Cổ phiếu HVN “leo” đỉnh, VN-Index tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù thị trường khá rung lắc và vẫn giữ trạng thái giao dịch ảm đạm, nhưng VN-Index đã bảo toàn sắc xanh và xác nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp trong tuần nhờ sự đóng góp tích cực của cặp đôi HVN và FPT.
Cổ phiếu HVN “leo” đỉnh, VN-Index tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp

Dường như kịch bản thị trường xuyên suốt cả tuần qua đã được soạn sẵn. Bên cạnh dòng tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát, áp lực bán đã hạ nhiệt sau tuần cuối tháng 6 dâng cao, là động lực chính giúp VN-Index duy trì diễn biến hồi phục qua các phiên giao dịch với thanh khoản giảm mạnh, thậm chí có phiên thanh khoản rơi xuống mức thấp nhất từ đầu năm 2024.

Phiên giao dịch sáng ngày 5/7 có chút kém may mắn về cuối phiên khi VN-Index đảo chiều điều chỉnh nhẹ khi thị trường tiệm cận ngưỡng kháng cự 1.280 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng nửa đầu thời gian rung lắc nhẹ, chỉ số VN-Index đã chính thức vượt thành công mốc 1.280 điểm dù dòng tiền không mấy cải thiện. Bên cạnh diễn biến tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu bluechip, đóng góp lớn nhất cho thị trường là cổ phiếu HVN.

Vẫn chỉ giao dịch trong phiên chiều bởi cổ phiếu vào diện hạn chế giao dịch từ tháng 7/2023, nhưng cổ phiếu HVN đã có đợt tăng tốc mạnh mẽ, đặc biệt là từ đầu tháng 4/2024 đến nay. Đóng cửa phiên giao dịch, cổ phiếu HVN tăng 6,29% lên mức giá 36.350 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này và đã đóng góp nhiều nhất với hơn 1,25 điểm cho chỉ số chung.

Đồng thời, thanh khoản cũng ấn tượng trong bối cảnh thị trường chung giao dịch ảm đảm khi cổ phiếu HVN khớp lệnh hơn 7,5 triệu đơn vị, gấp hơn 2-3 lần so với thanh khoản các phiên giao dịch còn lại trong tuần.

Một trong những thông tin đáng chú ý tại HVN là cuối tháng 6 vừa qua, Quốc hội cho phép Vietnam Airlines được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả nợ với khoản vay 4.000 tỷ đồng của HVN, để khắc phục khó khăn trước mắt. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa 5 năm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 182 mã tăng 231 mã giảm, VN-Index tăng 3,15 điểm (+0,25%), lên 1.283,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 616,5 triệu đơn vị, giá trị 15.998 tỷ đồng, tăng 17,8% về khối lượng và 14,180% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,29 triệu đơn vị, giá trị 717,58 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm VN30 đã hỗ trợ tốt cho thị trường khi đóng cửa tăng hơn 5,5 điểm, với 15 mã tăng và 8 mã giảm. Trong đó, FPT vẫn tăng tốt nhất là 2,1% và xác lập mức giá đóng cửa cao nhất từ trước đến nay là 138.700 đồng/CP; ngược lại VRE tiếp tục giảm mạnh nhất trong rổ này khi để mất 2,1%; còn lại các cổ phiếu khác chỉ biến động trên dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu ITA đã không thể thoát giá sàn sau thông tin công bố của HOSE về việc cổ phiếu sẽ bị hạn chế giao dịch. Đóng cửa, ITA giảm 6,9% xuống mức giá sàn 4.800 đồng/CP, nhưng giao dịch vẫn sôi động với hơn 18,2 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, đứng ở vị trí thứ 3 về thanh khoản toàn thị trường.

Xét về nhóm ngành, sau diễn biến có chút hạ nhiệt vào cuối phiên sáng, nhóm cổ phiếu vận tải kho bãi đã lấy lại “phong độ” và trở thành nhóm tăng mạnh nhất thị trường khi có thêm sự tiếp sức của HVN. Trong đó, cổ phiếu VOS đã kéo trần thành công và đóng cửa tăng 6,8% lên mức 20.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 11 triệu đơn vị cùng khối lượng dư mua trần hơn 1,23 triệu đơn vị. Còn lại các cổ phiếu khác trong ngành cũng cùng xu hướng chung là biến động nhẹ.

Đứng ở vị trí thứ 2 là nhóm cổ phiếu công nghệ cũng có mức tăng hơn 2%. Ngoài đóng góp lớn từ FPT, một số mã khác trong ngành cũng khởi sắc như CTR tăng hơn 3,3%, ICT tăng hơn 2%, FOC và MFS cùng tăng hơn 4,5%, TTN tăng 2,46%...

Trong khi đó, bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép vẫn diễn biến giằng co nhẹ. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng EIB tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với xấp xỉ 25 triệu đơn vị khớp lệnh, đã lùi về mốc tham chiếu và đóng cửa tại mức giá 19.050 đồng/CP; trong khi VPB chỉ nhích nhẹ 0,5% với thanh khoản đạt 18,19 triệu đơn vị. Cổ phiếu tăng tốt nhất dòng bank là LPB, đóng cửa tăng 2,7% với khối lượng khớp 10,86 triệu đơn vị.

Ở nhóm chứng khoán, các cổ phiếu SSI, VND, VIX giao dịch sôi động nhất ngành chỉ đạt trên dưới 7 triệu đơn vị, và đóng cửa biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Trên sàn HNX, lực cầu cải thiện cùng diễn biến hồi phục của nhóm HNX30 đã giúp thị trường lấy lại sắc xanh.

Chốt phiên, sàn HNX có 67 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 0,43 điểm (+0,18%), lên 241,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58 triệu đơn vị, giá trị 1.161,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,31 triệu đơn vị, giá trị 70,58 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 đóng cửa tăng gần 2 điểm lên mức giá cao nhất ngày, nhờ các mã như LHC đóng cửa tăng kịch trần, NTP tăng 5%, TIG tăng 3,9%, LAS tăng 3,5%... Ngược lại, các mã giảm đều trong biên độ hẹp trên dưới 1%.

Trong đó, SHS vẫn chưa thoát khỏi trạng thái điều chỉnh khi đóng cửa giảm nhẹ 0,6%, nhưng đã lấy lại vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 6,7 triệu đơn vị khớp lệnh. Còn MBS là điểm sáng của nhóm chứng khoán khi đóng cửa tăng 2,2% lên gần vùng giá cao nhất ngày 32.800 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu với gần 3,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cặp đôi TNG và TIG không có thêm nhiều biến động trong phiên chiều, với mức thanh khoản hơn 4,8 triệu đơn vị và đều đóng cửa giữ sắc xanh, tương ứng tăng 0,7% và 3,9%.

Ở nhóm vừa và nhỏ, sau khi nhận quyết định cổ phiếu bị cảnh báo từ ngày 8/7, HTP đã nhanh chóng tìm đến sắc xanh mắt mèo và đóng cửa giảm 9,6% xuống mức giá sàn 7.500 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch giằng co và khép lại phiên cuối tuần tại vạch xuất phát.

Chốt phiên, UPCoM-Index đứng nguyên tại mốc 98,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60 triệu đơn vị, giá trị 828,93 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,35 triệu đơn vị, giá trị 91,77 tỷ đồng, trong đó riêng QNS thỏa thuận 1 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 50 tỷ đồng.

Cổ phiếu VGT vẫn là tâm điểm của thị trường với thanh khoản đột biến lên tới 10,85 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 8,1% lên mức 17.400 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý khác như TVN sau 2 phiên khoe sắc tím, đóng cửa phiên hôm nay tăng 5,9% lên mức 10.800 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2,82 triệu đơn vị, DDV và OIL cùng tăng khoảng 1,5% và khớp lệnh khoảng 1,8 triệu đơn vị, VEA tăng 1,6%, VLC tăng 5,9%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, với VN30F2407 tăng 7,7 điểm, tương đương +0,6% lên 1.316,3 điểm, khớp lệnh hơn 193.930 đơn vị, khối lượng mở 58.475 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, thanh khoản khá thấp, chỉ có 3 mã đạt trên 1 triệu đơn vị. Bao gồm, CMWG2314 khớp 1,41 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,5% lên 1.860 đồng/cq; CSTB2327 khớp 1,21 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 12,5% xuống 140 đồng/cq; CVPB2401 khớp 1,13 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 3,8% lên 1.660 đồng/cq.

Tin bài liên quan