Chỉ trong hai phiên ngày 8 và 9/8, nhiều cổ phiếu dệt may đã ghi nhận mức tăng ấn tượng. Trong đó, MSH tăng đến 7,9% (riêng phiên 8/8 tăng hết biên độ); TNG tích luỹ 5,6%; GIL tăng khoảng 3,2%; TCM tăng thêm 1,96%; VGT tăng hơn 5% và STK tăng 4,7%...
Đà tăng cũng tìm đến kể cả các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn như VGG (tăng 5%), ADS (tăng 7,3%), M10 (tăng 3,4%)...
Chính cuộc khủng hoảng chính trị từ Bangladesh - đối thủ ngành dệt may Việt Nam đã tạo động lực cho nhóm cổ phiếu này bứt phá những phiên vừa qua.
Trong bối cảnh bất ổn leo thang, ngày 5/8, Hiệp hội Các nhà sản xuất và Xuất khẩu May mặc Bangladesh đã yêu cầu tất cả các nhà máy ở nước này đóng cửa cho đến khi tình hình lắng xuống. Đến ngày 7/8 vừa qua, các cơ sở sản xuất đã được mở cửa trở lại khi tình hình đã được kiểm soát.
Hiện nay, Bangladesh đang là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Bangladesh đạt 47 tỷ USD. Những tên tuổi đình đám trong giới thời trang như Zara, H&M, Uniqlo, Carrefour… đều là khách hàng của nước này. Do vậy, diễn biến tiêu cực đang xảy ra tại Bangladesh khiến toàn cầu lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhất là khi đây là giai đoạn cao điểm cho việc vận chuyển hàng hoá Giáng sinh và đơn đặt hàng cho mùa xuân hè năm sau.
Nói với Sourcing Journal, ông SM Mannan Kochi, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh cho rằng, vấn đề lớn nhất là người mua quốc tế của nước này đang mất niềm tin. Đây là một tổn thất không thể đo lường được bằng tiền vì nó sẽ có tác động tiêu cực lâu dài đến ngành công nghiệp có giá trị nhất của đất nước này.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận thấy, Bangladesh là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Việt Nam, với tình hình trên thì trước mắt sẽ có một số lợi thế cho dệt may Việt Nam khi ngành dệt may Bangladesh sẽ gặp khó khăn.
Tạm thời năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút (giữa mùa cao điểm, đang sản xuất hàng cho mùa Đông). Nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác để bù đắp số lượng thiếu hụt. Bên cạnh đó, niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút. Đặc biệt là sẽ có sức ép tăng lương cho lao động dệt may Bangladesh. Như vậy lợi thế về chi phí nhân công của Bangladesh sẽ bị giảm sút .
Theo nhận định của Agriseco Research, ngành dệt may Việt Nam có thể đón nhận những đơn hàng dịch chuyển từ quốc gia này. Hiện tại, cũng là cao điểm mùa xuất khẩu đối với các mặt hàng may mặc nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm.
Các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam hưởng lợi là các doanh nghiệp có năng lực sản xuất đủ để tiếp nhận các đơn hàng mới dịch chuyển sang từ thị trường Bangladesh. Agriseco Research đánh giá cao các doanh nghiệp có tỷ trọng đơn hàng fob cao trong cơ cấu doanh thu kể đến như MSH, TNG.
HSC cũng cho rằng tình trạng bất ổn chính trị ở Bangladesh có thể sẽ đem lại lợi ích cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Chưa kể đến giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã tăng 3% trong 7 tháng đầu năm 2024. Xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2024 với Mỹ tiếp tục là thị trường lớn và thị phần được cải thiện.