Trong phiên thứ Sáu tuần trước, nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh khiến Nasdaq mất tới gần 2% giá trị, trong khi nhóm cổ phiếu tài chính, năng lượng tăng giá, giúp Dow Jones có mức tăng khá.
Cụ thể, trong phiên cuối tuần, chỉ số cổ phiếu công nghệ giảm tới 2,7%, trong đó riêng cổ phiếu Apple giảm 3,9%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2016. Facebook cũng giảm 3,3%, Alphabet cũng giảm 3,4%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2016, Microsoft giảm 2,3%...
Trong khi đó, chỉ số tài chính tăng 1,9% và chỉ số cổ phiếu năng lượng tăng 2,5% khi giá dầu thô hồi phục trở lại.
Kết thúc phiên 9/6, chỉ số Dow Jones tăng 89,44 điểm (+0,42%), lên 21.271,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,02 điểm (-0,08%), xuống 2.431,77 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 113,85 điểm (-1,80%), xuống 6.207,92 điểm.
Sau 2 tuần tăng liên tiếp, phố Wall đã có sự trái chiều trong tuần vừa qua. Phiên tăng điểm tích cực cuối tuần giúp Dow Jones tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần thứ 3, trong khi S&P 500 quay đầu giảm 0,30% và đặc biệt phiên lao dốc cuối tuần đã khiến Nasdaq giảm tới 1,55%, trả lại toàn bộ những gì đã có trong tuần trước nữa.
Kết quả bầu cử tại Anh với việc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May không thể giành đủ số ghế quá bán để tự quyết tại Quốc hội đẩy nước này vào tình cảnh “quốc hội treo”. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử này khiến đồng bảng Anh mất giá, hỗ trợ lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này, trong đó chủ yếu là các tập đoàn lớn, qua đó hỗ trợ giúp chỉ số FTSE 100 tăng điểm mạnh trong phiên cuối tuần.
Các thị trường chứng khoán lớn khác trong khu vực như Đức và Pháp cũng tăng điểm mạnh trong phiên cuối tuần nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi các ngân hàng yếu kém tại Tây Ban Nha và Ý được cứu.
Kết thúc phiên 9/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 77,35 điểm (+1,04%), lên 7.527,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 102,14 điểm (+0,80%), lên 12.815,72 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 35,47 điểm (+0,67%), lên 5.299,71 điểm.
Dù hồi phục rất tốt trong phiên cuối tuần, nhưng với những phiên giảm liên tiếp trước đo dó lo ngại về sự không ổn định chính trị trước các cuộc bẩu cử quan trọng của khu vực, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt quay đầu giảm trong tuần vừa qua. Trong đó, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,27%, chỉ số DAX đảo chiều giảm nhẹ 0,06%, chỉ số CAC 40 giảm 0,82% sau 2 tuần tăng liên tiếp.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Softbank với mức tăng 7% sau thông tin công ty con của tập đoàn này đã đồng ý mua công ty Robotics Boston Dynamics từ Alphabet Inc. Tuy nhiên, đà tăng cũng bị hãm lại ít nhiều sau kết quả bầu cử sốc tại Anh.
Kết quả bầu cử tại Anh cũng khiến chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm điểm trong phiên cuối tuần, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục duy trì đà tăng, lên mức cao nhất 17 tháng nhờ động thái cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bơm tiền vào hệ thống.
Kết thúc phiên 9/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 104,00 điểm (+0,52%), lên 20.131,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 32,77 điểm (-0,13%), xuống 26.030,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,07 điểm (+0,26%), lên 3.158,40 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng có sự trái chiều trong tuần qua. Dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Nhật Bản đã đảo chiều giảm trong tuần qua sau 2 tuần tăng liên tiếp. Còn chứng khoán Hồng Kông nối dài mạch tăng điểm của mình, dù mức tăng thấp hơn tuần trước. Chứng khoán Trung Quốc đảo chiều tăng mạnh trở lại sau tuần giảm nhẹ trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,23%, chỉ số Hang Seng tăng 0,41% và chỉ số Shanghai Composite tăng 1,69%, mức tăng tốt nhất kể từ tháng 11/2016 của Shanghai Composite.
Sau khi lên mức cao nhất 4 tuần do nhà đầu tư tìm đến các kênh trú ẩn an toàn nhằm phòng ngừa rủi ro trước các sự kiện chính trị quan trọng sắp diễn ra. Tuy nhiên, sau đó, các sự kiện này không gây nhiều quan ngại như nhiều người lo lắng, khiến vàng bị bán ra mạnh các phiên cuối tuần và chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp trước đó.
Kết thúc phiên 9/6, giá vàng giao ngay giảm 11,2 USD (-0,88%), xuống 1.266,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 8,1 USD/ounce (-0,63%), xuống 1.271,4 USD/ounce.
Phiên giảm mạnh cuối tuần càng nới rộng đà tăng trong tuần qua của giá vàng và chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp trước đó. Cụ thể, tuần qua, giá vàng giao ngay giảm 0,95% và giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 0,79%, trả lại hết những gì đã có trong tuần trước đó.
Sau những sự kiện chính trị không gây lo ngại như dự đoán, trong khi tuần này, Ủy ban thị trường mở (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp chính sách vào thứ 3 và thứ Tư với khả năng đưa ra quyết định tăng lãi suất lên tới hơn 90%, giới phân tích có cái nhìn tiêu cực về giá vàng. Trong khi đó, giới đầu tư dù đánh giá giá vàng sẽ tăng trở lại, nhưng sự thận trọng cũng được thể hiện rõ nét.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 18 chuyên gia thị trường trả lời, chỉ có 4 người, chiếm 22% đánh giá tích cực về giá vàng, thấp hơn rất nhiều so với con số 80% của tuần trước. Trong khi đó, số người dự báo giảm là 7 người, chiếm 61%, trong khi tuần trước đó không có ai cho rằng giá vàng sẽ giảm. 3 người còn lại, chiếm tỷ lệ 17% dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong tuần này.
Sau khi không thực hiện tuần trước do lỗi kỹ thuật, cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này đã được nối lại. Trong 946 người tham gia, có 525 người, chiếm tỷ lệ 55% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần này, 317 lượt, chiếm tỷ lệ 34% dự báo giá vàng sẽ giảm tiếp và 104 lượt, chiếm tỷ lệ 11% giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, nhờ thông tin về việc Nigeria ngừng khai thác một đường ống dầu giúp giá dầu thô hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy vậy, đà tăng khá khiêm tốn khi nỗi lo dư cung vẫn còn đó và phiên tăng này không thể giúp giá dầu thô tránh khỏi tuần giảm mạnh tiếp theo và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp.
Kết thúc phiên 9/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,19 USD/thùng (+0,41%), lên 45,83 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,29 USD (+0,60%), lên 48,15 USD/thùng.
Như vậy, lo ngại về khả năng dư cung khiến giá dầu thô có tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 3,84%, giá dầu thô Brent giảm 3,60%.