Nguồn cung khan hiếm đẩy giá đường lên cao
Ngày 13/4/2023, hợp đồng tương lai giá đường trắng tại Mỹ đạt trên 24 US Cent/pound, tăng gần 20% so với giữa tháng 3 và tăng trên 30% so với đầu năm. Tại Anh, giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2023 đạt 694 USD/tấn, cao nhất 11 năm qua.
Diễn biến giá đường thế giới 1 năm qua. |
Giá đường thế giới tăng vọt do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Ấn Độ được nhận định sẽ hạn chế xuất khẩu đường vì giá đường nội địa ở mức cao và mưa lớn có thể làm giảm năng suất mía. Bên cạnh đó, giá dầu tăng cao có thể sẽ thúc đẩy quốc gia có sản lượng đường lớn nhất thế giới này chuyển hướng từ trồng mía sang sản xuất ethanol. Trong khi đó, Brazil, nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới có định hướng chuyển sang sản xuất ethanol, còn nguồn cung tại một số nước khác như Thái Lan, Pakistan được đánh giá là “mờ nhạt”.
Tại thị trường trong nước, giá đường tăng nhẹ, dao động quanh mức 18.000 đồng/kg, do chịu áp lực cạnh tranh từ đường nhập lậu và vụ ép mía vẫn đang trong giai đoạn cao điểm. Một số công ty chứng khoán dự báo, giá đường trong nước có thể đạt 18.500 đồng/kg trong quý III/2023.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, niên vụ 2022 - 2023, cả nước dự kiến có khoảng 151.300 ha diện tích trồng mía sản xuất, tăng 3% so với niên vụ trước. Kỳ vọng sản lượng mía ép đạt gần 8,8 triệu tấn, tăng 16,5% và sản lượng đường sản xuất đạt 871.000 tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, giá thu mua mía nhiều khả năng sẽ ổn định hơn, nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng mía, đảm bảo nguồn cung nội địa.
Sản lượng mía đường theo niên vụ ở Việt Nam. Nguồn: VCBS |
Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất mía đường đã tốt hơn khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm mía đường nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN. Trong tháng 3 vừa qua, Việt Nam có lô mía trắng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ với khối lượng 17,3 tấn, nguyên liệu thu mua tại Hòa Bình.
Kỳ vọng kết quả kinh doanh cải thiện
Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) cho biết, kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng tốt, tổng doanh thu đạt 2.208 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 26,3% kế hoạch cả năm; lợi nhuận trước thuế đạt 359 tỷ đồng, tăng 72,2% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 29,8% kế hoạch cả năm.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức ngày 1/4, Đường Quảng Ngãi đề ra kế hoạch năm nay đạt 8.400 tỷ đồng doanh thu, 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 1.008 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 1,8%, 20,3%, 21,6% so với mức thực hiện năm ngoái.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng, năm 2023, Đường Quảng Ngãi sẽ đạt 9.240 tỷ đồng doanh thu, tăng 11,9% và 1.344 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 4,6% so với năm 2022. Cơ sở của kỳ vọng này là tiêu thị mảng sữa đậu nành sẽ duy trì ổn định, giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm, giá đường nội địa tăng và sản lượng đường tăng nhờ nỗ lực mở rộng vùng nguyên liệu.
Giá đường toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2023 được nhận định sẽ diễn biến theo xu hướng tăng do nguồn cung giảm và ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi. Các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước sẽ tận dụng xu hướng tăng giá để cải thiện biên lợi nhuận.
Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã chứng khoán SBT) hiện là doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất đường với 46% thị phần được cho là hưởng lợi lớn từ xu hướng tăng giá. SBT có quy mô vùng mía nguyên liệu lớn nhất sẽ có vị thế tốt để nắm bắt cơ hội nhu cầu đường trong nước tăng trước bối cảnh nguồn cung nhập khẩu hạn chế.
Thực tế, ngành đường vốn thường xuyên đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại chưa được kiểm soát dẫn đến áp lực cạnh tranh về giá không lành mạnh; rủi ro về thời tiết hanh khô dễ xảy ra cháy, ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng mía; rủi ro mùa vụ khiến người nông dân thay đổi kế hoạch chuyển sang trồng cây khác...
Để giải quyết các vấn đề này, phát triển bền vững là mô hình mà các công ty sản xuất mía đường hướng tới. Tại tọa đàm mới đây với chủ đề “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt”, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị SBT chia sẻ, khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) năm 2019, Công ty rất lo lắng về giới hạn hạn điền cùng các vướng mắc khác, nhưng việc gì cũng có giải pháp và SBT đã giải quyết được khi nghiên cứu, phát triển mô hình phát triển bền vững.
Trong đó, Công ty không ngừng đầu tư vào nghiên cứu để tối ưu hóa giá trị cây mía, tạo ra các sản phẩm cạnh đường và sau đường; đầu tư và mở rộng vùng nguyên liệu hữu cơ, sản xuất dòng sản phẩm organic với quy trình sản xuất đường organic đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu…
Đến nay, SBT tự hào khi đại diện cho ngành mía đường Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng đặc trưng. Nhằm góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, SBT kiến nghị Bộ Công thương không cho nhập khẩu đường tinh, chỉ cho nhập khẩu đường thô để đưa vào chế biến sâu.
Tại Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán LSS), niên độ tài chính 2022 - 2023, Công ty đặt kế hoạch đạt doanh thu 2.166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 20% so với mức thực hiện niên độ trước.
Ban lãnh đạo LSS cho hay, mục tiêu sản lượng mía nguyên liệu niên vụ 2022 - 2023 tối thiểu là 450.000 tấn mía. Công ty sẽ xây dựng chính sách phát triển vùng nguyên liệu, hợp tác với các công ty, nông trường có quỹ đất lớn, tập trung khai thác vùng bãi, xây dựng chiến lược về giống, trước mắt rà soát diện tích mía đến từng hộ, chuẩn bị tốt cho vụ ép 2023 - 2024.
Bên cạnh đó, LSS sẽ theo dõi chặt chính sách của Nhà nước đối với ngành đường, bám sát thị trường, đánh giá, phân tích xu thế ngành đường thế giới, nghiên cứu thành lập công ty tại Lào hoặc Campuchia; khai thác hiệu quả thiết bị và công nghệ đã đầu tư vào các nhà máy đường, nhà máy đường phèn, nhà máy điện; đồng thời, tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu trong sản xuất, chế biến, nâng cao hiệu quả sản xuất, chế luyện.
Triển vọng tích cực từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường đã tạo cú huých cho cổ phiếu nhóm này trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu QNS đóng cửa ngày 12/4/2023 tại mức giá 42.800 đồng/cổ phiếu, tăng 17,5% so với đầu năm. Trong cùng khoảng thời gian, cổ phiếu SBT đạt 15.800 đồng/cổ phiếu, tăng 6,7%; cổ phiếu LSS đạt 8.700 đồng/cổ phiếu, tăng 35%; cổ phiếu SLS đạt 159.900 đồng/cổ phiếu, tăng 30,5%.