Sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu này sẽ diễn ra mạnh hơn trong mùa ĐHCĐ, khi kế hoạch kinh doanh của các DN ngành này được công bố.
Giá dầu Brent đã tăng gần 13 USD/thùng, tương ứng mức tăng khoảng 32%, kể từ khi rơi xuống đáy xung quanh vùng giá 27,5 USD/thùng vào ngày 11/1/2016 sau khi Ả-rập Xê-út và các thành viên thuộc OPEC như Qatar, Venezuela cùng với Nga tuyên bố sẽ “đóng băng sản lượng” ở mức tháng 1/2016.
Về mặt kỹ thuật, diễn biến giá dầu thô đã tạo đáy ngắn hạn sau khi vượt xa khỏi đường trung bình động 50 ngày. Trong khi đó, với mẫu mô hình 2 đáy và một vài phiên break out khỏi ngưỡng kháng cự quan trọng tại vùng 36,2 USD/thùng, việc giá dầu Brent tăng trở lại mức trên 40 USD/thùng gây bất ngờ cho giới đầu cơ, bởi vì trước đó không có nhiều thông tin đặc biệt liên quan tới những thay đổi lớn từ lượng dự trữ hay cung dầu.
Bỏ qua các yếu tố về phân tích kỹ thuật, rõ ràng, diễn biến giá dầu và sự phục hồi của nó là một bằng chứng khó từ bỏ về sự kỳ vọng của thế giới vào khả năng cân bằng cung - cầu dầu thô, đặc biệt khi tác động từ phía OPEC, Nga trở nên rõ ràng hơn.
Cổ phiếu dầu khí là một trong những động lực quan trọng đóng góp vào mức tăng của chỉ số VN-Index. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng giữa các cổ phiếu dầu khí không đồng đều.
Bảng dưới đây thể hiện mức tăng trưởng của các cổ phiếu blue-chips thuộc nhóm dầu khí so với VN-Index, với mức biến động từ đáy thấp nhất ngày 22/1/2016 đến 11/3/2016. Dễ thấy rằng, các cổ phiếu dầu khí có mức tăng vượt trội so với chỉ số thị trường.
Đứng đầu bảng là GAS với mức tăng 61,41% từ đáy thấp nhất; tiếp đó là các mã PVC (54,55%); PVD (44,81%), PXS (33,44%), PVT (22,35%)...
Tính chung, chỉ số PVN10 tăng trưởng 22,22% từ mức đáy thấp nhất cuối tháng 1/2016; trong khi đó, VN-Index có mức tăng tương ứng là 10,54%.
Cổ phiếu dầu khí tại Việt Nam tăng mạnh hơn nhiều so với giá cổ phiếu cùng ngành trong khu vực ASEAN. Cổ phiếu dầu khí các thị trường ASEAN căn bản cũng chịu tác động lớn từ tình trạng TTCK toàn khu vực, trong đó sự yếu đi của TTCK Trung Quốc và Nhật Bản trong nửa đầu quý I có thể ảnh hưởng lớn tới cổ phiếu dầu khí tại các thị trường này.
Chúng tôi nhận thấy khoảng cách giữa chỉ số P/E; P/B của các mã cổ phiếu ngành dầu khí tại TTCK Việt Nam đang thu hẹp chênh lệch với khu vực ASEAN, dù vẫn ở mức thấp hơn đáng kể. Ví dụ, PVD đã tăng 44,81% từ mức đáy thấp nhất, trong khi cùng giai đoạn, JP Drilling LTD chỉ tăng 16,6%; GAS tăng 61,41% trong khi vùng giai đoạn China Oil & Gas Group Ltd chỉ tăng chưa tới 7%.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo Bloomberg, PVN10 đang có mức P/E 11,51 lần, thấp hơn mức chung của VN-Index là 12,25 lần. Mức P/E của TTCK Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn so với các TTCK trong khu vực ASEAN, đồng thời nhóm cổ phiếu dầu khí có mức P/E, P/B vẫn còn thấp so với mức bình quân các doanh nghiệp dầu khí thế giới (theo Bloomberg, bình quân là 12,54 lần)
Sau những ảnh hưởng tâm lý trong giai đoạn giá dầu giảm, kể từ khi dầu thô phục hồi, cổ phiếu dầu khí nhanh chóng tăng trở lại. Mặc dù mức tăng tương đối nhiều so với đáy thấp nhất, nhưng so với nhiều chỉ tiêu tài chính cơ bản, mặt bằng cổ phiếu dầu khí vẫn còn nhiều yếu tố hấp dẫn.
Giai đoạn cuối quý I, đầu quý II cũng là mùa ĐHCĐ của các doanh nghiệp dầu khí, trong đó thông tin và khả năng về việc tạm ứng cổ tức được các NĐT quan tâm khá nhiều. Đối với nhiều doanh nghiệp dầu khí niêm yết, cổ tức thực nhận trên giá vốn đầu tư vẫn còn đang ở mức rất hấp dẫn hơn nhiều so với gửi tiết kiệm.Tại ĐHCĐ, các doanh nghiệp sẽ đưa ra khá nhiều số liệu liên quan tới kế hoạch công việc, doanh thu lợi nhuận của năm 2016, trong đó có nhiều yếu tố khó khăn, thuận lợi được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Các thông tin trong giai đoạn này có thể tác động khá mạnh mẽ tới biến động giá cổ phiếu các doanh nghiệp dầu khí niêm yết, đồng thời tạo nên sự phân hóa mạnh.