Cổ phiếu công ty game online Trung Quốc đứng trước sức ép mới

0:00 / 0:00
0:00
Cổ phiếu của các công ty game online niêm yết tại Hong Kong được theo sát trong ngày giao dịch 5/8 sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục nhắm vào ngành này.
Bên ngoài trụ sở của Tập đoàn công nghệ Tencent ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Bên ngoài trụ sở của Tập đoàn công nghệ Tencent ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Vào cuối phiên giao dịch chiều 5/8 tại Hong Kong, cổ phiếu của Tập đoàn phát triển game online Tencent của Trung Quốc để mất 3,9%, trong khi cổ phiếu Netease cũng giảm sát nút 3,76%. Hang Seng Tech - chỉ số theo dõi cổ phiếu của 30 doanh nghiệp công nghệ vốn hóa thị trường lớn nhất tại Hong Kong - trượt 2,1% xuống 6.715,33 điểm.

Thời báo Chứng khoán thuộc Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) hôm nay đăng tải một bài báo cho rằng, các công ty game không nên được hưởng các biện pháp ưu đãi thuế đã được áp dụng nhằm khuyến khích sự phát triển của ngành phần mềm trong nước, bởi lẽ ngành công nghiệp game đến nay đã phát triển hơn trước.

Bài báo của Thời báo Chứng khoán nhận định rằng ngành game Trung Quốc nên được áp dụng cùng chính sách thuế với các ngành công nghiệp khác, đồng thời cảnh báo rằng ngành này nên "chuẩn bị tinh thần cho điều này".

Cổ phiếu của Tencent và Netease cùng trượt sâu vào đầu tuần này sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc ví von game online như loại "thuốc phiện tinh thần" trong một bài báo bị xóa chỉ vài giờ sau khi xuất bản và sau đó được đăng lại với tiêu đề mới, theo đài CNBC.

Bài báo đăng tải trên ấn phẩm Thông tin Kinh tế (Economic Information Daily) thuộc Tân Hoa xã bày tỏ lo ngại về lượng lớn thời gian mà giới trẻ "nướng" vào chơi game online và gọi đó là một dạng "thuốc phiện tinh thần". Điều này cũng làm dấy lên lo ngại các công ty game online sẽ là mục tiêu kế tiếp trong bối cảnh Bắc Kinh gần đây có động thái "nắn gân" doanh nghiệp công nghệ, theo tờ South China Morning Post.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong chiều nay đóng cửa giảm 0,84% xuống 26.204,69 điểm.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng chiều này cũng đóng cửa trong "sắc đỏ". Chỉ số Shanghai Composite kết thúc ngày giao dịch với mức giảm 0,31% xuống 3.466,55 điểm, trong khi chỉ số Shenzhen Component giảm 0,786% trong ngày xuống còn 14.872,23 điểm.

Ở các thị trường khác, chứng khoán Nhật Bản ghi nhận cả hai chỉ số chính đều tăng điểm. Nikkei 225 đóng cửa tăng 0,52% lên 27.728,12 điểm, còn chỉ số Topix nhích 0,39% lên 1.928,98 điểm. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc rớt nhẹ 0,13% lúc cuối phiên xuống còn 3.276,13 điểm.

Chứng khoán Australia hôm nay khởi sắc khi nước này đạt thặng dư thương mại khoảng 10,5 tỷ đô la Australia (tương đương 7,75 tỷ USD) trong tháng 7, theo công bố cùng ngày của Cơ quan Thống kê Australia.

Chỉ số S&P/ASX 200 tại Australia nhích 0,11% và đóng cửa với 7,511,10 điểm. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,3%.

Diễn biến dịch Covid-19 phức tạp lên ở Trung Quốc được cho là nguyên nhân tác động đến tâm lý nhà đầu tư ở khu vực. Số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc gia tăng trở lại khi biến thể Delta lan rộng ở nước này. Các nhà chức trách Trung Quốc đã cho tiến hành xét nghiệm hàng loạt và áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển đối với một số khu vực.

Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap hôm nay đưa tin, những biện pháp chống dịch Covid-19 cứng rắn nhất ở khu vực Seoul mở rộng rất có thể sẽ được kéo dài một lần nữa do số lượng ca nhiễm vẫn ở mức cao.

Chứng khoán Mỹ đêm qua biến động trái chiều. Chỉ số Dow Jones để mất tới 323,73 điểm và đóng cửa ở mức 34.792,67, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,46% xuống 4.402,66 điểm. Trái lại, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite vẫn tăng 0,13% lên 14.780,53 điểm.

Dow Jones và S&P 500 "đỏ lửa" sau thông tin số lượng việc làm tháng 7 tại Mỹ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Cuộc khảo sát bảng lương tư nhân của Công ty xử lý bảng lương ADP chỉ ra rằng số việc làm tăng lên trong tháng 7 tại Mỹ chỉ đạt 330.000, bằng một nửa so với con số ước tính 653.000 trước đó.

Thông tin thị trường việc làm Mỹ tiếp tục được các nhà đầu tư đón đợi khi Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố số liệu bảng lương phi nông nghiệp - một bức tranh toàn cảnh về thị trường việc làm Mỹ - vào ngày 6/8.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác hôm nay tăng 92,203, từ mức dưới 92 thiết lập trước đó. Đồng yên Nhật trượt giá về mức 109,58 JPY đổi 1 USD, so với mốc 109 JPY/USD trong ngày hôm qua. Ngược lại, đồng đô la Australia mạnh lên và trao tay 1 AUD "ăn" 0,74 USD, từ mức 1 AUD đổi 0,735 USD thường thấy trong tuần.

Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á chiều nay rớt nhẹ. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 0,13% xuống 70,29 USD/thùng, còn giá dầu thô giao sau của Mỹ trượt 0,12% về 68,07 USD/thùng.

Tin bài liên quan