Cổ phiếu điện “bật sáng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã lấy lại cân bằng và hồi phục nhẹ trong phiên đầu tuần ngày 27/5 với dòng tiền tiếp tục luân chuyển qua nhóm cổ phiếu điện giúp nhiều mã trong ngành nổi sóng, đặc biệt là cổ phiếu POW.
Cổ phiếu điện “bật sáng”

Sau tuần giao dịch nhiều biến động, thị trường đã trở nên trầm lắng hơn bởi tâm lý thận trọng của cả bên mua và bên bán. Trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm khá mạnh, mốc 1.260 điểm vẫn làm tốt vai trò hỗ trợ cho VN-Index khi lực cầu khá tích cực được kích hoạt mỗi nhịp lùi về dưới vùng giá này.

Trong phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn duy trì diễn biến ảm đạm và chỉ số chung thêm một lần nữa “vá” thành công mốc 1.260 điểm. Đặc biệt, thị trường có sức bật tốt hơn trong phiên chiều, đã giúp VN-Index bật hồi hơn 10 điểm và đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày dù chỉ ghi nhận mức tăng chưa tới 6 điểm.

Đáng chú ý, dù thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ so với phiên bùng nổ cuối tuần trước, nhưng dòng tiền vẫn cho thấy sự vận động, luân chuyển nhanh qua các nhóm ngành và trong phiên hôm nay đã “gọi tên” nhóm cổ phiếu điện với điểm nóng vẫn là POW.

Sau khi lỗi hẹn đà tăng trần ở phiên sáng, lực cầu tiếp tục hấp thụ mạnh đã giúp POW sớm tìm lại sắc tím. Đóng cửa, POW tăng 6,6% lên mức giá trần 12.100 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất trong năm nay của cổ phiếu này.

Đồng thời, thanh khoản POW cũng bùng nổ với khối lượng khớp lệnh vượt trội trên thị trường, đạt gần 41,24 triệu đơn vị, là mức thanh khoản cao nhất trong khoảng 3,5 năm (kể từ phiên 24/12/2021 khớp hơn 68 triệu đơn vị); cùng khối lượng dư mua trần lên tới hơn 5,6 triệu đơn vị.

Ngoài POW, một cố phiếu khác trong nhóm điện là PGV cũng kéo trần thành công và đóng cửa cũng trong trạng thái dư mua trần; các mã khác như TV2 tăng 5,5% và khớp gần 1,6 triệu đơn vị; PPC tăng 4,3%, NT2 tăng 2,7%, PC1 và VNE cùng tăng 2,1%...

Bên cạnh nhóm cổ phiếu điện, một nhóm ngành khác cũng tỏa sáng trong thời gian gần đây là nhóm bảo hiểm. Trong đó, mã lớn trong ngành là BVH tăng ấn tượng 4%, đóng cửa đứng tại mức giá 46.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,54 triệu đơn vị; BMI tăng 4,23%, BIC tăng 1,52%, MIG tăng 2,424%, PVI và VNR tăng trên dưới 2,5%.

Trong khi đó, các nhóm lớn hơn như bất động sản, chứng khoán chỉ có được mức tăng nhẹ trên dưới 0,2%.

Trái lại, trên thị trường, chỉ còn 5 nhóm mất điểm với mức giảm đều chưa tới 0,5%, gồm nhóm bán lẻ, sản xuất hàng gia dụng, tài chính khác, sản xuất phụ trợ và ngân hàng.

Tuy nhiên, điểm chung lại cả ở nhóm tăng và giảm, dòng tiền vẫn “ưu ái” đối với các cổ phiếu vừa và nhỏ. Cụ thể, trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi BID và CTG điều chỉnh giảm, VCB may mắn lấy được mốc tham chiếu, hay các mã khác như HDB, LPB, NAB, TPB, SSB cũng giao dịch trong sắc đỏ, thì tâm điểm đáng chú ý của dòng bank là cổ phiếu EIB.

Đóng cửa, EIB tăng 5% lên vùng giá cao nhất trong ngày 18.800 đồng/CP, đồng thời thanh khoản chỉ thua POW với hơn 23,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã giao dịch sôi động khác trong top vừa và nhỏ như EVF tăng 5,2% và khớp 17,12 triệu đơn vị; GEX tăng 4,1% và khớp gần 16,4 triệu đơn vị, TCH tăng 4,1% và khớp 12,9 triệu đơn vị; các mã VIX, VND, HAG đều tăng hơn 1% và khớp lệnh trên dưới 10 triệu đơn vị…

Ở nhóm vốn hóa lớn, diễn biến có chút khả quan hơn trong phiên chiều khi đã tìm lại đà tăng nhẹ, với số mã tăng chiếm áp đảo, gấp đôi số mã giảm. Trong đó, 2 mã có đóng góp lớn nhất cùng đạt hơn 1 điểm cho chỉ số chung là GVR và GAS, đóng cửa lần lượt tăng 2,9% và 2,5%, với thanh khoản sôi động, tương ứng đạt 7,43 triệu đơn vị và 2,13 triệu đơn vị.

Đóng cửa, sàn HOSE có 233 mã tăng và 198 mã giảm, VN-Index tăng 5,75 điểm (+0,46%) lên 1.267,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 726,7 triệu đơn vị, giá trị 17.583,73 tỷ đồng, giảm 46,96% về khối lượng và 50,51% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 24/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 128 triệu đơn vị, giá trị 2.738,89 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường chung biến động rung lắc nhẹ trong nửa đầu phiên chiều và dần nới nhẹ biên độ tăng khi nhận tín hiệu lạc quan hơn ở sàn HOSE.

Chốt phiên, sàn HNX có 96 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 1,11 điểm (+0,46%) lên 242,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 64,84 triệu đơn vị, giá trị 1.242,5 tỷ đồng, giảm 55,72% về lượng và 59,25% về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,46 triệu đơn vị, giá trị 152,3 tỷ đồng.

Sau chuỗi ngày tăng nóng cùng thông tin thoái vốn, cổ phiếu NTP đã đảo chiều giảm mạnh. Đóng cửa, NTP giảm 6,5% xuống vùng giá thấp trong ngày tại mốc 58.500 đồng/CP. Ngoài NTP, các cổ phiếu mất điểm khác trong rổ HNX30 cũng chỉ giảm trên dưới 1%.

Ngược lại, nhóm này có 15 mã tăng, trong đó DHT tăng 6%, DTD tăng 5,1%, TMB tăng 3,3%, LAS và TIG cùng tăng 2,8%... Kết phiên, nhóm HNX30 ghi nhận mức tăng gần 2 điểm, tích cực hơn so với phiên sáng giảm nhẹ.

Cổ phiếu SHS vẫn có giao dịch lớn nhất thị trường với hơn 9 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng đóng cửa giảm nhẹ 0,5%, xuống mức 18.500 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu nóng, bộ 3 mã thuộc họ APEC vẫn duy trì sắc tím với thanh khoản sôi động. Trong đó, IDJ khớp lệnh chỉ thua SHS, đạt gần 4,4 triệu đơn vị và dư mua trần hơn triệu đơn vị; APS khớp 2,38 triệu đơn vị và dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị; API khớp hơn triệu đơn vị và dư mua trần nửa triệu đơn vị.

Trên UPCoM, dù có chút rung lắc nhẹ giữa phiên nhưng UPCoM-Index cũng nhanh chóng “tìm được tiếng nói chung” cùng thị trường.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,47 điểm (+0,5%) lên 94,87 điểm với 141 mã tăng và 115 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,94 triệu đơn vị, giá trị 841 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,98 triệu đơn vị, giá trị hơn 51 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đứng giá tham chiếu với giao dịch vẫn sôi động nhất thị trường, đạt 8,22 triệu đơn vị.

Trong khi đó, AAH nóng trở lại khi có thời điểm chạm trần và đóng cửa tăng 12,1% lên mức 6.500 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua BSR với hơn 5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Một mã đáng chú ý trong thời gian gần đây là VEA, tiếp tục nới rộng biên độ và đóng cửa tăng 6,3% lên mức 45.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt 3,43 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm nhẹ chưa tới 5 điểm, trong đó hợp đồng VN30F2406 đáo hạn gần nhất giảm 1,5 điểm, tương đương -0,1% xuống 1.276,2 điểm, khớp hơn 199.390 đơn vị, khối lượng mở hơn 48.913 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này CHPG2331 khớp lệnh vượt trội với 5,27 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,1% lên 960 đồng/cq, theo sau là CHPG2332 khớp 2,38 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,1% lên 960 đồng/cq.

Tin bài liên quan