Cổ phiếu đường gặp đối thủ cạnh tranh

Cổ phiếu đường gặp đối thủ cạnh tranh

(ĐTCK) Trong xu thế tăng điểm của thị trường chứng khoán thời gian qua, cổ phiếu ngành mía đường (SBT,LSS, QNS…) vẫn không tránh khỏi điều chỉnh. Nguyên nhân chính là trước áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực mía đường, không ít doanh nghiệp yếu trong ngành đã phải đóng cửa. Tuy nhiên, với doanh nghiệp mạnh vẫn lại tận dụng cơ hội M&A để mở rộng quy mô sản xuất, tăng tính cạnh tranh, tự cung ứng.

M&A – con đường tắt hiệu quả

Lãnh đạo SBT cho biết, các hoạt động M&A, như mua lại mảng đường của HAGL, sáp nhập BHS vào TTC sẽ giúp tăng tính cạnh tranh trước bối cảnh cắt giảm thuế do hội nhập. Để đón đầu hội nhập, khi có bão lớn, có người xây thành, có người mua cối xay gió để tận dụng cơ hội. Do đó, SBT sẽ đầu tư để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, nên cần phải M&A để lớn mạnh.

Thế nhưng, không chỉ SBT chọn con đường tắt M&A để mở rộng quy mô, phát triển lớn mạnh ở lĩnh vực mía đường mà mới đây Vinamilk (một trong những đối tác của đế chế đường Thành Thành Công) đã thực hiện kế hoạch M&A và đầu tư mới trong lĩnh vực ngành mía đường.

Vinamilk đã đặt chân vào mía đường và sản xuất nước uống thiên nhiên từ trái dừa tươi – tương tự như những gì Tập đoàn TTC Group đang triển khai. Sau khi mua xong 65% Công ty Đường Khánh Hòa, Vinamilk đang thương lượng mua lại một số nhà máy đường khác.

Vinamilk khẳng định việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tinh luyện đường không chỉ đảm bảo cho Vinamilk lượng đường dùng trong sản xuất sữa, mà công ty sẽ bán đường sản phẩm ra thị trường thông qua hệ thống kênh phân phối sẵn có.

Nhiều năm nay, Vinamilk luôn tập trung đầu tư và mở rộng vùng nguyên liệu để chủ động sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Việc tự giải quyết được nguồn cung đường sẽ giúp Vinamilk hạ giá thành sản phẩm sữa, nâng cao biên lợi nhuận ròng.

Tuy nhiên, việc “lấn sân” sang ngành đường của Vinamilk đang khiến những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực này phải toan tính.

Những cái tên như Công ty cổ phần Đường Lam Sơn (LSS); Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT-Hose) hay Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS-UpCom) không thể đứng ngoài cuộc cạnh tranh nói trên. Trong đó, SBT lâu nay là đối tác cung ứng đường cho Vinamilk thì nay lại trở thành đối thủ cạnh tranh. Đáng chú ý là khi Vinamilk có hệ thống phân phối phủ rộng khắp cả nước, tiềm lực tài chính mạnh…

Việc “lấn sân” sang ngành đường của Vinamilk đang khiến những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực này phải toan tính

Nhưng SBT cũng sớm nhận ra điều đó và công ty đã bắt tay cùng tập đoàn Kinh Đô để tận dụng kênh phân phối của Kinh Đô trong tiêu thụ đường. TTC bắt tay KIDO phân phối đường, doanh thu năm đầu (2018) dự kiến khoảng 1.100 tỷ đồng.

Lộ trình hợp tác này gồm 2 giai đoạn được kỳ vọng sẽ làm ngành đường Việt Nam “sống tốt” trong bối cảnh đường nhập khẩu giá rẻ đang tung hoành ở thị trường nội địa. Trong bối cảnh mở rộng tự do thương mại, Tập đoàn TTC đã có các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành đường từ nông nghiệp đến kỹ thuật sản xuất và thị trường... và mong muốn nâng tầm thương hiệu nội địa.

Cổ phiếu có vốn hóa lớn khó thu hút nhà đầu tư

Trước áp lực cạnh tranh trong bức tranh chung của ngành mía đường đón đầu hội nhập đã tạo áp lực không nhỏ lên giá cổ phiếu ngành này.

Thị giá cổ phiếu SBT đã điều chỉnh mạnh thời gian qua và hiện quanh mức 20.000 đồng, giảm 60% so với mức đỉnh thiết lập vào quý 3 năm ngoái. Thị giá QNS cũng lao dốc từ gần 80.000 đồng vào tháng 8-2017 xuống 45.000 đồng hiện tại. Quí 2/2017 đã có thời điểm giá cổ phiếu QNS giao dịch cả tháng ở gần 100.000 đồng.

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS-Hose) thì “giẫm chân tại chỗ” ở vùng giá 11.000-12.000 đồng/CP cả năm nay. Công ty cổ phần Đường Kon Tum (KTS-Hnx) cũng không khá hơn khi cổ phiếu lao dốc từ gần 50.000 đồng/CP quý 3-2017 về 28.300 đồng/CP ngày 30-1-2018. Trong khi đó, với các cổ phiếu có có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường Vinamilk cũng không được nhà đầu tư quan tâm. Suốt từ đầu tháng 12/2017 đến nay, cổ phiếu Vinamilk chỉ giao dịch quanh đi quẩn lại ở 200.000 đồng/CP.

Trong khi cùng thời gian trên VN-Index đã tăng ngoạn mục từ 960 điểm lên 1.110 điểm (ngày 30-1-2018), tương đương tăng 15,6% và nhiều blue-chips khác thậm chí tăng gấp đôi thị trường chung. Có vẻ như các nhà đầu tư không còn chuộng những cổ phiếu có thị giá cao và có các chỉ số cơ bản với sự đi lên ổn định.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu như Vinamilk, đường năm 2017-2018 cũng không thể nào so sánh với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính như ngân hàng chứng khoán, đặc biệt khi ngân hàng vừa bước ra khỏi thời kỳ khủng hoảng và nợ xấu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp như Vinamilk, SBT lại có thế mạnh riêng, đó chính là quy mô, vị thế dẫn đầu và sự ổn định của hiệu quả kinh doanh trong ngắn cũng như trung, dài hạn.

Trước tình hình cạnh tranh ngày càng khó khăn, mới đây, SBT quyết định sẽ gia tăng quy mô vốn dự kiến thêm khoảng 885,6 tỷ đồng (thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ). Đối tượng mà SBT nhắm tới là cả nhà đầu tư tài chính lẫn nhà đầu tư cùng ngành.

Đặc biệt, để thu hút dòng vốn nước ngoài, SBT quyết định mở room tối đa 100% cho nhà đầu tư ngoại và điều chỉnh ngành nghề kinh doanh. Song song với đó, để củng cố niềm tin với nhà đầu tư, SBT đã thông qua kế hoạch mua vào tương đương 15% vốn điều lệ SBT làm cổ phiếu quỹ.

Công ty Đầu tư Thành Thành Công cũng nâng sở hữu lên 36% vốn điều lệ SBT, còn bà Đặng Huỳnh Ức My, thành viên Hội đồng Quản trị SBT tăng sở hữu lên 15% mà không cần chào mua công khai; nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% vốn điều lệ ở SBT... Đây đều là những chiến lược cốt lõi mà SBT đang triển khai nhằm củng cố vị thế ngành đường của mình tại Việt Nam. Những chiến lược này dự kiến sẽ giúp SBT đạt 515.000 tấn đường tiêu thụ, 9.900 tỷ đồng doanh thu và 680 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong niên độ 2017-2018, tương đương tăng trưởng lần lượt 168% về lượng tiêu thụ, 120% về doanh thu và 85% về lợi nhuận trước thuế.

Bên cạnh sản xuất kinh doanh đường trong nước, SBT còn xuất khẩu đường sang Brunei, Trung Quốc, Indonesia... Đồng thời, SBT triển khai thương mại đường nhập khẩu, sản xuất sản phẩm sau đường như mật rỉ, điện, nước đóng chai, sản xuất đường phèn, đường organic... và đẩy mạnh mảng điện mặt trời để tiết giảm chi phí, có thêm nguồn thu.

Đặc biệt, việc đầu tư chiến lược tại Công ty Mía đường Hoàng Anh Gia Lai ở Lào sẽ giúp SBT hạ giá thành, cạnh tranh với hàng nhập khẩu cũng như kiểm soát rủi ro. Trong trường hợp, nếu có biến động về nguồn nguyên liệu, SBT có thể nhập đường từ Lào về tinh luyện vì từ năm 2018, đường từ Lào nhập về không bị áp hạn ngạch, càng tạo điều kiện cho SBT phát triển.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 SBT vừa công bố, lợi nhuận sau thuế quý 2 ghi nhận 174 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đạt 261.2 tỷ, tăng 50% so với 6 tháng cùng kỳ năm trước. Với kết quả này EPS 6 tháng đầu niên độ kế toán đạt 469 VND. Nếu dự phóng lợi nhuận 6 tháng còn lại của niên độ kế toán đạt khoảng 300 tỷ thì EPS dự phóng năm 2018 của SBT sẽ đạt trên 1,000 VND, PE năm theo giá hiện tại khoảng 20. Đây là mức PE trung bình dựa trên độ lớn của tập đoàn và PE trung bình của thị trường hiện tại. Mặc dù vậy theo đánh giá chung hoạt động mía đường của SBT trong 6 tháng còn lại có nhiều cơ hội tăng trưởng cao hơn nhờ SBT đã tận dụng thế mạnh ở các công ty con như TTC Attapeu và hệ thống bán lẻ mới mở rộng của Đường Biên Hòa… Xét về tiềm năng tăng trưởng so với thị giá hiện nay, cổ phiếu SBT thực sự là cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Tin bài liên quan