Hoạt động xuất khẩu dự kiến tăng trưởng chậm lại khi kinh tế toàn cầu khó khăn. Ảnh: Lê Toàn
Áp lực suy thoái và giá hàng hoá đi qua thời điểm thuận lợi nhất
Sau khi các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, cũng như tác động từ các biến cố khó lường từ xung đột Nga - Ukraine, chính sách bảo hộ lên ngôi… đã khiến triển vọng kinh tế thế giới bước vào giai đoạn rất khó lường.
Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, năm 2023 sẽ khó khăn hơn năm 2022, bởi ba nền kinh tế lớn là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều giảm tốc.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, Chủ tịch WB David Malpass cho biết: "Chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 từ 3% xuống 1,9% - mức có thể khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái”.
Nhìn chung, khi lãi suất tăng cao và chưa có dấu hiệu tạm dừng, lạm phát vẫn rình rập và thêm áp lực chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi, kinh tế toàn cầu được dự báo còn tiếp tục gặp khó khăn cho tới khi lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất ổn định và có thể bắt đầu giảm trở lại.
Điểm sáng của kinh tế năm 2023 được dự báo đến từ Trung Quốc khi quốc gia này đã gỡ bỏ chiến lược Zero-covid sau 2 năm áp dụng. Đây sẽ là một động lực hỗ trợ hồi phục kinh tế toàn cầu.
Đối với thị trường hàng hóa, sau giai đoạn bùng nổ do gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu tăng đột biến, từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022 tới nay, giá hàng hóa lao dốc trở lại.
Cụ thể, thống kê từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022 tới nay, so với mức giá đỉnh thì giá thép đã giảm 32,1%, giá cao su giảm 27,9%, giá gỗ xẻ giảm 65,5%, cước vận tải giảm 79,4%, giá khí tại Mỹ giảm 60,5%, giá khí tại châu Âu giảm 79,5%…
Có thể thấy, sau khi lập đỉnh trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, giá hàng hoá/kim loại đang suy yếu và tiếp tục xu hướng giảm trước lo ngại nhu cầu giảm, kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Cổ phiếu hàng hóa lao theo giá hàng hóa
Hưởng lợi từ chu kỳ hàng hoá/kim loại, hàng loạt cổ phiếu tăng giá bằng lần, nhưng sau đó nhanh chóng quay trở lại đà lao dốc.
Đơn cử, các cổ phiếu vận tải hưởng lợi nhiều nhất từ giá cước tăng kỷ lục là HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An và VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam.
Thống kê từ ngày 4/6/2021 đến ngày 7/6/2022, cổ phiếu HAH tăng 385,2%, từ 18.530 đồng lên 89.900 đồng/cổ phiếu và sau đó lao dốc, tính tới ngày 6/1/2023 chỉ còn 34.200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 62% so với đỉnh ngày 7/6/2022.
Tương tự, từ ngày 10/6/2021 đến ngày 30/3/2022, cổ phiếu VOS đã tăng 459%, từ 4.150 đồng lên 23.200 đồng/cổ phiếu và sau đó lao dốc, giảm còn 10.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 6/1/2023, tức là giảm 53% so với đỉnh ngày 30/3/2022.
Đối với nhóm cổ phiếu thép, nhờ giá thép cao kỷ lục trong giai đoạn năm 2020 và cuối năm 2021 đã giúp kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh và giá cổ phiếu tăng cao. Tuy nhiên, sau đó, giá các cổ phiếu này lao dốc khi các công ty phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho giá cao, một số công ty thép phải đóng cửa lò cao hoặc sản xuất cầm chừng do nhu cầu suy yếu.
Ba cổ phiếu điển hình trong ngành là HSG, NKG và TLH từ ngày 8/9/2020 đến ngày 15/10/2021 lần lượt tăng 369,5%, 733,3% và 578,5%. Tuy nhiên, sau đó, từ ngày 15/10/2021 đến ngày 6/1/2023, các cổ phiếu này đã quay đầu giảm lần lượt 69,5%, 68,3%, 69,6% so với giá đỉnh.
Ngoài ra, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) - một trong số ít cổ phiếu hưởng lợi từ chu kỳ giá hàng hoá trong giai đoạn vừa qua khi giá phốt pho vàng liên tục lập đỉnh, cũng nhanh chóng quay đầu giảm trở lại trong thời gian vừa qua.
Khi giá phốt pho vàng giảm trở lại, giá cổ phiếu DGC cũng quay đầu giảm. Cụ thể, thống kê từ ngày 1/2/2021 đến ngày 16/6/2022, cổ phiếu DGC đã tăng 596,1%, từ 18.500 đồng lên 128.770 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó, từ ngày 16/6/2022 đến ngày 6/1/2023, giá cổ phiếu DGC lại giảm 54,5%, về 58.600 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, nhóm cổ phiếu phân bón hưởng lợi từ giá phân bón tăng cao cũng có dấu hiệu lao dốc trở lại trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Được biết, một cổ phiếu sẽ trải qua giai đoạn tích luỹ, bùng nổ, đạt đỉnh, thoái trào và quay trở lại tích lũy. Trong đó, sau một siêu chu kỳ bùng nổ sẽ là một giai đoạn thoái trào, tích luỹ trong một thời gian tương đối dài.
Với các cổ phiếu hàng hóa/kim loại đã qua thời điểm thuận lợi nhất, nhóm này nhiều khả năng sẽ bước vào giai đoạn tích lũy trong một thời gian dài trước khi giá hàng hoá/kim loại quay trở lại và tạo sóng mới.