Cổ phiếu công nghệ chứng tỏ sức mạnh

Cổ phiếu công nghệ chứng tỏ sức mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc đua nới lỏng và tràn ngập các chính sách hỗ trợ tăng trưởng hậu đại dịch, dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào các doanh nghiệp được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng, giúp tốc độ mở rộng quy mô của doanh nghiệp ngày càng nhanh hơn. Xu hướng này tạo nên dòng chảy buộc các nhà đầu tư phải nhập cuộc để không bỏ lỡ cơ hội sinh lời và đối tượng hưởng lợi lớn nhất là cổ phiếu công nghệ.

Ngay cả khi số lượng các ca nhiễm bệnh tại Mỹ lập kỷ lục mới, chỉ số Nasdaq Composite với sự góp mặt dày đặc của nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn không ngừng leo dốc, tự phá vỡ các kỷ lục của chính mình.

Chỉ số này đã tăng 18% kể từ đầu năm tới nay, phớt lờ những bất ổn của nền kinh tế, lẫn tín hiệu xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch Covid-19.

Giá cổ phiếu của những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Amazon, Microsoft, Apple, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google) - hay được gọi là nhóm FAANG trở thành trụ cột cho đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ.

Nguyên nhân ban đầu xuất phát từ việc đây là các doanh nghiệp không chỉ “sống sót” qua đại dịch, mà còn có màn biểu diễn tốt hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác, đồng thời là nhóm doanh nghiệp được đặt kỳ vọng sẽ xoay sở tốt hơn trong thế giới hậu đại dịch.

Trong số các cổ phiếu công nghệ, không thể không nhắc tới cổ phiếu Tesla khi đã tăng giá hơn 250% kể từ đầu năm 2020 tới nay, thiết lập kỷ lục mới với giá trị hơn 1.500 USD/cổ phiếu.

Nhận định diễn biến thị trường, Bespoke Investment Group cho rằng, sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu công nghệ diễn ra qua cả 3 giai đoạn của thị trường giá lên (bull market).

Thứ nhất, khi thị trường bắt đầu leo dốc sau cú sốc đại dịch kể từ mức thấp nhất vào ngày 23/3, nhà đầu tư rót tiền vào các doanh nghiệp phục vụ nhu cầu giải trí tại nhà và công ty năng lượng.

Tiếp theo, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhóm cổ phiếu du lịch/giải trí và bán lẻ trở thành tâm điểm. Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ cũng góp mặt với các ứng dụng di động, dịch vụ vận chuyển, giao hàng…

Kể từ 8/6 cho tới nay, các thành viên thị trường chứng kiến đà tăng dần chậm lại và có sự điều chỉnh nhẹ khi nhóm các cổ phiếu tâm điểm thời kỳ mở cửa lại nền kinh tế dần giảm sức hút. Nhóm cổ phiếu duy nhất vẫn giữ vững đà tăng là cổ phiếu công nghệ, cũng như nhóm FAANG.

Đây không phải câu chuyện riêng tại nước Mỹ. Ở châu Á, dòng tiền cũng được rót mạnh vào nhóm cổ phiếu công nghệ - ứng viên sáng giá nhất trong bối cảnh lãi suất thấp, đại dịch khiến xu hướng làm việc tại nhà và phát triển công nghệ/dịch vụ mua sắm, giải trí online ngày càng rõ nét.

Giá cổ phiếu Tencent, gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng 37% năm 2020 và Meituan, doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển đồ ăn lớn nhất thế giới tăng 82% kể từ đầu năm 2020 tới nay.

Trong khi đó, Zoom Video Communications Inc, ứng dụng họp mặt/học tập trực tuyến đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng gần 4 lần trên sàn Nasdaq.

Trong bối cảnh các gói hỗ trợ được thực hiện rộng rãi trên toàn cầu, các doanh nghiệp lớn sẽ ngày càng lớn hơn một cách dễ dàng.

Tại Mỹ, nhóm các tên tuổi hàng đầu như Amazon, Facebook, Apple… đang giữ vững đà leo dốc mạnh so với chỉ số chung toàn thị trường, trong khi ở châu Á, các ông lớn công nghệ cũng vượt xa phần còn lại.

Đà tăng gần 40% của cổ phiếu Tencent nổi trội hơn hẳn so với mức giảm 11% của chỉ số Hang Seng kể từ đầu năm tới nay. Hay cổ phiếu của SoftBank Group Corp đã tăng 35% tại Tokyo, trong khi chỉ số Topix giảm 8%...

Đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ được đánh giá sẽ còn tiếp diễn, ngay cả khi xuất hiện những cảnh báo bong bóng đối với đà tăng trưởng nóng của nhóm này.

Theo đó, môi trường lãi suất thấp khiến nhóm doanh nghiệp tài chính khó sáng cửa, trong khi nhiều yếu tố thuận lợi đang hỗ trợ cho đà tăng của doanh nghiệp công nghệ.

Tin bài liên quan