Giá dầu thô Brent loại tiêu chuẩn hiện đang giao dịch quanh mức 67 USD/thùng. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, giá dầu thế giới đang quay trở lại đỉnh 3 năm, thậm chí có thể đạt trên 70 USD/thùng trong năm nay. Bên cạnh đó, dù đang có xu hướng đi ngang nhưng nhiều khả năng giá dầu thô bình quân năm nay sẽ cao hơn năm trước, dự kiến đạt trên 60 USD/thùng so với năm 2017 là 55 USD/thùng.
Cùng với diễn biến tích cực của giá dầu, kết quả kinh doanh quý I/2018 của các công ty ngành dầu khí cũng được kỳ vọng lạc quan hơn so với cùng kỳ năm trước, theo ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt. Tuy nhiên, chỉ cổ phiếu của một số doanh nghiệp sở hữu câu chuyện riêng mới có thể khởi sắc.
Hiện tại, mã PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí là một trong những cổ phiếu đáng quan tâm trong nhóm dầu khí. Năm 2017, Công ty đã thoát lỗ nhờ hoàn nhập khoản dự phòng rủi ro hơn 468 tỷ đồng trích từ quỹ đầu tư khoa học công nghệ.
Xét về mặt sổ sách kế toán, đây được xem như một “thủ thuật” để giúp cổ phiếu PVD thoát khỏi nguy cơ hủy niêm yết. Còn trên thực tế, xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi, Công ty vẫn đối mặt với tình trạng lỗ hơn 471 tỷ đồng trong năm 2017.
Tuy nhiên, việc giá dầu phục hồi đang tạo nên triển vọng lạc quan cho PVD. Theo đó, giá dầu tăng một mặt kích thích nhu cầu tìm kiếm khai thác dầu, tạo việc làm cho các giàn khoan đang phải chịu cảnh “nằm không”. Cuối năm 2017, PVD khiến giới đầu tư bất ngờ với thông tin 4 giàn khoan đang có việc làm tại Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Algeria, giúp Công ty đảm bảo nguồn công việc.
Mặt khác, giá dầu tăng là cơ sở để PVD đàm phán giá thuê đối với các đối tác ở mức cao hơn, đủ để doanh nghiệp đạt mức hòa vốn và có lãi trở lại. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo PVD cho hay, các đơn giá từ hợp đồng thuê giàn khoan của Công ty trong năm 2018 dao động từ 50.000 - 55.000 USD/ngày, vẫn dưới mức hòa vốn 65.000 USD/ngày. Để đạt được mức giá hòa vốn, giá thuê giàn phải ổn định trên 70.000 USD/ngày và duy trì từ 9 đến 12 tháng. Do vậy để kiểm chứng hiệu quả, nhà đầu tư vẫn phải tiếp tục quan sát thêm từ diễn biến giá dầu.
Trong khi đó, một kịch bản khác được vạch ra với PVD là việc thanh lý giàn khoan nhằm giảm chi phí khấu hao ăn mòn lợi nhuận. Năm 2017, khấu hao tài sản cố định của Công ty tăng hơn 49% so với năm 2016, đạt hơn 460 tỷ đồng. Theo giới phân tích, việc thanh lý tài sản có thể giúp PVD cải thiện cơ cấu tài chính, tuy nhiên thanh lý cho ai, bán đi giàn khoan mới hay cũ, Công ty có đảm bảo được hoạt động kinh doanh cốt lõi hay không là câu hỏi mà giới đầu tư đặt ra.
Một cổ phiếu khác đi lên cùng với giá dầu là GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam. Với quy mô, lợi thế độc quyền và “hậu thuẫn lớn” từ công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cổ phiếu GAS có nhiều động lực tăng giá trong năm nay.
Thứ nhất, GAS là doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu thế giới, giá dầu tăng kéo theo giá khí tăng, đơn vị sản xuất và phân phối khí trực tiếp quy mô lớn như GAS sẽ lãi lớn.
Thứ hai, bên cạnh triển vọng kinh doanh, kỳ vọng thoái vốn Nhà nước đã được phản ánh một phần vào giá cổ phiếu GAS trong hơn 1 tháng qua. Hiện nay dù lộ trình thoái vốn chưa được công bố nhưng nhiều nguồn tin cho hay, Công ty đã tìm được một số đối tác chiến lược tiềm năng cho đợt thoái vốn sắp tới. Theo kế hoạch, GAS nằm trong danh mục thoái vốn của PVN đến năm 2020. Cụ thể, PVN sẽ giảm sở hữu tại GAS từ 96,72% xuống còn 65% trong giai đoạn 2018 - 2019.
Rủi ro với cổ phiếu vốn hóa lớn nói chung và GAS nói riêng hiện nay nằm ở định giá tương đối cao. Ở mức giá kết thúc phiên giao dịch ngày 3/4 là 133.000 đồng/cổ phiếu, GAS đang giao dịch ở mức P/E trượt 4 quý gần nhất là hơn 26 lần. Tuy vậy thoái vốn vẫn sẽ là động lực quan trọng với GAS và đà tăng cổ phiếu này nhiều khả năng tiếp tục cho đến khi những thông tin và kế hoạch chi tiết về lộ trình thoái được công bố.
Một cổ phiếu khác được dự báo có triển vọng tích cực là PVT của Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans). Với lợi thế công ty con của PVN, PVT là doanh nghiệp vận tải dầu khí quản lý, vận hành đội tàu vận tải lớn nhất Việt Nam hiện nay. Năm 2018, Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn thành sửa chữa và gia tăng công suất đáp ứng, sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh từ 6,06 triệu tấn lến 7,2 triệu tấn. Bên cạnh đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn với công suất 9 triệu tấn dầu thô/năm bắt đầu vận hành từ cuối tháng 2/2018 cũng hỗ trợ tích cực cho triển vọng của PVT.
Tương tự như GAS, PVT cũng là cái tên sẽ được gọi trong danh sách thoái vốn của PVN. Cụ thể, PVN dự kiến sẽ thoái từ mức 60% xuống còn dưới 51% vốn điều lệ PVT, dự kiến thực hiện trong năm 2019. Cổ phiếu này đã tăng khá mạnh trong 1 năm qua, từ 12.000 đồng lên 21.400 đồng/cổ phiếu với kỳ vọng sẽ còn "nổi sóng" quanh thời điểm Nhà nước thoái vốn.