Hàng loạt tập đoàn dược phẩm đình đám như Mylan NV, Perrigo Co. hay Allergan Plc đều ghi nhận giá trị cổ phiếu sụt giảm từ 1,5 - 2,5% trong phiên giao dịch ngày 7/3 sau khi ông Trump tuyên bố trên Twitter cam kết sẽ hạ giá thuốc cho người dân Mỹ, thông qua việc triển khai một hệ thống mới, nhằm duy trì sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp dược phẩm.
Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của 25 công ty khác trong nhóm chỉ số dược phẩm, công nghệ sinh học và khoa học đời sống của Standard & Poor’s 500 cũng chứng kiến mức sụt giảm trung bình 1,3%, mức cao nhất kể từ ngày 11/1/2017, thời điểm ông Trump tuyên bố rằng, ngành dược phẩm đang “giết người” với giá thuốc quá đắt đỏ. Cùng với sự sụt giảm của giá cổ phiếu, các công ty dược phẩm hàng đầu đang đứng ngồi không yên, lo cho tương lai của chính mình.
Vamil Divan, chuyên gia tại Credit Suisse AG nhận định: “Giới đầu tư chắc hẳn phải đặt dấu hỏi về sự liên quan trong tuyên bố của ông Donald Trump, khi nó diễn ra cùng thời điểm với việc Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật y tế mới, thay thế cho chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Trên cơ sở đó, chúng tôi tin rằng, chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào vấn đề giá thuốc và cải cách thị trường dược phẩm trong nước”.
Trên thực tế, ông Trump từng nhiều lần tuyên bố hạ giá thuốc và đe dọa sẽ sử dụng quyền lực của Chính phủ để ép hạ giá dược phẩm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chi tiết cụ thể nào được đưa ra cũng như cách thức chính quyền Donald Trump sẽ thực hiện. Không giống như nhiều nước trên thế giới, Mỹ không trực tiếp quản lý giá thuốc và các công ty dược phẩm được hưởng lợi rất lớn từ điều này.
Nhà phân tích Umer Raffat tại Evercore ISI cho biết, cuộc cạnh tranh về giá thuốc giữa các nhãn hiệu thuốc đã đăng ký bản quyền (branded drug) và thuốc cùng dòng song chưa đăng ký (generic drug) đã xảy ra rất gay gắt. Vì thế, hạ giá thành là giải pháp ngắn hạn khả dĩ để có thể kéo giá thuốc xuống thấp hơn. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng đang khuyến khích sự sáng tạo và cắt giảm quy định, nhằm khuyến khích các công ty dược phẩm đưa hoạt động sản xuất và việc làm trở lại nước Mỹ.
Sức ép đối với các nhà sản xuất dược phẩm nhằm hạ giá thuốc đang ngày càng lớn, trong bối cảnh những lời phàn nàn về giá cao xuất hiện ngày càng nhiều trên nghị trường Quốc hội cũng như lan tỏa trong người tiêu dùng Mỹ. Một số công ty như Allergan hay Tập đoàn Dược phẩm Novartis AG của Thụy Sỹ đã phản ứng lại “sức ép ngàn cân” này bằng các hành động tình nguyện đặt trần giá thuốc. Tương tự, Johnson & Johnson và Merck & Co. cũng triển khai một số bước đi, nhằm gia tăng sự minh bạch về giá dược phẩm của mình.
Theo kế hoạch, ông Elijah Cummings, nghị sỹ Đảng Dân chủ, đồng thời là đại diện Ủy ban Cải cách và giám sát chính phủ (thuộc Hạ viện Mỹ), sẽ có cuộc thảo luận về vấn đề giảm giá thuốc với Tổng thống Donald Trump trong vài ngày tới. “Tổng thống đã cam kết cả trong và sau chiến dịch vận động tranh cử rằng ông luôn ủng hộ tối đa các nỗ lực ngăn chặn đà tăng giá thuốc. Giải pháp để thực hiện ý tưởng trên sẽ được chúng tôi thảo luận trong cuộc họp”, ông Cummings tuyên bố.
Về phần mình, giới phân tích nhận định, những cam kết và tuyên bố mạnh mẽ của ông Donald Trump đã gợi mở một kịch bản: đó là Chính phủ Mỹ có thể sẽ áp đặt giá thuốc nếu không thể tìm ra một giải pháp dung hòa với các công ty dược phẩm. Và đây là lúc mà các nhóm vận động hành lang dược phẩm tại Mỹ đang phải khẩn trương giải quyết những quan hệ mang tính “lợi ích sống còn”.