Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam dự kiến hoàn thành năm 2035

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam dự kiến hoàn thành năm 2035

Cổ phiếu đường sắt "tạm ứng" tương lai xa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Gần đây, bộ đôi cổ phiếu HRT (của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội) và SRT (của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn) thu hút sự chú ý của giới đầu tư nhờ liên tục tăng trần trong các phiên từ ngày 23 - 25/9/2024.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, thị giá hai cổ phiếu này đã tăng tới 130%.

Đáng nói, đà tăng giá của hai cổ phiếu ngành đường sắt này không xuất phát từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính gần nhất (quý II/2024) của HRT cho thấy, doanh thu quý II của Công ty đạt 778 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vẻn vẹn 6 tỷ đồng, giảm tới 75% so với cùng kỳ.

Tương tự, tại SRT, doanh thu quý II đạt 526 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế lại giảm 56%, chỉ đạt 4,9 tỷ đồng.

Lý do lợi nhuận giảm mạnh được hai doanh nghiệp giải trình tương đối giống nhau, như giá nguyên nhiên liệu tăng, chi phí dịch vụ phát sinh do sự cố sạt lở và tăng phí điều hành giao thông vận tải đường sắt cũng như chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh suy giảm mạnh.

Vậy, điều gì đã tạo ra đà hưng phấn của bộ đôi cổ phiếu này?

Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn, diễn ra vào ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã thảo luận về những định hướng đột phá trong phát triển đất nước giai đoạn tới, như đột phá thể chế, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng những công trình hạ tầng chiến lược, biểu tượng phát triển đất nước như tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam…

Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 70 tỷ USD. Tuyến đường có tổng chiều dài 1.541 km, tốc độ tối đa lên đến 350 km/h, sẽ khởi hành từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Toàn tuyến sẽ có 23 ga phục vụ hành khách, với khoảng cách trung bình giữa các ga là 67 km, cùng với 5 ga hàng hóa được đặt tại các khu vực giao thương chính.

Trước đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng “xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Thực hiện chỉ đạo nói trên, từ tháng 4/2023, Bộ Giao thông – Vận tải đã tổ chức nhiều đoàn công tác liên ngành khảo sát tại 6 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển trên thế giới.

Thực tế, câu chuyện siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam từng khiến bộ đôi cổ phiếu HRT - SRT “nổi sóng” vào giai đoạn tháng 6, tháng 7 năm nay. Trong giai đoạn đó, thị giá của SRT đã nhảy vọt từ 6.900 đồng/cổ phiếu (phiên 21/6/2024) lên 16.300 đồng/cổ phiếu (phiên 12/7/2024); thị giá HRT cũng từ 7.800 đồng/cổ phiếu (phiên 21/6/2024) lên mức 16.300 đồng/cổ phiếu (phiên 12/7/2024).

Đà tăng diễn ra sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp mặt với các lãnh đạo ngành đường sắt Trung Quốc trong chuyến công tác tới nước này vào cuối tháng 6 vừa qua. Tại cuộc gặp, Thủ tướng đã đề nghị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên – CRRC (Trung Quốc) nghiên cứu hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất, chuyển giao công nghệ chế tạo đầu máy, toa xe, đào tạo nhân lực, hỗ trợ về nguồn vốn...

Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam dự kiến triển khai trong 10 năm, phấn đấu đến năm 2035 sẽ hoàn thành. Dự án này không chỉ nâng cao năng lực vận tải của ngành đường sắt, giúp các doanh nghiệp trong ngành hưởng lợi, mà còn có ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn, với ước tính sẽ góp phần gia tăng GDP thêm 1% khi đưa vào khai thác.

Tin bài liên quan