Các dự án đầu tư hạ tầng giao thông được đẩy mạnh giúp nhà thầu xây lắp cải thiện lợi nhuận

Các dự án đầu tư hạ tầng giao thông được đẩy mạnh giúp nhà thầu xây lắp cải thiện lợi nhuận

Cổ phiếu đầu tư công tăng sức hút

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các gói đầu tư công đang được đẩy mạnh giải ngân, gia tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan.

Giải ngân đầu tư công tăng tốc

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến ngày 30/6/2024, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 196.700 tỷ đồng, hoàn thành 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

“Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công” là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng nêu rõ, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm và nỗ lực hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc.

Năm 2024, cả nước dành hơn 677.000 tỷ đồng cho đầu tư công; trong đó, vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiếm tới 422.000 tỷ đồng. Riêng Bộ Giao thông - Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công là 59.274 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Giao thông - Vận tải đã giải ngân hơn 25.500 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch được giao.

Về tình hình giải ngân dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), trong tổng số vốn gần 31.000 tỷ đồng được bố trí trong năm 2024, tính đến giữa tháng 6, đã giải ngân trên 12.000 tỷ đồng, đạt 39,9% kế hoạch. Trong đó, nhiều dự án thành phần đạt tỷ lệ giải ngân cao như Bãi Vọt - Hàm Nghi (74,8%), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (65%), Vạn Ninh - Cam Lộ (63,7%), Vũng Áng - Bùng (55,9%)…

Trong nửa cuối năm 2024, giải ngân đầu tư công sẽ được tăng tốc, mang lại động lực tăng trưởng tích cực cho các doanh nghiệp liên quan.

Doanh nghiệp hưởng lợi

Những doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công phải kể đến nhóm xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng. Ở nhóm xây dựng hạ tầng, điển hình như Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam – Vinaconex (mã VCG), Tổng công ty 36 (mã G36), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV), Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (mã C4G), Công ty cổ phần Lizen (mã LCG)… Ở nhóm vật liệu xây dựng là các doanh nghiệp kinh doanh thép, đá, xi măng, nhựa đường…

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 36 (G36) cho biết, Tổng công ty tập trung vào mảng thi công các công trình đầu tư công, nên khi giải ngân đầu tư công được thúc đẩy, doanh nghiệp được hưởng lợi từ thanh khoản tốt, hiệu quả tốt.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Tổng công ty 36 đã trúng một số gói thầu mới như gói thiết bị đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành (Đồng Nai) trị giá gần 200 tỷ đồng, gói kè khẩn cấp lở sông Ô Môn (Cần Thơ) trị giá khoảng 100 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty cùng Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng, đưa vào vận hành từ cuối tháng 4/2024. Hai dự án ở phía Bắc là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư hơn 25.300 tỷ đồng đã được khởi công. Hiện Công ty đang đẩy mạnh thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng... Sắp tới, một số dự án tiềm năng khác mà Công ty đang nghiên cứu đầu tư sẽ khởi công xây dựng, giá trị backlog dự kiến tiếp tục tăng.

Theo ước tính của Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, trong nửa đầu năm, doanh thu đạt gần 1.469 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 221 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 28% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.146 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 404 tỷ đồng, tăng 17% về doanh thu và tăng 11% về lợi nhuận so với kết quả năm ngoái. Như vậy, với kết quả trong 6 tháng, Công ty đã thực hiện 55% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Vinaconex đã trúng thầu nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn, như gói thầu 4.6 thi công đường băng cất và hạ cánh, gói thầu 5.10 thi công nhà ga hành khách sân bay Quốc tế Long Thành; một số gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025… giúp đảm bảo nguồn việc cho năm 2024 và các năm tiếp theo cho Tổng công ty.

Công ty Chứng khoán Vietinbank (CTS) nhận định, năm 2024, có khoảng 422.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được phân bổ cho các hạng mục cơ sở hạ tầng. Trong đó, Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đang tham gia thi công nhiều dự án lớn như cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (quy mô vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng), Đồng Đăng - Trà Lĩnh (tiếp tục bổ sung thêm 8.000 tỷ đồng), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (vốn đầu tư 1.120 tỷ đồng), sân bay Long Thành, Vành đai 3 (quy mô vốn đầu tư 41.000 tỷ đồng). Doanh nghiệp này cũng đang tham gia vận hành hầu hết các trạm thu phí BOT của Tập đoàn Đèo Cả; trong đó, các dự án này chiếm khoảng 90% tổng tài sản của Tập đoàn, với tổng giá trị đầu tư trên 30.000 tỷ đồng.

CTS kỳ vọng, tới năm 2030, Tập đoàn Đèo Cả có thể xây dựng thêm khoảng 400 km đường cao tốc và đường vành đai, với tổng số vốn đầu tư hơn 94.000 tỷ đồng. Một số dự án nổi bật có thể kể tới như dự án Tân Phú - Bảo Lộc, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (C4G) hiện đang đảm nhiệm một số gói thầu xây lắp lớn thuộc các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam và đường vành đai Hà Nội, TP.HCM. Việc BOT Diễn Châu - Bãi Vọt được thông xe sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho mảng BOT của tập đoàn này. Dự án BOT có biên lợi nhuận gộp lớn (trên 50%) được kỳ vọng giúp lợi nhuận trước thuế của C4G cải thiện tích cực trong năm nay.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán DSC, tổng giá trị backlog hiện tại của C4G khá lớn, lên tới gần 7.500 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều gói thầu thuộc các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các tuyến đường vành đai các đô thị lớn. Đặc biệt, các gói thầu liên quan đến cao tốc và sân bay chiếm đến 40% giá trị backlog của Công ty, kỳ vọng sẽ nhanh chóng được ghi nhận doanh thu. Ước tính, doanh thu của C4G năm 2024 đạt 2.882 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 133 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

Ở nhóm vật liệu xây dựng, doanh nghiệp được hưởng lợi từ đầu tư công đáng chú ý là Công ty cổ phần Hoá dầu Petrolimex (mã PLC). Đây cũng là doanh nghiệp nhựa đường duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán. PLC hiện sở hữu 7 nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa đường, được phân bố rộng rãi trên khắp cả nước, mỗi nhà máy cách nhau khoảng 300 km; 5 kho nhựa đường, có sức chứa 17.000 m3, chiếm khoảng 30% thị phần ngành nhựa đường Việt Nam.

Một số dự án thành phần mà PLC tham gia thi công mặt bằng có thể kể tới như Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau… Biên lợi nhuận gộp mảng nhựa đường của PLC duy trì ở mức hơn 12%, đóng góp khả quan cho kết quả chung của Công ty.

Ở nhóm đá xây dựng, VLB (của Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa) và DHA (của Công ty cổ phần Hoá An) là hai cổ phiếu được quan tâm. Hiện Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa đang sở hữu 5 mỏ đá, gồm Thạnh Phú 1, Thiện Tân 2, Tân Cang 1, Soklu 2, Soklu 5; còn Hoá An hiện đang quản lý khai thác 3 mỏ đá là Thạnh Phú 2, Tân Cang 3 và Núi Gió. Mỏ đá Tân Cang là nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành, đường vành đai 3 TP.HCM và một số dự án khác. Mỏ đá Thạnh Phú là nguồn cung chính cho khu vực Tây Nam Bộ, với các dự án lớn như cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024. Đây là động lực tích cực giúp các doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu, vật liệu xây dựng… tăng trưởng. Theo đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ tăng sức hút sau giai đoạn nửa đầu năm kém tích cực so với thị trường chung.

Tin bài liên quan