Theo dõi tin tức trên thị trường tài chính thời gian gần đây có thể thấy, áp lực giảm giá dầu không đơn giản chỉ là “chiêu” chính trị nhất thời nhằm vào một nước, một nền kinh tế nào đó. Mà đó thực chất là áp lực cung - cầu trên thị trường khi Mỹ đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp dầu đá phiến khi sáng tạo ra công nghệ nứt vỡ thủy lực để việc khai thác loại dầu này trở nên dễ dàng với chi phí và thời gian ngắn hơn. Đây là lý do khiến nguồn cung trên thị trường tăng lên, đẩy giá dầu mỏ “xuống đáy” trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng còn chậm chạp.
Vì thế, kỳ vọng của nhà đầu tư vào giá dầu mỏ sẽ sớm phục hồi để tạo ra sóng mới cho cổ phiếu dòng dầu khí đang niêm yết xem ra quá xa vời.
Trao đổi với ĐTCK mới đây, Giám đốc đầu tư của một quỹ khi được hỏi đánh giá về cổ phiếu GAS thời điểm hiện nay (mà cách đây vài tháng ông coi GAS là cổ phiếu hấp dẫn ở giá 100.000 đồng/cổ phiếu), ông này trả lời: “Khi đó ai ngờ giá dầu rớt sâu như thế”.
Có lẽ, tiềm năng của cổ phiếu ngành dầu khí sẽ được đánh giá lại trong bối cảnh mới - giá dầu khó tăng cao.
Sự biến động của cổ phiếu GAS có thể ảnh hưởng đến thị trường theo chiều ngược lại khi chỉ với 2 phiên tăng mạnh nữa, GAS có thể tiệm cận mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu - mức giá giới hạn cao nhất mà GAS công bố mua vào cổ phiếu quỹ.
Khi dầu hướng đến mốc 50 USD/thùng, nhiều phân tích vẫn lạc quan về việc nền kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn. Nhưng khi dầu tiếp cận mốc 45 USD/thùng, thì trước khi chờ nhìn thấy những lợi ích của giá dầu giảm, cần có kịch bản tính toán cụ thể về tác động của giá dầu đến ngành dầu khí Việt Nam, tác động đến thu chi ngân sách.
Thông tin mới nhất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã công bố Vietsovpetro có thể dừng sản xuất ở một số giàn khai thác có sản lượng dưới mức hòa vốn hay tạm ngừng triển khai các dự án tìm kiếm, thăm dò. Ngoài ra, Vietsovpetro sẽ tạm dừng thực hiện những biện pháp kỹ thuật - địa chất trong các giếng nếu hệ số thành công thấp, đồng thời giãn tiến độ khoan khai thác và các dự án phát triển mỏ có trữ lượng nhỏ nếu giá dầu tiếp tục giảm…
Với một môi trường nhiều biến số như vậy, chắc chắn các cổ phiếu ngành dầu khí còn ảnh hưởng đến TTCK trong năm 2015 như cách nó đã nhấn chìm thị trường hay đẩy thị trường đi lên trong giai đoạn vừa qua.
Trong khi đó, theo ghi nhận của ĐTCK, các doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng chi phí kinh doanh năm 2015 sẽ giảm rõ rệt do tác động của giá dầu làm chi phí vận tải giảm. Phản ứng dây chuyền về giảm chi phí, giảm giá bán trong các ngành sản xuất sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực đối với tăng trưởng và tiêu dùng. Lợi ích của giá dầu giảm sẽ rõ nét hơn trong năm 2015. Ngoài các doanh nghiệp ngành dầu khí, xem ra các doanh nghiệp khác đón nhận việc giảm giá dầu một cách bình thản và hào hứng nhiều hơn là e ngại.
Liệu P/E của TTCK Việt Nam có bứt phá mà không bị chi phối bởi P/E của cổ phiếu ngành dầu khí giống như cổ phiếu ngân hàng cách đây vài năm? Có lẽ câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào xu hướng đầu tư cũng như niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.