Chuyện chung tích cực
Biến động trên thị trường dầu mỏ thế giới đã có những tác động trực tiếp đến nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu dầu khí trở thành tâm điểm trong 3 phiên giao dịch đầu tuần, khi cú sốc về giá dầu ào đến từ sáng sớm thứ Hai, giá vàng đen tăng vọt 2 con số bởi trái tim của ngành công nghiệp dầu mỏ Ả rập Xê út bị tấn công, buộc quốc gia này này cắt giảm sản lượng dầu xuống một nửa.
Trong phiên đầu tuần, giá cổ phiếu BSR tăng 5,7%, giá cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP tăng 2,38%, giá cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tăng 1,29%,
Giá cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí tăng 2,56%, giá cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tăng 3,59%, giá cổ phiếu PVC của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí - CTCP tăng 1,41%...
Chỉ số của nhóm cổ phiếu năng lượng trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đóng cửa tăng 0,99%, mức tăng rất mạnh nếu so với VN-Index chỉ tăng 0,27% hay VN30-Index tăng 0,39%.
Hai phiên giao dịch tiếp theo, dù thị trường diễn ra tương đối thận trọng trong bối cảnh giới đầu tư đang chờ đợi kết quả kỳ họp chính sách tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường khi nhận được sự ủng hộ đến từ giá dầu thế giới.
Diễn biến này khá tương đồng với diễn biến cổ phiếu năng lượng toàn cầu khi giá cổ phiếu các nhà máy khai thác dầu, lọc chế biến dầu mỏ tăng mạnh.
Phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu Công ty khai thác dầu khí Apache Corp. (APA) tăng 17%, đạt mức tăng tốt nhất trong rổ chỉ số S&P, cổ phiếu Chesapeake Energy (CHK) tăng 16%, cổ phiếu Chevron (CVX) và Exxon Mobil (XOM) cũng có mức tăng giá ấn tượng trong rổ chỉ số Dow Jones; tương tự, các cổ phiếu BP, Royal Dutch Shell (RDSA), CNOOC, PetroChina đều tăng giá mạnh.
Triển vọng giá dầu thời gian tới sẽ là yếu tố tác động chính đến hoạt động của các doanh nghiệp ngành dầu khí. Các chuyên gia quốc tế đến từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Ngân hàng Citigroup… dự báo, giá dầu có thể tăng 2 - 3 USD/thùng so với mức giá hiện nay, nếu việc sửa chữa các cơ sở dầu khí của Ả rập Xê út diễn ra nhanh và có thể tăng thêm 10 USD/thùng nếu thời gian sửa chữa kéo dài.
Vấn đề thị trường e ngại hơn là những cuộc tấn công khác có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, gây ra sự bất định với thị trường nhiên liệu thế giới, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép dùng kho dầu dự trữ gồm 645 triệu thùng để cân bằng thị trường và giá dầu phần nào hạ nhiệt.
Chuyện riêng của doanh nghiệp
Trong nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có hai mã nổi bật về vốn hóa là GAS và PLX. Cổ phiếu GAS hiện ghi nhận mức giá cao nhất kể từ đầu tháng 8/2019, còn cổ phiếu PLX đạt mức giá cao nhất trong 15 phiên.
Cổ phiếu BSR đang gây chú ý khi kết thúc phiên giao dịch ngày 18/9 có gần 7 triệu đơn vị được khớp lệnh, mức cao nhất kể từ khi lên sàn và giá tiếp tục tăng.
Về lý thuyết, giá dầu lên, các nhà máy lọc dầu như Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ được lợi do có hàng tồn kho giá thấp giai đoạn trước. Quan trọng hơn, giá dầu tăng giúp cải thiện biên lợi nhuận nhờ tăng chênh lệch giữa giá các sản phẩm bán ra và giá dầu thô nguyên liệu đầu vào (crack spread).
Theo lãnh đạo BSR, năm 2019 là năm khó khăn với các nhà máy lọc dầu, thậm chí có thể coi là khó khăn nhất trong 20 năm qua, có thời điểm vào tháng 2 và tháng 6, giá xăng bằng hoặc thấp hơn giá dầu thô. Nguyên nhân là dư cung các nhà máy lọc dầu và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc giảm mạnh.
Một chính sách được nhận định sẽ có tác động đáng kể tới BSR là Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 28/2019/QÐ-TTg sửa đổi, bổ sung quy định về thuế suất với hàng hoá nhập khẩu. Theo đó, mức thuế suất nhập khẩu thông thường với mặt hàng dầu thô 5% hiện nay sẽ giảm còn 0% từ ngày 1/11/2019.
Ðược biết, hiện nay, BSR vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn dầu thô để chế biến, trong bối cảnh mỏ Bạch Hổ đang ngày càng giảm sản lượng.
Quyết định giảm thuế nhập khẩu có thể mở ra cơ hội lớn để BSR giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, bởi một trong những đối tác xuất dầu cho Công ty trước đây là Anzecbaizan nằm trong 172 nước, vùng lãnh thổ có đối xử tối huệ quốc với Việt Nam, được hưởng thuế suất xuất khẩu dầu thô 0%.
Ðây là loại dầu thô ngọt nhẹ, chất lượng tương đương với mỏ dầu Bạch Hổ, rất tốt với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Từ cuối năm 2017, khi thuế suất nhập khẩu dầu thô tăng lên 5%, BSR đã phải giảm nhập khẩu loại dầu này.
Năm 2020, biên lợi nhuận của các nhà máy chế biến dầu ngọt nhẹ như BSR (sản phẩm có hàm lượng lưu huỳnh thấp) có triển vọng cải thiện, bởi theo quy định mới của Hiệp hội Vận tải quốc tế, các hãng tàu biển phải sử dụng các nhiên liệu FO (dầu mazut loại nhẹ), DO (dầu diesel) có hàm lượng lưu huỳnh thấp.
Ngoài ra, theo quyết định mới của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), từ năm 2020, BSR sẽ tự chủ trong hoạt động mua dầu thô, đứng tên trong hợp đồng ký trực tiếp với nhà cung cấp. Ðược chủ động trong ra quyết định, thời điểm nhập hàng… có thể là yếu tố giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thuận lợi trên thị trường để tối đa hóa lợi nhuận.
Theo chia sẻ của ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc BSR tại các buổi làm việc với 10 nhà cung cấp dầu thô nhập khẩu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bao gồm Shell, Vitol, BP, PVOSN, PETCO, SOCAR, Glencore, Gazpromneft, Repsol và Sumitomo bên lề Hội nghị APPEC lần thứ 35 tại Singapore mới đây, các đối tác rất muốn hợp tác và bán thẳng dầu thô cho các nhà máy lọc dầu nhằm đạt được sự ổn định về dài hạn.
Câu chuyện chung và riêng ở các doanh nghiệp dầu khí đang có nhiều thông tin mới, nhưng giá dầu vẫn là ẩn số với các doanh nghiệp trong kịch bản sản xuất - kinh doanh.
Câu chuyện chung và riêng ở các doanh nghiệp dầu khí đang có nhiều thông tin mới. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực như đã đề cập, giá dầu vẫn là ẩn số thách thức với các doanh nghiệp trong kịch bản sản xuất - kinh doanh năm 2020.
Dự báo, các doanh nghiệp sẽ đặt ra nhiều kịch bản, phương án kinh doanh, thay vì neo theo một mức giá cố định để xây dựng kế hoạch.
Ðặc biệt, khoảng chênh giữa các kịch bản sẽ khá rộng, bởi ngành dầu khí chịu tác động lớn từ các biến động địa chính trị trên thế giới cũng như xu hướng tìm kiếm, đầu tư cho nhiên liệu tái tạo thay thế đang trở thành cuộc đua của các ông lớn trên toàn cầu.