Dự báo giá dầu vẫn trên 100 USD/thùng
Trong chương trình talkshow “Chọn danh mục” kỳ 10 do Báo Đầu tư tổ chức, với chủ đề “Cơ hội phục hồi và ẩn số vàng đen”, nội dung về dự báo giá dầu trong nửa cuối năm được đặc biệt quan tâm.
Tham gia chương trình, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cho biết, theo dự báo của các tổ chức quốc tế uy tín thì hết quý II/2022, giá dầu có chiều hướng giảm trong quý III, IV, tuy nhiên vẫn ở khoảng 105 USD/thùng.
Các yếu tố tác động đến giá dầu chủ yếu vẫn là cuộc xung đột Nga - Ukraine và các biến động địa chính trị ở các khu vực khác như châu Phi, Lybia. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác dưới hạn mức từ OPEC+ do sự thiếu đầu tư trong thập kỷ qua, cùng với công suất dự phòng toàn cầu bị giảm trong một thời gian dài và tồn kho các kho dự trữ đang ở mức thấp đều làm trầm trọng thêm rủi ro nguồn cung bị gián đoạn.
Yếu tố nữa là thị trường phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhất là thị trường Trung Quốc khiến nhu cầu về sản phẩm xăng dầu và năng lượng tăng trở lại. Đó là những yếu tố đảm bảo giá dầu sẽ duy trì ở mức cao so với thời điểm hiện tại.
Theo ông Dương, do ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine cũng như nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh khiến cho giá dầu thô và sản phẩm xăng dầu tăng liên tục. Đặc biệt, crack margin - chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm lọc hóa dầu chính đạt mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm trở lại đây.
Cụ thể, chênh lệch giữa giá sản phẩm chính (xăng dầu) và giá dầu thô giai đoạn 2000 - 2020 vào khoảng 8,70 USD/thùng và năm 2022 là 21,80 USD/thùng.
Đây là điều kiện tuyệt vời để các nhà máy lọc dầu trên thế giới gia tăng lợi nhuận. BSR đã nỗ lực tăng nhập dầu thô và nguyên liệu đầu vào so với kế hoạch để duy trì công suất vận hành ở mức 108 - 112%.
Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc BSR (ngoài cùng bên phải) và bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI (ngồi giữa) tham gia talkshow "Chọn danh mục" kỳ 10. |
Thời điểm hiện tại, nhiều tổ chức đều dự báo giá dầu vẫn sẽ ở mức cao và crack margin cũng rất tốt. Tuy nhiên, giai đoạn này biến động rất lớn và tuỳ thuộc vào những yếu tố không thể lường trước.
Chuyên gia Công ty Chứng khoán TPBank (TPS) nhìn nhận, giá dầu thô bắt đầu giảm từ giữa tháng 6/2022, từ mức trung bình 120 USD/thùng về quanh 110 USD/thùng do lo ngại nhu cầu bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Nhìn chung, vấn đề nút thắt nguồn cung vẫn chưa thể tháo gỡ trong ngắn hạn, do đó, giá dầu vẫn sẽ duy trì nền cao so với năm 2021. Việc giá dầu duy trì trên 60 - 70 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí hiện tại, cũng như triển khai các dự án dầu khí mới.
Theo TPS, trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp trong ngành vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng cao so cùng kỳ nhờ nhu cầu vận chuyển tăng mạnh hơn, hoạt động sản xuất phục hồi và giá dầu vẫn duy trì mức cao.
Bên cạnh đó, nhiều dự án thượng nguồn tiềm năng trong trung, dài hạn như Lô B, Cá Voi Xanh, Kèn Bầu. Dự án Lô B - Ô Môn sẽ được khởi công trong giai đoạn cuối năm 2022, đây được xem là động lực tăng trưởng lớn cho các công ty trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam.
Cổ phiếu dầu khí vẫn “sáng cửa” ngắn hạn
Thông thường, đối với các ngành khác, giá cổ phiếu sẽ ứng với kết quả kinh doanh và triển vọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với nhóm cổ phiếu liên quan đến hàng hóa như dầu khí, giá cổ phiếu sẽ bám sát diễn biến giá hàng hóa.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong tháng 6 có đợt giá dầu tăng mạnh, ngay lập tức giá cổ phiếu nhóm dầu khí đã phản ánh rất nhanh. Sau khi giá dầu điều chỉnh thì giá cổ phiếu cũng điều chỉnh lại. Nói như vậy có thể hiểu là, cổ phiếu ngành dầu khí khá khó để đầu tư, nhất là đầu tư trong ngắn hạn, còn đầu tư trong dài hạn vẫn rất cần hiểu sự biến động của giá dầu.
“Nhìn lại, những ai đầu tư từ năm 2020 khi giá dầu ở mức thấp do ảnh hưởng Covid-19 đến giờ đã có những khoản lãi rất lớn”, bà Phương nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia TPS đánh giá, mặc dù có sự khác biệt về các yếu tố cơ bản, giá cổ phiếu của các công ty trong ngành dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với diễn biến giá dầu. Các cổ phiếu có mức độ tương quan lớn nhất với giá dầu như GAS, BSR, PVD, PVS, PVT và CNG.
Nhìn chung, giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp trong ngành đã tăng mạnh do chất xúc tác từ giá dầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của TPS, dầu khí vẫn là ngành đáng xem xét đầu tư trong giai đoạn này, đặc biệt với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh cốt lõi phục hồi tốt và được hỗ trợ bởi hoạt động triển khai các dự án thượng nguồn, trong khi giá cổ phiếu đang điều chỉnh về vùng hấp dẫn.
Tuy vậy, bà Phương lưu ý, giá dầu có tác động khác nhau với các nhóm doanh nghiệp thượng nguồn (thăm dò và khai thác), trung nguồn (vận chuyển, tàng trữ và phân phối dầu, khí) và hạ nguồn của ngành dầu khí (lọc hóa dầu).
Các doanh nghiệp thượng nguồn như PVD, PVS không có mối tương quan trực tiếp nào giữa giá dầu với lợi nhuận, vì doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này đến từ các dự án và các dự án thường mang tính dài hạn, hoặc chậm hơn một chút so với nhóm ngành này.
Các doanh nghiệp dầu khí trung nguồn như GAS có mức tương quan tốt nhất với giá dầu. Còn với nhóm hạ nguồn, bức tranh có thể hơi xáo trộn một chút, nhưng nhìn chung vẫn có thể hưởng lợi nếu giá dầu không quá biến động.
Theo bà Phương, triển vọng dài hạn của nhóm cổ phiếu dầu khí là câu hỏi khá khó trả lời vào thời điểm này, vì hiện tại, chúng ta chỉ có thể dự đoán giá dầu vẫn sẽ ở mức cao trong khoảng thời gian ít nhất là nửa năm hoặc hơn nữa, cho đến khi nguồn cung tăng đủ trở lại để đáp ứng nhu cầu.
“Hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa mở cửa hết nên chưa thấy được nhu cầu của thị trường này phục hồi tới đâu. Nhưng có một yếu tố khác là sang năm 2023, kinh tế có nguy cơ suy thoái, nên nhu cầu tiêu thụ dầu có thể chậm lại”, chuyên gia SSI dự báo.
Chủ động, linh hoạt giúp BSR lãi tốt
Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc BSR
Nhà máy lọc dầu Dung Quất có lợi thế vận hành 12-13 năm, nên hiểu rất rõ về nhà máy và đảm bảo vận hành liên tục để gia tăng lợi nhuận.
Nhà máy 100% người Việt Nam làm chủ nên có nhiều cơ hội để tự chủ trong kiểm soát, tối ưu hoá nhà máy.
Về việc sản xuất - kinh doanh, chúng tôi có thuận lợi là vận chuyển từ mỏ về nhà máy gần, đây là lợi thế rất lớn nhất là trong thời kỳ khủng hoảng. Có những thời điểm trong vòng 1 tuần, giá dầu đã chênh 10 - 20% nên càng rút ngắn thời gian từ mỏ đến nhà máy chế biến, đến bán sản phẩm thì càng giúp chúng tôi kiểm soát được tình hình.
Ngoài ra, chúng tôi cũng lên kế hoạch vận hành linh hoạt theo thị trường và thực tiễn sản phẩm. Thời điểm sản phẩm nào có lợi hơn, chúng tôi sẽ tối đa hoá sản xuất các sản phẩm đó. Linh hoạt trong vận hành và nhanh nhạy với thị trường, cộng thêm việc bộ giá sản phẩm năm nay rất tốt và giá dầu không bị biến động quá mạnh là những yếu tố giúp Công ty gia tăng lợi nhuận.
Triển vọng lợi nhuận 6 tháng đầu năm rất cao, có thể là đỉnh so với năm ngoái. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải dự phòng rủi ro ở 6 tháng cuối năm, mặc dù hiện giờ đang dự báo rất tốt. BSR có rủi ro về giảm giá hàng tồn kho nên nguy cơ giảm lợi nhuận rất nhanh, nếu giá dầu giảm một cách quá nhanh như vừa qua.
Chúng tôi đang kỳ vọng lợi nhuận lập đỉnh mới kể từ khi BSR cổ phần hoá đến nay. Năm 2022 là một năm rất đặc biệt, chưa bao giờ có lợi nhuận cao như vậy.