Những cú huých giá
Ngày 12/7/2023, cổ phiếu DTG của Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco (Tipharco) chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tím ngắt trong phiên chào sàn, tăng kịch biên độ 30%. Phiên sau đó, giá DTG tiếp tục tăng trần (10%), lên 35.700 đồng/cổ phiếu.
Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông 2023, Tipharco sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng theo tỷ lệ 1:3 (hơn 22,3 triệu cổ phiếu) cho cổ đông hiện hữu, với giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tính đến ngày 31/12/2022, Tipharco có vốn điều lệ hơn 63 tỷ đồng, tương ứng có hơn 6,3 triệu cổ phiếu; tổng tài sản 262,9 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 135,5 tỷ đồng; giá trị sổ sách khoảng 21.000 đồng/cổ phiếu. Công ty có kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 20%, gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
Tipharco là một trong các công ty dược có lịch sử lâu nhất tại khu vực miền Nam, hiện sở hữu 3 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn WHO-GMP. Các sản phẩm chủ lực của Công ty là thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thuốc chữa tim mạch, tiểu đường, bên cạnh đó là các sản phẩm đông dược, thực phẩm chức năng.
Năm 2023, Tipharco đặt kế hoạch doanh thu 360 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 65% so với năm 2022; tỷ lệ cổ tức dự kiến là 10% trên vốn điều lệ mới. Kết thúc quý I/2023, Công ty ghi nhận 88,7 tỷ đồng doanh thu và 7,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 25,5% và gấp 2,67 lần so với cùng kỳ.
Tipharco đặt mục tiêu cho giai đoạn 2023 - 2027 là doanh thu tăng bình quân 19%/năm, lũy kế 5 năm đạt 2.520 tỷ đồng; lợi nhuận tăng bình quân 40%năm, lũy kế 5 năm đạt 315 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu DP3 của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 (Forifarm) ghi nhận mức tăng xấp xỉ 40% trong vài phiên giao dịch gần đây. Cổ phiếu này tăng giá cả trước và sau ngày giao dịch không hưởng quyền hưởng cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 100:150 là ngày 11/7/2023. Trước đó, trong tháng 3/2023, Forifarm chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 80%, cao hơn mức trung bình giai đoạn 2020 - 2022 (60 - 80%/năm).
Forifarm có vốn điều lệ 68 tỷ đồng, tương ứng với 6,8 triệu cổ phiếu, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) thường xuyên duy trì trên 10.000 đồng.
Thuộc nhóm ngành phòng thủ, cổ phiếu dược ít khi giảm sốc như các mã thị trường. Chỉ khi nào thị trường chung lao dốc kéo dài, cổ phiếu dược mới giảm giá mạnh, nhưng mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư giá trị. Chẳng hạn, thời điểm giá cổ phiếu TRA của Công ty cổ phần Traphaco rớt xuống quanh mức 50.000 đồng/cổ phiếu, cổ đông nội bộ lập tức đăng ký mua vào và khi thị trường ổn định trở lại, giá cổ phiếu này đã tăng gần gấp đôi.
Trên sàn chứng khoán, một số nhà đầu tư cần mẫn gom cổ phiếu dược để chờ những câu chuyện riêng như tăng vốn điều lệ, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược, thoái vốn nhà nước, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 gây ra tình trạng khan hiếm thuốc.
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều cổ phiếu dược tăng giá 30 - 50% như cổ phiếu DBT của Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre, cổ phiếu DBD của Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar), cổ phiếu DMC của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, cổ phiếu DHG của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, cổ phiếu DHT của Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây. Trong đó, mã DHG và DHT lập kỷ lục mới về giá.
Triển vọng tích cực
Nửa đầu năm 2022 là giai đoạn đỉnh cao bán hàng của các nhà thuốc và công ty dược phẩm, bởi dịch Covid-19 bùng phát, số người nhiễm bệnh tăng nhanh nên người dân mua và tiêu thụ lượng lớn thuốc cũng như các sản phẩm y tế. Chẳng hạn, kế hoạch doanh thu quý I/2022 ở kênh nhà thuốc (OTC) của Traphaco đặt ra là 440 tỷ đồng, nhưng thực tế Công ty đạt 570 tỷ đồng.
Fitch Solutions nhận định, chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm của người dân Việt Nam có thể đạt 2,12 triệu đồng vào năm 2026.
Bối cảnh năm 2023 đã khác, dịch bệnh được kiểm soát, thu nhập của người dân giảm sút với những khó khăn từ môi trường kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng tới sức mua trong lĩnh vực dược phẩm. Mặc dù vậy, không ít doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng cao.
Cụ thể, quý I/2023, lợi nhuận sau thuế của Dược Hậu Giang là 361 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Con số lợi nhuận trong quý đầu năm nay của Forifarm là 24,2 tỷ đồng, tăng gần 10%; với Dược phẩm Trung ương CPC1 Hà Nội (mã chứng khoán DTP) là 39 tỷ đồng, tăng 576%; với Dược phẩm Trung ương I (Pharbaco, mã chứng khoán PBC) là gần 24 tỷ đồng, tăng 480%; với Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán DVN) là 111 tỷ đồng, tăng 148%; với Bidiphar là hơn 68 tỷ đồng, tăng gần 34%; với Dược phẩm Bến Tre là hơn 10 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ; Dược phẩm Hà Tây ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 40%.
Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh, người dân ngày càng quan tâm đến các dịch vụ y tế. Cùng với đó, nỗ lực của Chính phủ trong việc giúp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ dàng tiếp cận hơn với giá cả phải chăng là những động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành dược.
Tổ chức IQVIA đã xếp Việt Nam vào nhóm Pharmerging Market - nhóm 17 nước có tốc độ tăng trưởng ngành dược cao nhất toàn cầu. Nhóm Pharmerging Market được phân thành 3 nhóm nhỏ, Việt Nam xếp vào nhóm thứ 3 gồm 12 quốc gia, với mức tăng trưởng 14%, chỉ sau Argentina và Pakistan.
Theo báo cáo quý IV/2022 của IQVIA, giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam đạt 187.659 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, trong đó kênh OTC tăng 27% và kênh bệnh viện (ETC) tăng 33%.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dược trong nước có điểm hạn chế là thị trường manh mún, quy mô nhỏ lẻ và năng lực tài chính yếu; khả năng đầu tư vào nghiên cứu và trang bị công nghệ sản xuất hạn chế; gặp khó khăn trong đầu tư dự án quy mô lớn cũng như mua các bản quyền sở hữu trí tuệ về dược; thiếu đội ngũ nhân sự chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp tập trung sản xuất các loại thuốc thông dụng, ít quan tâm tới các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, vốn đòi hỏi công nghệ bào chế hiện đại. Theo đó, phân khúc thuốc chuyên khoa, đặc trị với chất lượng cao vẫn đang do các doanh nghiệp nước ngoài thống lĩnh.
Thị trường chứng khoán có thể giúp các doanh nghiệp dược huy động được lượng lớn vốn cổ phần, qua đó tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu thuốc và tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất nguyên liệu (mua bằng phát minh, sáng chế, hợp tác).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tham gia cuộc đua nâng cấp và xây dựng các dây chuyền nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc xây dựng các nhà máy đạt tiêu chuẩn cao hứa hẹn sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp dược tại những gói thầu có giá trị cao, đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu.