Sau khi tăng vốn, SHBS sẽ có một nguồn tiền và ông nghĩ thế nào về hoạt động tự doanh khi thị trường chứng khoán đang được coi là cơ hội tốt cho những người nắm giữ tiền mặt?
Chúng tôi cũng có tính phương án bám vào sự vận động của thị trường để tham gia tự doanh trong vùng giá hợp lý.
Trong định hướng đầu tư (nếu có), chúng tôi đang quan tâm tới các doanh nghiệp kinh doanh lõi của ngành dầu khí và ngành tài chính, ngân hàng. Tới đây, hoạt động biên lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ càng ngày càng thấp đi và lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ không cao, nhưng đó sẽ vẫn là ngành lõi của nền kinh tế, trong tổng thể sẽ vẫn có những cổ phiếu ngân hàng thực sự hấp dẫn.
SHBS được chuyển đổi từ Công ty Chứng khoán Habubank (HBBS) với tình trạng tài chính thua lỗ. Vậy, cơ sở nào để ông tin rằng có thể vực dậy doanh nghiệp?
Nhìn lại hoạt động thời gian qua, HBBS về cơ bản vẫn có lãi, có những thời điểm như giai đoạn 2008 – 2009 lãi rất lớn, chủ yếu từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu. HBBS cũng từng là công ty hàng đầu về tư vấn phát hành trái phiếu.
Khó khăn chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2012 trở lại đây, khi ngân hàng mẹ (Habubank cũ) khó khăn, có một số khoản phải thu lên đến trên 200 tỷ đồng. Báo cáo tài chính 6 tháng, công ty lỗ hơn 23 tỷ đồng do trích lập dựng phòng và đây là kỳ lỗ đầu tiên của Công ty.
Trong 2 năm gần đây, Công ty không có tổng giám đốc. Việc đó đưa đến hậu quả là, doanh nghiệp không có định hướng rõ ràng. Ngoài ra, Công ty cũng có hệ thống công nghệ khá tốt mới đầu tư từ năm 2011, phương án giải quyết hiện nay của chúng tôi là đưa con người vào để khai thác hệ thống này.
Để vực dậy một doanh nghiệp đang trong tình trạng “sức khỏe” yếu, một trong những vấn đề là tiền, vậy nguồn tiền nào sẽ giúp SHBS hồi phục “sức khỏe”?
Đại hội đồng cổ đông của SHBS vừa diễn ra đã bầu lại Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc SHB trực tiếp làm Chủ tịch của SHBS, ngoài ra Công ty đã thông qua việc tăng vốn lên 350 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc tăng vốn liệu có khả thi không?
Chủ trương của ngân hàng mẹ là đầu tư và đạt hiệu quả để tạo lòng tin cho các nhà đầu tư bên ngoài, trên cơ sở đó, chúng tôi đều có lộ trình rõ ràng. Trước mắt, nếu cần thiết, ngân hàng mẹ sẽ tiếp tục mua thêm cổ phần của SHBS để quyết tâm vực công ty chứng khoán này mạnh lên. Về lâu dài, trong vòng khoảng 3 năm tới, chúng tôi sẽ đại chúng hoá công ty và niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ngân hàng SHB trước đây đã có Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS). Việc tiếp nhận và điều hành thêm SHBS có bị chồng chéo hay không?
SHS thực chất không phải là công ty con của SHB, mà đây là một công ty đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán và SHB chỉ là một cổ đông lớn nắm 8,25% cổ phần. Định hướng của SHB sẽ tiếp tục sẽ giảm vốn tại SHS xuống dưới 5% để không còn là cổ đông lớn.
Trong khi đó, hiện tại, SHB vẫn đang nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ tới 98% tại SHBS và như vậy, đó gần như là công ty con. Về lâu dài, có thể SHB cũng sẽ giảm vốn tại SHBS xuống 65%, sau đó theo nhu cầu nhà đầu tư ngân hàng sẽ có kế hoạch và các phương án cụ thể.