Các megacap như Microsoft, Meta Platforms và Nvidia là những động lực lớn nhất đối với thị trường, khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giữ ở gần mức 4% và cuộc đấu giá trái phiếu chính phủ trị giá 37 tỷ USD đã thu hút nhu cầu trên mức trung bình.
Phiên này, nhóm dịch vụ truyền thông là lĩnh vực hoạt động tốt nhất trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 nhờ mức tăng 3,65% của Meta Platforms và cổ phiếu này đạt mức cao nhất trong ngày kể từ tháng 9/2021, sau khi Mizuho nâng mục tiêu giá từ 400 USD lên 470 USD.
Mặc dù vậy, Phố Wall vẫn đang dao động trong phạm vi hẹp kể từ đầu năm, khi các nhà đầu tư đánh giá lại kỳ vọng về thời điểm và tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ sau những dữ liệu kinh tế trái chiều gần đây, cũng như quan điểm khác nhau của các quan chức Fed về lãi suất.
Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào báo cáo chỉ số CPI và PPI của tháng 12/2023, lần lượt sẽ được công bố vào thứ Năm và thứ Sáu. Qua đó, có thể giúp xác định quỹ đạo chính sách tiền tệ của Fed.
Những người tham gia thị trường đã thu hẹp kỳ vọng cắt giảm lãi suất 0,25 vào tháng 3 và hiện thấy cơ hội gần 66%, giảm từ khoảng 86% trong tuần cuối cùng của năm 2023, theo CME FedWatch Tool.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ các bình luận của Chủ tịch Fed New York John Williams, được các nhà phân tích coi là tiếng nói trung lập về chính sách dự kiến phát biểu vào cuối ngày.
Đáng chú ý là mùa báo cáo kết quả kinh doanh sẽ khởi động vào cuối tuần, với ngân hàng, tài chính sẽ là nhóm tiên phong như JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo. Tất cả dự kiến sẽ báo cáo lợi nhuận quý IV thấp suy giảm, vì dành tiền để xử lý nợ xấu và trả nhiều hơn cho người gửi tiền do môi trường lãi suất cao.
Kết thúc phiên 10/1: Chỉ số Dow Jones tăng 170,57 điểm (+0,45%), lên 37.695,73 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,95 điểm (+0,57%), lên 4.783,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 111,94 điểm (+0,75%), lên 14.969,65 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm, do sự sụt giảm của cổ phiếu tài nguyên cơ bản khi giá kim loại suy yếu, trong khi các nhà đầu tư thận trọng hơn với mùa báo cáo kết quả kinh doanh cũng như chỉ số lạm phát của Mỹ sắp được công bố.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,18% xuống 476,42 điểm, với nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản giảm 1,1%, do giá kim loại cơ bản và kim loại quý yếu đi, khi các nhà đầu tư thận trọng trước báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ, dự kiến được công bố vào thứ Năm.
Về mặt dữ liệu, tỷ lệ lạm phát lõi của Na Uy đã giảm xuống dưới mức kỳ vọng trong tháng 12, điều này có thể giúp đưa ra kế hoạch nới lỏng chính sách của ngân hàng trung ương.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Luis de Guindos đã cảnh báo có thể khu vực Eurozone đã suy thoái vào tháng 12 và xác nhận khả năng suy thoái kỹ thuật trong nửa cuối năm 2023, cũng như triển vọng yếu trong ngắn hạn.
Trọng tâm của nhà đầu tư trong tuần này sẽ là mùa báo cáo kết quả kinh doanh ở Mỹ và châu Âu, điều này sẽ giúp đánh giá tác động của lãi suất cao đối với biên lợi nhuận của các doanh nghiệp và có khả năng ảnh hưởng đến hướng đi của thị trường trong vài tuần tới.
Kết thúc phiên 10/1: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 32,20 điểm (-0,42%), xuống 7.651,76 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 1,45 điểm (+0,008%), lên 16.689,81 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,54 điểm (-0,007%), xuống 7.426,08 điểm.
Giá dầu thô đảo chiều giảm, sau khi có dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng vọt bất ngờ làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tại thị trường dầu mỏ lớn nhất.
Kết thúc phiên 10/1, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,87 USD/thùng (-1,2%), xuống 71,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,79 USD/thùng (-1%), xuống 76,80 USD/thùng.