Cổ phiếu FPT lập đỉnh mới, VN-Index tăng gần 20 điểm

Cổ phiếu FPT lập đỉnh mới, VN-Index tăng gần 20 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tăng tốc và chinh phục ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip, trong đó cổ phiếu FPT tăng ấn tượng và xác lập đỉnh mới.

Sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước ngày 25/8, thị trường đã nhanh chóng khởi sắc và duy trì đà tăng khá tốt trong suốt cả phiên sáng đầu tuần ngày 28/8. Dù dòng tiền tham gia vẫn chưa lấy lại nhiệt sôi động như thời gian gần đây, nhưng áp lực bán được tiết chế cùng sự hậu thuẫn của đồng loạt các cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index khép lại phiên giao dịch sáng tích cực hơn 10 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục nới rộng biên độ tăng khi sắc xanh ngập tràn bảng điện tử, đặc biệt là sự đóng góp của nhóm VN30. Chỉ số VN-Index tịnh tiến và đã chinh phục thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm trong đợt khớp lệnh ATC với các mã lớn VNM, HPG, VIC, VCB, FPT đều đóng góp hơn 1 điểm vào chỉ số chung.

Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu FPT. Lực cầu gia tăng mạnh đã giúp FPT dần tăng tốc sau phiên sáng nhích nhẹ. Dù không giữ được mức giá cao nhất phiên nhưng FPT đã ghi nhận phiên tăng điểm tích cực và xác lập đỉnh lịch sử mới của cổ phiếu này.

Cụ thể, đóng cửa, FPT tăng 3,8% lên mức giá 94.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,95 triệu đơn vị. Như vậy, vốn hóa của FPT tương ứng là hơn 119 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 5,2 tỷ USD.

Chốt phiên, sàn HOSE có 419 mã tăng và 90 mã giảm, VN-Index tăng 18,35 điểm (+1,55%) lên 1.201,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 882,85 triệu đơn vị, giá trị 19.818,82 tỷ đồng, cùng giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 25/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 119,31 triệu đơn vị, giá trị 2.624,6 tỷ đồng.

Nhóm VN30 không còn mã nào giao dịch trong sắc đỏ, ngoại trừ BVH và CTG đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc. Trong đó, VNM có đóng góp lớn nhất cho chỉ số chung của thị trường khi đóng cửa tăng 4% lên mức 77.900 đồng/CP và thanh khoản sôi động với gần 5,4 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Xét về nhóm ngành, cùng diễn biến khởi sắc của thị trường chung, hầu hết các nhóm cổ phiếu cũng ghi nhận đà tăng, chỉ ngoại trừ nhóm sản phẩm cao su và bảo hiểm giảm nhẹ chưa tới 0,5%.

Trong đó, nhóm vật liệu xây dựng tăng tốt trên thị trường nhờ đà tăng tốc của HPG khi đóng cửa tăng 3,5% lên mức giá cao nhất ngày 26.850 đồng/CP và khớp lệnh 22,82 triệu đơn vị; HSG cũng nới nhẹ biên độ và đóng cửa tăng 3,2% với khối lượng khớp lệnh hơn 13 triệu đơn vị; NKG tăng 2,8% lên mức cao nhất ngày 18.600 đồng/CP và khớp 6,38 triệu đơn vị. Cổ phiếu nhỏ POM kéo trần thành công khi đóng cửa tại mức giá 7.020 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 1,45 triệu đơn vị.

Ở nhóm bất động sản, trong khi VIC hạ độ cao thì nhiều mã vừa và nhỏ lại có diễn biến khởi sắc hơn. Trong đó, ngoài QCG khoe sắc tím từ phiên sáng, trong phiên chiều có thêm cặp đôi BCG và HPX đều sớm tăng trần với khối lượng khớp lệnh sôi động, lần lượt đạt 15,83 triệu đơn vị và hơn 13 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần 1,54 triệu đơn vị và hơn 3 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã khác cũng đóng cửa tại vùng giá cao như DXG tăng 5,2%, TCD tăng 4,6%, IJC tăng 3,9%, DXS tăng 3,2%, NVL tăng 3,1%, DIG tăng 2,6%... Trong đó, NVL có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 33,67 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán cũng khởi sắc hơn trong phiên chiều khi đồng loạt đều giao dịch khởi sắc, với điểm nhấn là ORS đóng cửa tăng trần, nhưng VIX vẫn là mã giao dịch sôi động nhất ngành với 32,15 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa tăng 3% lên mức giá cao nhất ngày 18.750 đồng/Cp.

Nhóm hóa chất và phân bón cùng nhóm bán lẻ tiếp tục tăng tốc với DGC tăng 5% lên mức giá cao nhất ngày 83.800 đồng/CP, DCM cũng tăng ấn tượng 4,9%, DPM tăng 3,3%; hay bán lẻ có FRT tăng 4,9%, PET tăng 4,55, DGW tăng 3,5%, MWG tăng 2,4%...

Trên sàn HNX, dù áp lực bán gia tăng đầu phiên khiến thị trường đảo chiều giảm, nhưng HNX-Index nhanh chóng hồi phục và nới rộng biên độ tăng mạnh hơn về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 110 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index tăng 1,98 điểm (+0,81%) lên 244,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 99,65 triệu đơn vị, giá trị 1.751,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,1 triệu đơn vị, giá trị 396,58 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận 13,48 triệu đơn vị, giá trị hơn 206,24 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý trên HNX là HUT khi đà tăng khá tốt vẫn được duy trì trong phiên chiều, đóng cửa ghi nhận mức tăng 6,3% lên mức 26.800 đồng/CP, cùng thanh khoản sôi động với gần 7,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tuy nhiên, cặp đôi dẫn đầu thanh khoản thị trường vẫn là SHS và CEO cũng đều giao dịch khởi sắc. Trong đó, SHS đóng cửa tăng 2,4% lên mức giá cao nhất ngày 17.300 đồng/CP và khớp 22,86 triệu đơn vị, còn CEO tăng nhẹ 0,4% lên 26.200 đồng/CP và khớp lệnh hơn 15 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã khác trong nhóm HNX30 cũng hỗ trợ tốt cho thị trường như LAS tăng 3,3%, TIG tăng 2,7%, BVS tăng 2,6%...

Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu SVN có phiên giao dịch ấn tượng khi đóng cửa kéo trần thành công lên mức 4.600 đồng/CP, tăng 9,5% với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng biên độ và kết phiên tại vùng giá cao nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,72 điểm (+0,79%), lên 91,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,57 triệu đơn vị, giá trị 551,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,11 triệu đơn vị, giá trị 209,37 tỷ đồng, trong đó DGT thỏa thuận 14,9 triệu đơn vị, giá trị 120,4 tỷ đồng và NAB thỏa thuận 5,23 triệu đơn vị, giá trị 74,72 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR dù có chút rung lắc và điều chỉnh đầu phiên sáng, nhưng lực cầu hấp thụ tích cực đã giúp cổ phiếu này giao dịch khởi sắc. Đóng cửa, BSR tăng 2,2% và đứng tại vùng giá cao trong ngày tại mức 19.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 7,4 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo là C4G và SBS khớp lệnh lần lượt 2,79 triệu đơn vị và 2,1 triệu đơn vị, đều diễn biến giằng co và đóng cửa tăng nhẹ trên dưới 1%.

Cũng trong xu hướng chung của ngành, cổ phiếu nhóm phân bón DDV đã giao dịch khởi sắc khi đóng cửa tăng 3,9% lên mức 10.700 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 5 dẫn đầu thị trường với 1,34 triệu đơn vị khớp lệnh,

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng tốt, với VN30F2309 tăng 18 điểm, tương đương +1.5% lên 1.212,5 điểm, khớp lệnh đạt gần 187.720 đơn vị, khối lượng mở đạt gần 50.160 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm áp đảo, trong đó CVNM2212 khớp lệnh lớn nhất thị trường với 3,54 triệu đơn vị giao dịch thành công, đóng cửa tăng 12% lên 1.490 đồng/cq.

Tiếp theo là CMBB2211 đóng cửa đứng giá tham chiếu 20 đồng/cq và khớp hơn 2,83 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan