợi nhuận giảm mạnh và thị trường trong thời gian đầu năm ảm đạm, đặc biệt là từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trước lo ngại về dịch cúm lan rộng. Như vậy, thị giá IDJ đã tăng hơn 3 lần chỉ sau nửa năm qua.

Diễn biến giao dịch của cổ phiếu IDJ từ đầu năm 2020 khá tương đồng với cổ phiếu API của CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương.

Cổ phiếu này đã tăng trên 80% tính từ đầu năm đến hết phiên 24/2/2020, bất chấp Công ty vừa ra báo cáo kết quả kinh doanh 2019 kém khả quan.

Cụ thể, kết thúc năm 2019, doanh thu của API chỉ đạt 450,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 42,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 46,2% và 51,5% so với 2018.

Mối quan hệ mật thiết giữa API và IDJ

Thành lập từ năm 2006, API là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Công ty phát triển dự án tại các đô thị vệ tinh như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn và gia tăng quỹ đất tại các tỉnh ven biển như Phú Yên, Ninh Thuận, Huế… để phát triển bất động sản du lịch (căn hộ condotel).

Còn IDJ được thành lập năm 2007, ban đầu Công ty góp vốn để đầu tư Trường Hà Nội Academy, sau đó mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản với dự án thuê và khai thác diện tích Trung tâm thương mại, văn phòng, tầng hầm tại Tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn - văn phòng Grand Plaza, Hà Nội do Tập đoàn Charmvit, Hàn Quốc đầu tư.

API đã đầu tư và chính thức trở thành cổ đông lớn của IDJ ngay trước khi kết thúc năm 2013 với tỷ lệ sở hữu 20,01%.

Việc mua với tỷ lệ vừa đủ để đưa IDJ trở thành công ty liên kết giúp API có khoản lợi nhuận lớn từ chênh lệch giữa giá mua và giá trị sổ sách, đóng góp đến 80% lợi nhuận của API trong năm 2013.

Sau khi mua IDJ, trong giai đoạn 2014 - 2016, kết quả kinh doanh của cả API và IDJ nhìn chung đều kém khả quan, với doanh thu thấp và lợi nhuận không đáng kể hoặc thua lỗ.

Tại IDJ, lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 lên đến 60 tỷ đồng, trong khi API lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 là 28,7 tỷ đồng.

Tình hình chỉ thay đổi từ năm 2017 khi API đẩy mạnh phát triển các dự án bất động sản và IDJ cũng hưởng lợi từ các hợp đồng thi công cho các dự án này.

Doanh thu của IDJ năm 2017 tăng vọt lên 301 tỷ đồng, gấp 11,8 lần 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 3 tỷ đồng từ mức lỗ 6,3 tỷ đồng của năm 2016.

Năm 2018, IDJ đạt 54,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 17 lần so với năm 2017, nhưng vào tháng 8 - 9 năm này, API đã thoái toàn bộ 20,02% vốn tại IDJ với mức giá bình quân lỗ khoảng 16% sau gần 5 năm nắm giữ. Trong đợt thoái vốn này, không có cổ đông lớn nào mới xuất hiện.

Một năm sau đợt thoái vốn của API, thị giá IDJ đã bước vào sóng tăng mạnh mẽ từ giữa tháng 8/2019 với thanh khoản đột biến.

Hiện nay, dù API và IDJ không nắm giữ cổ phần trực tiếp lẫn nhau, nhưng ban lãnh đạo của hai công ty lại có mối quan hệ khá mật thiết.

Cụ thể, ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch HĐQT API (với sở hữu 21,16%) hiện đang là thành viên HĐQT IDJ. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc IDJ lại là thành viên HĐQT API. Bà Lã Thị Quy, thành viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng IDJ hiện là Trưởng ban Kiểm soát của API.

Về hoạt động kinh doanh, API hiện đang là đối tác mang lại nguồn việc cũng như doanh thu, lợi nhuận đáng kể nhất cho IDJ, thông qua một loạt dự án như Royal Park Bắc Ninh do Công ty TNHH Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương - Bắc Ninh làm chủ đầu tư, Dự án Royal Park Huế do CTCP APEC Land Huế làm chủ đầu tư và Dự án Apec Aqua Park Bắc Giang do chính API làm chủ đầu tư…

Báo cáo tài chính của IDJ cho biết, tại thời điểm 31/12/2019, tổng giá trị các khoản phải thu từ ba bên liên quan này lên đến 123,6 tỷ đồng, chiếm 83% giá trị khoản phải thu.

Đồng thời, API cũng ghi nhận khoản cho vay 40 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019 với CTCP Đầu tư BG Group - công ty do ông Nguyễn Hoàng Linh làm Chủ tịch.

API và IDJ cũng cùng góp vốn tại CTCP Đầu tư quốc tế Dubai, doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản có địa chỉ tại Ninh Thuận.

Đây được biết đến là công ty sẽ thực hiện dự án condotel Apec Dubai Tower tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận.

Giá tăng mạnh có bất thường?

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra văn bản hướng dẫn cấp quyền sử dụng đất và công trình không phải nhà ở.

Nhiều ý kiến kỳ vọng với văn bản này sẽ phần tháo gỡ khó vấn đề pháp lý của condotel, officetel, tuy vậy, cũng có ý kiến đánh giá, với những quy định hiện nay, khó khăn về pháp lý với loại hình bất động sản này chưa được giải quyết triệt để.

Sự tăng giá mạnh mẽ của 2 cổ phiếu API và IDJ với mối quan hệ mật thiết trong bối cảnh kết quả kinh doanh sụt giảm liệu có phải là kết quả từ sự  tiến triển về khả năng gỡ khó về mặt pháp lý cho condotel, officetel hay triển vọng ghi nhận lợi nhuận từ các dự án đang phát triển?

Và liệu đó có  phải là động lực tăng giá cho cả 2 cổ phiếu, hay còn thông tin đột biến nào khác chưa được công bố?

Thực tế, dù lợi nhuận giảm mạnh trong năm 2019 nhưng quy mô tài sản của IDJ đã tăng trưởng đột biến lên 1.362 tỷ đồng, gấp 3,1 lần đầu năm, với khoản chi phí dở dang dài hạn tăng lên 638 tỷ đồng từ mức 0 đồng và khoản chi phí trả trước 123 tỷ đồng từ mức 5,9 tỷ đồng đầu năm.

Đối ứng với tài sản, IDJ cũng ghi nhận sự tăng mạnh tại khoản phải trả khác 638,4 tỷ đồng (đầu năm chỉ 5 tỷ đồng), chiếm gần 50% tổng nguồn vốn nhưng chỉ được thuyết minh “Thu tiền hợp đồng góp vốn thực hiện dự án” và nợ vay tăng lên 240,4 tỷ đồng từ 7,9 tỷ đồng đầu năm.

Quy mô tài sản tăng mạnh trong năm 2019 đến từ việc triển khai một loạt dự án bất động sản tại Hải Dương, Bình Thuận, Lạng Sơn và Phú Yên.

Trong đó lớn nhất là Diamond Park Lạng Sơn với giá trị 445,4 tỷ đồng đến cuối 2019. Đây là sự phát triển có thể xem là “thần tốc” với doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu chỉ hơn 300 tỷ đồng.

IDJ cũng đã trở thành doanh nghiệp có quy mô tài sản khá lớn nhưng cơ cấu cổ đông lại “loãng”, với BG Group là cổ đông lớn duy nhất sở hữu 5,09%. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông nội bộ cũng ở mức thấp.

Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc IDJ và cũng là Chủ tịch HĐQT BG Group đã đăng ký bán toàn bộ 157.600 cổ phần IDJ đang nắm giữ.

Trước đó, ông Linh cũng đã bán hơn 400.000 cổ phiếu của công ty này trong tháng 11/2019, khi thị giá tăng gấp đôi so với đầu năm 2019.

Với việc lãnh đạo cấp cao thoái sạch vốn khỏi doanh nghiệp, khi cổ phiếu tăng giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư quan tâm đến IDJ.

Tin bài liên quan