“Càng lên cao gió càng lớn” và việc tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm khiến thị trường trở nên rung lắc là điều hết sức bình thường. Trong gần suốt phiên giao dịch sáng nay, thị trường liên tục biến sắc và loay hoay tìm đường tiến tới vùng giá này. Chỉ trong khoảng gần 30 phút giao dịch cuối phiên, chỉ số VN-Index mới chính thức phá bỏ được rào cản thành công.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu tiếp tục cải thiện ở nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index nới rộng biên độ tăng. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng ở vùng giá nhạy cảm này khi tận dụng những nhịp hồi để chốt lời bảo vệ thành quả, đã khiến chỉ số chung nhanh chóng quay đầu chỉ sau chưa đầy 20 phút mở cửa.
Những tưởng thị trường sẽ có thêm pha rung lắc và điều chỉnh ở ngưỡng kháng cự mạnh này, nhưng bất ngờ đã xảy ra khi VN-Index có màn nhào lộn khá ngoạn mục. Từ sát mốc tham chiếu, chỉ số chung đã bật hồi mạnh mẽ và ghi nhận phiên tăng điểm ấn tượng hơn 10 điểm, xác lập vùng đỉnh trong ngày và cũng là vùng đỉnh mới của năm khi tiến gần hơn với mốc 1.210 điểm.
Điểm nóng thị trường vẫn là các cổ phiếu nhóm bất động sản khi phiên chiều có thêm nhiều gương mặt mới gia nhập vào “cánh đồng tím”. Đặc biệt là pha “quay xe” của cổ phiếu CTD.
Nếu trong phiên sáng nay, áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến CTD rung lắc và quay đầu giảm gần 2% về vùng giá thấp nhất khi tạm chốt phiên giao dịch; thì ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu mạnh mẽ đã giúp cổ phiếu này ngày càng nới rộng đà tăng.
Chỉ sau khoảng hơn 30 phút mở cửa, cổ phiếu CTD đã chinh phục thành công mức giá trần, tạm khép lại những phiên giảm mạnh trước đó. Đóng cửa phiên giao dịch, CTD tăng 7% và giữ vững mức giá trần 73.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,88 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.
Cũng có diễn biến tương tự, HBC đã đảo chiều ngoạn mục và sớm khoe sắc tím trong phiên chiều nay. Đóng cửa, HBC tăng 6,6% lên mức giá trần 10.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 7,19 triệu đơn vị cùng khối lượng dư mua trần hơn 2,4 triệu đơn vị.
Trước đó, cặp đôi CTD và HBC đã có phiên “đỏ lửa” trong ngày đầu tuần 24/7, thậm chí CTD nằm sàn, sau những tin đồn liên quan tới gói thầu 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” - dự án thành phần 3 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng.
Trái lại, bộ tứ trong nhóm cổ phiếu đấu thầu thi công sân bay Long Thành sau những phiên tăng tốc mạnh mẽ những ngày đầu tuần đã lần lượt bị bán khá mạnh trong phiên hôm nay. Trong đó, VCG giảm 3,4%, PHC giảm 4,2%, CC1 giảm 4,5% và HAN giảm 6%, thậm chí có thời điểm VCG và PHC nằm sàn.
Giá cổ phiếu các doanh nghiệp tham gia gói thầu 5.10 xây dựng sân bay Long Thành "tím lịm"
Ngoài cặp đôi CTD và HBC tăng kịch trần, phiên hôm nay cũng chứng kiến nhiều thành viên trong nhóm bất động sản đã khoe sắc tím như IJC, QCG, HPX, HU1, LGL, SJS…
Trong khi đó, NVL dù không giữ được mức giá cao nhất ngày nhưng đóng cửa vẫn tăng 2,8% với thanh khoản vượt trội trên thị trường, đạt hơn 70 triệu đơn vị. Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất cho thị trường là VHM khi kết phiên tăng 2,4% lên mức giá cao nhất ngày 58.900 đồng/CP và khớp lệnh 2,87 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một số mã lớn cũng tìm được vùng giá cao như MSN tăng 2,3%, VNM tăng 2,2%, TCB tăng 2,1%..., đã tiếp sức giúp VN-Index tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới.
Chốt phiên, sàn HOSE có 328 mã tăng và 139 mã giảm, VN-Index tăng 10,34 điểm (+0,86%) lên 1.207,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,11 tỷ cổ phiếu, trị giá 21.926,75 tỷ đồng, đạt xấp xỉ về khối lượng và giảm 3,39% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 66,1 triệu đơn vị, giá trị 1.426,91 tỷ đồng.
Mặc dù không tỏa sáng khi không có nổi mã nào kéo trần thành công, nhưng nhóm chứng khoán vẫn là nhóm tăng tốt nhất thị trường nhờ sắc xanh phủ kín toàn ngành. Trong đó, VND kết phiên tăng 4,6% lên mức giá 20.300 đồng/CP, cùng giao dịch sôi động với hơn 55 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.
Cặp đôi có vốn hóa thấp hơn là VIX và ORS tăng tốt nhất ngành, đều đạt hơn 5%. Trong đó, VIX tăng 5,2% và xác lập vùng đỉnh mới trong năm tại mức giá 15.200 đồng/CP, cùng thanh khoản vẫn thuộc top 5 dẫn đầu thị trường, đạt 33,39 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép phân hóa, trong khi HPG đóng cửa giảm nhẹ 0,4% thì HSG đảo chiều hồi phục và nới rộng đà tăng đạt 2,9% lên mức giá cao nhất trong ngày 19.300 đồng/CP, thanh khoản đều đạt hơn 20 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, cùng cổ phiếu lớn VCB hồi nhẹ, biên độ toàn ngành cũng được nới nhẹ. Trong đó, MSB vẫn giữ mức tăng 2,2% lên 13.700 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu dòng bank, đạt xấp xỉ 31,2 triệu đơn vị; các mã STB và VPB tăng trên dưới 22% và khớp 18-19 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, sau khi lùi về sát mốc tham chiếu, thị trường cũng bật hồi tích cực trong nửa cuối phiên nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm bluechip.
Đóng cửa, sàn HNX có 117 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index tăng 1,89 điểm (+0,8%) lên 237,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 121,97 triệu đơn vị, giá trị 1.920,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,72 triệu đơn vị, giá trị 67,13 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ còn 4 mã giao dịch trong sắc đỏ với NBC, DTD, TAR, PLC giảm nhẹ trên dưới 1%. Trái lại, trong số 22 mã tăng có L14 tăng tốt nhất 6,5%m HLD và LAS cùng tăng 3,1%, CEO tiếp tục nhích nhẹ khi đóng cửa tăng 2,7% lên mức 19.200 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt hơn 13,56 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, AAV đóng cửa tăng kịch trần với thanh khoản lên tới hơn 4,26 triệu đơn vị; MST tăng 8,2% lên sát mức giá trần 6.600 đồng/CP và khớp 4,85 triệu đơn vị; VC2 tăng 6,9% lên mức 17.000 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị…
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX tiếp tục tăng tốt, trong đó SHS đóng cửa tăng 2% lên mức cao nhất ngày 15.500 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với 21,64 triệu đơn vị khớp lệnh, MBS tăng 2,4% lên 21.100 đồng/CP và khớp 5,18 triệu đơn vị, BVS tăng 2,3%...
Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều hồi phục thành công sau nhịp điều chỉnh nhẹ giữa phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,31%), lên 88,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 81,9 triệu đơn vị, giá trị 804,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,49 triệu đơn vị, giá trị 73,23 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 9,77 triệu đơn vị giao dịch thành công và đóng cửa tăng 1,6% lên 18.600 đồng/CP.
Tiếp theo đó là cặp đôi nhỏ PVX và BII cùng khớp hơn 3,6 triệu đơn vị, đóng cửa PVX giảm 3,1% trong khi BII giữ vững đà tăng trần lên 1.100 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều tăng, trong đó hợp đồng tương lai VN30F2308 tăng 16,2 điểm, tương đương +1,4% lên 1.210 điểm, khớp lệnh 189.979 đơn vị, khối lượng mở 62.429 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, chỉ có duy nhất mã CMSN2215 khớp hơn 1 triệu đơn vị. Cụ thể, CMSN2215 đóng cửa tăng 20% lên 120 đồng/cq và khớp 1,52 triệu đơn vị.