Vấn đề càng trầm trọng khi trên TTCK Việt Nam, đa phần NĐT cá nhân chưa biết cách đầu tư giá trị, thể hiện ở chỗ họ luôn lướt sóng, đầu tư theo phong trào làm giá…
Để tạo lập sân chơi an toàn hơn cho NĐT, cần thực hiện nhiều biện pháp, trong đó phải kể đến việc sớm nâng tiêu chuẩn niêm yết nhằm thanh lọc những loại hàng hóa kém chất lượng. Ngoài ra, khi DN phát hành chứng khoán ra công chúng phải thực hiện việc bảo lãnh bắt buộc (có thể ở tỷ lệ 30%) nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức tư vấn, tránh tình trạng NĐT mua phải chứng khoán phát hành với giá quá cao hay cổ phiếu phát hành bị làm giá.
Về phía DN niêm yết, hàng tháng, các DN cần công bố thông tin vắn tắt về tình hình sản xuất - kinh doanh; phân tích những mặt thuận lợi và khó khăn trong tháng; thông tin về việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư… Bên cạnh đó, xúc tiến việc thực hiện soát xét báo cáo tài chính theo quý nhằm tạo lập niềm tin cho NĐT, tránh khoảng cách chênh lệch về số liệu tài chính giữa báo cáo được kiểm toán và báo cáo tài chính do DN lập, đồng thời rút ngắn thời gian lập báo cáo kiểm toán cuối năm.
Ngoài ra, định kỳ từ 3 - 5 năm, DN niêm yết nên có báo cáo định giá doanh nghiệp. Theo đó, nên bao hàm việc định giá chi tiết các loại tài sản vô hình, hữu hình, tài sản lưu động…, nhằm giúp NĐT hiểu sâu về từng loại tài sản cấu thành nên giá trị doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, NĐT có cách đánh giá về tài sản theo giá sổ sách, theo giá trị thực tế thị trường…, tránh tình trạng mua bán cổ phiếu với giá cách xa giá trị thực.