Cổ phiếu điện sáng nhất trong phiên thị trường điều chỉnh cuối tuần

Cổ phiếu điện sáng nhất trong phiên thị trường điều chỉnh cuối tuần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trên diện rộng, với sức ép chính đến từ nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm. Đáng chú ý, trong khi thị trường chìm trong sắc đỏ thì nhóm cổ phiếu điện đã ngược dòng khá thành công.

Những tưởng VN-Index sẽ thoát hiểm thành công khi tín hiệu lực cầu tăng mạnh khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều giúp chỉ số chung le lói sắc xanh, nhưng lực bán nhanh chóng gia tăng mạnh khiến thị trường lại chìm trong sắc đỏ.

Dù có chút tiếc nuối nhưng phiên giảm điểm hôm nay không quá bất ngờ khi quá trình hồi phục đã diễn ra khá tốt từ đầu tháng 11 đến nay và cũng phần nào được cảnh báo từ áp lực bán gia tăng ở phiên giao dịch hôm qua (ngày 9/11).

Điểm tích cực của thị trường vẫn là thanh khoản khi đây là phiên liên tiếp thứ 2 giao dịch đạt hơn 1 tỷ đơn vị, với tổng giá trị vượt 20.000 tỷ đồng trên sàn HOSE. Bên cạnh dòng tiền tham gia sôi động, áp lực bán tháo đã không xảy ra sau 6 phiên thị trường hồi phục gần 86 điểm, khi 2 sàn niêm yết chỉ có 8 mã giảm sàn và chỉ số VN-Index đóng cửa vẫn bảo toàn vùng giá 1.100 điểm.

Trong khi bảng điện tử đang chìm trong sắc đỏ với số mã giảm điểm gấp gần 3 lần số mã tăng thì nhóm cổ phiếu điện lại ngược dòng tỏa sáng khi hầu hết đều tăng khá mạnh.

Điển hình trong rổ VN30 chỉ có 3 mã giữ được sắc xanh thì POW vẫn là mã dẫn đầu khi đóng cửa tăng 1,3% lên mức 11.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt 12,13 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, VNE tăng kịch trần từ phiên sáng và đóng cửa đứng vững ở mức 6.630 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,46 triệu đơn vị và dư mua trần 1,9 triệu đơn vị; VPD cũng tăng trần thành công, LEC tăng 5,3%, TMP tăng 4,2%, TBC tăng 3,9%, NT2 tăng 3,1%, PC1 tăng 2,6%, PGV tăng 2,5%...

Ngoài nhóm cổ phiếu điện, nhóm nông lâm ngư dù hạ độ cao nhưng vẫn đi ngược thị trường thành công với HSL và SSC cùng đóng cửa tăng trần, BAF và DBC cùng tăng nhẹ hơn 0,5%, HAG tăng 2,4% lên 8.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 46,22 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, dòng bank vẫn tạo sức ép chính lên thị trường với sắc đỏ tràn ngập, ngoại trừ cặp đôi HDB và OCB đã đảo chiều thành công nhưng với mức tăng chỉ hơn 0,5%. Đáng chú ý là VCB tiếp tục giật lùi và đóng cửa giảm 2,16% xuống mức 86.000 đồng/CP, vẫn tác động lớn nhất khi lấy đi gần 2,6 điểm của chỉ số chung.

Ngoài VCB, trong top 10 cổ phiếu tác động mạnh nhất tới chỉ số chung còn có VPB, BID, MBB, SSB đóng cửa giảm trên dưới 2%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã không tránh khỏi xu hướng chung và quay đầu điều chỉnh nhẹ khi số mã giảm điểm đã chiếm ưu thế vượt trội như VDS, VCI, TVS,TVB, ORS…, kể cả mã lớn hơn là SSI và HCM cũng đảo chiều giảm. Trong khi đó, điểm sáng là VIX dù “chiến thắng” thị trường nhưng đóng cửa chỉ còn tăng 1%, lên mức 15.750 đồng/CP với thanh khoản vươn lên dẫn đầu thị trường với hơn 56,22 triệu đơn vị.

Ngoài ra, bộ 3 cổ phiếu thép là HPG, HSG, NKG; hay nhiều mã nóng nhóm bất động sản như NVL, DIG, BCG, CII sau nhịp tăng khá tốt đầu phiên, đã đồng loạt đảo chiều giảm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 148 mã tăng và 417 mã giảm, VN-Index giảm 12,21 điểm (-1,1%) xuống 1.101,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,03 tỷ đơn vị, giá trị 20.768,61 tỷ đồng, đạt xấp xỉ về khối lượng và giảm 5,56% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 87,4 triệu đơn vị, giá trị 1.998,62 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường cũng đã có nhịp bật hồi vào giữa phiên, nhưng áp lực bán trên diện rộng với gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến HNX-Index sớm quay lại đà giảm.

Chốt phiên, sàn HNX có 54 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index giảm 1,57 điểm (-0,69%) xuống 226,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 124,35 triệu đơn vị, giá trị 2.295,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,65 triệu đơn vị, giá trị 119,4 tỷ đồng.

Như đã nói, nhóm HNX30 giao dịch kém khả quan khi có tới 21 mã giảm và chỉ còn 4 mã tăng, trong đó SHS là số ít mã ngược dòng thành công, kết phiên tăng nhẹ 0,6% lên mức 17.400 đồng/CP, thanh khoản vượt trội với 35,87 triệu đơn vị.

Mặt khác, CEO tiếp tục giật lùi và giảm 2,5% xuống mức 23.500 đồng/CP, thanh khoản vẫn giữ vị trí thứ 2 với 23,59 triệu đơn vị khớp lệnh; các mã khác như TNG, HUT, PVC, PLC đều giảm hơn 2%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cùng xu hướng chung của nhóm nông lâm ngư, cổ phiếu TAR đã có phiên đảo chiều ngoạn mục. Sau nhịp giảm đầu phiên sáng, cổ phiếu TAR đã đảo chiều khởi sắc và nới rộng đà tăng, đóng cửa ghi nhận mức tăng 10% lên mức giá trần 9.900 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt xấp xỉ 5,3 triệu đơn vị và dư mua trần 72.700 đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,22%) xuống 86,03 điểm với 142 mã tăng và 189 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52 triệu đơn vị, giá trị 561,95 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,62 triệu đơn vị, giá trị 2,54 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn có giao dịch sôi động nhất với 7,61 triệu đơn vị, nhưng áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến mã này mất 1,6% và đóng cửa ở mức giá thấp nhất trong ngày 18.700 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là SBS khớp hơn 5 triệu đơn vị và C4G khớp 3,38 triệu đơn vị, đều đóng cửa đứng giá tham chiếu.

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm trên dưới 15 điểm. Trong đó, VN30F2311 giảm 16,5 điểm, tương đương -1,5% xuống 1.108,5 điểm, khớp gần 322.140 đơn vị, khối lượng mở gần 54.530 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, trong đó CVPB2307 khớp lệnh vượt trội với gần 8,85 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 19% xuống 170 đồng/cq; tiếp theo là CVPB2308 khớp 3,76 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 21,1% xuống 300 đồng/cq.

Tin bài liên quan