Kỳ vọng đã được phản ánh vào giá cổ phiếu
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhóm cổ phiếu đầu tư công thu hút dòng tiền, nhiều mã tăng giá mạnh như LCG tăng 97%, HHV tăng 83%, C4G tăng 55%, VCG tăng 40%. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công (thép, vật liệu xây dựng) cũng ghi nhận diễn biến giá tích cực như KSB, VLB, HPG.
Theo nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán AIS (AIS), Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 với nhiều dự án lớn như Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Sân bay Long Thành, Đường vành đai 3 tại TP.HCM, Đường vành đai 4 tại Hà Nội… Điều này sẽ tạo ra khối lượng công việc dồi dào cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, từ đó mở rộng quy mô doanh thu, lợi nhuận và tạo động lực cho cổ phiếu tăng giá.
Nhóm nghiên cứu của AIS đánh giá, cổ phiếu đầu tư công có phản ứng rất nhạy với những thông tin liên quan đến những dự án hoặc tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Khi thông tin tích cực về dự án được đưa ra thì giá cổ phiếu thường tăng mạnh một vài phiên, sau đó chững lại. Loại thông tin này thường xuyên xuất hiện trong bối cảnh thị trường chung diễn biến khả quan giúp nhóm cổ phiếu đầu tư công có mức tăng giá vượt trội thời gian qua.
Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu nhóm đầu tư công gần như đã phản ánh kỳ vọng của thị trường, nhưng các doanh nghiệp thường ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao vào quý IV, nên đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu trong thời gian tới.
Với góc nhìn cẩn trọng, ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, kỳ vọng của thị trường với cổ phiếu đầu tư công hiện vượt xa so với thực tế. Lĩnh vực đầu tư công vẫn còn gặp không ít khó khăn, ngay cả với các doanh nghiệp trúng thầu dự án thì cũng không có lợi thế quá lớn. Bởi lẽ, giá nguyên vật liệu liên tục tăng, các nhà thầu chưa chắc sẽ có lãi.
“Chúng ta chưa có chính sách linh hoạt để thay đổi mức giá trúng thầu khi thị trường biến động. Có doanh nghiệp càng làm càng lỗ nên không còn mặn mà triển khai dự án”, ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Chương, Giám đốc DC Stock nhìn nhận, cổ phiếu đầu tư công nói chung, nhóm hạ tầng nói riêng là câu chuyện dài. Xét yếu tố cơ bản, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư công hiện chưa có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng khi các dự án lớn được triển khai thì sự thay đổi này sẽ xảy ra.
“Chứng khoán thường “chạy” trước khoảng 6 tháng và phản ánh vào giá cổ phiếu, nhóm cổ phiếu đầu tư công cũng không ngoại lệ”, ông Chương nói và khuyến nghị, giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu đầu tư công nên chọn cổ phiếu được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án, sau khi phân tích cụ thể tình hình hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tốt sẽ có cơ hội tham gia nhiều dự án hơn và giá cổ phiếu có triển vọng tăng hơn.
Doanh nghiệp có nguồn việc dồi dào vẫn sẽ hấp dẫn
Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS đánh giá, trong dài hạn, nhóm cổ phiếu đầu tư công có triển vọng sáng. Từ đầu năm 2023 đến nay, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 200.000 tỷ đồng, thực hiện được hơn 30% kế hoạch năm. Đà giải ngân vốn từ nay đến cuối năm 2023 cũng như sang năm 2024 dự kiến sẽ mạnh mẽ hơn.
Các doanh nghiệp hàng đầu đang có khối lượng công việc chưa thực hiện, chưa ghi nhận (backlog) trên doanh thu mảng xây dựng rất lớn, từ 3 - 6 lần, nên kết quả kinh doanh có thể sẽ bứt phá trong những năm tới.
“Các dự án lớn như Sân bay Long Thành, Đường vành đai 3, Đường vành đai 4 thường yêu cầu thời gian thi công từ 2 - 3 năm. Vì vậy, những công ty trúng thầu các hạng mục công việc trong các đại dự án có thể hạch toán, ghi nhận doanh thu trong nhiều năm, từ 2023 - 2025”, ông Kiên nói và cho hay, đối với dự án Sân bay Long Thành, chủ đầu tư sẽ ứng vốn từ 50% cho các nhà thầu, trong khi các dự án cơ sở hạ tầng thông thường chỉ từ 10 - 20%. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trúng thầu có nhiều thuận lợi hơn trong việc thu xếp vốn đầu tư và thi công.
Thị trường chứng khoán vẫn đang có định giá hấp dẫn và các nhóm ngành được hưởng lợi từ đầu tư công cũng vậy.
Còn theo bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh, Công ty Chứng khoán DSNE, từ nay đến cuối năm 2023 có nhiều dự án trọng điểm với khối lượng lớn công việc cần gấp rút triển khai. Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 (kế hoạch Quốc hội giao năm 2023 là 711.684 tỷ đồng).
Một số dự án trọng điểm đã được khởi công và đang được theo dõi thực hiện sát sao như dự án Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất (khởi công tháng 12/2022), các dự án thành phần của Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (khởi công tháng 5/2023), Vành đai 4 tại Hà Nội, Vành đai 3 tại TP.HCM, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (khởi công trong tháng 6/2023)... Như vậy, giai đoạn cuối năm nay, ngành đầu tư công sẽ có khối lượng công việc dồi dào.
Bà Linh cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn đang có định giá hấp dẫn và các nhóm ngành được hưởng lợi từ đầu tư công cũng vậy. Trong giai đoạn cuối năm 2023, các nhóm ngành này nhiều khả năng sẽ tăng giá vượt trội so với chỉ số chung, bởi đầu tư công sẽ được đẩy mạnh.
“Chúng tôi vẫn nhấn mạnh đến việc nhà đầu tư nhận diện và hiểu biết về sức khỏe nội tại của các doanh nghiệp trong ngành khi ra quyết định mua cổ phiếu. Chúng tôi ưu tiên chọn những cổ phiếu đứng đầu chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các dự án trọng điểm và những doanh nghiệp làm chủ được kỹ thuật, quản trị tốt dòng vốn của mình khi triển khai các dự án”, bà Linh nói.