Cấu trúc lợi nhuận của ngành chứng khoán có chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm 2024

Cấu trúc lợi nhuận của ngành chứng khoán có chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm 2024

Cổ phiếu chứng khoán về vùng hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước khi có vài phiên hồi phục trong tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán có diễn biến kém tích cực khi thị giá hầu hết các cổ phiếu nhóm này sụt giảm khoảng 20 - 30% từ đỉnh. Mức P/B toàn ngành chứng khoán đang về vùng đáy của năm 2023, mở ra cơ hội đón đầu sóng phục hồi ở quý cuối năm cho nhà đầu tư.

Lợi nhuận tích cực

So với năm 2023, cấu trúc lợi nhuận của ngành chứng khoán có chuyển biến tích cực hơn nhiều trong 6 tháng đầu năm 2024. Hoạt động chênh lệch giá tài sản tài chính đang giảm dần tỷ trọng đóng góp. Thay vào đó, tăng trưởng quy mô tài sản đang là yếu tố đóng vai trò quyết định với tăng trưởng lợi nhuận hàng quý.

Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý II/2024 của 62 công ty chứng khoán (đại diện 99% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành) cho thấy, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đạt gần 218.900 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2024, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 11,5% so với cuối quý I/2024. Trong đó, 6 công ty chứng khoán, bao gồm TCBS, SSI, HSC, Mirae Asset Việt Nam, VPS, VNDIRECT đang có dư nợ cho vay margin lớn hơn 10.000 tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận trước thuế của các công ty chứng khoán trong quý II/2024 đạt hơn 8.100 tỷ đồng, tăng khoảng 39% so với cùng kỳ. Nếu so với con số hơn 8.000 tỷ đồng trong quý liền trước, tổng lợi nhuận của ngành nhích nhẹ thêm khoảng 1%. Một số công ty ghi nhận tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2023 như TCBS (tăng 192%, đạt 1.612 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), SSI (tăng trưởng 59% so với cùng kỳ, đạt 1.041 tỷ đồng lợi nhuận). Đặc biệt, Công ty Chứng khoán VPS đạt 653 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II/2024 và ghi nhận mức tăng trưởng gần 5 lần so với cùng kỳ…

Bên cạnh đó, "cuộc chiến" giảm phí giao dịch dường như đã đến hồi kết, mức doanh thu môi giới hiện nay đã vượt xa mức chi phí cố định nên biên gộp mảng môi giới toàn ngành đang cải thiện. Mức định giá P/B của các cổ phiếu chứng khoán đang nằm trong khoảng trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn - mức hấp dẫn với những phân tích ở trên. Cụ thể, P/B ngành này đang ở mức 1,5 - 1,8 lần, trong khi mức P/B ở giai đoạn đỉnh của nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể đạt tới 3,7 lần.

Trước khi có vài phiên hồi phục trong tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán có diễn biến kém tích cực khi hầu hết các cổ phiếu trong nhóm này đều sụt giảm khoảng 20 - 30% từ đỉnh và đây là mức giảm lớn hơn nhiều so với mức giảm chung của toàn thị trường. Điều này được lý giải bởi thị trường chứng khoán kém tích cực và thanh khoản bình quân trong quý II/2024 đã sụt giảm khoảng 20% so với quý trước đó và cổ phiếu chứng khoán luôn là nhóm nhạy cảm nhất với xu hướng thị trường.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho rằng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến kém tích cực, hiếm có nhóm cổ phiếu nào đi ngược xu hướng chung. Nhóm cổ phiếu chứng khoán hay các nhóm khác cũng thế, việc hồi phục trong vài phiên không đồng nghĩa với xu hướng tăng giá trong dài hạn.

“Mặc dù vậy, chứng khoán vẫn là một trong những ngành đang trong giai đoạn phát triển mạnh, cơ hội với các công ty trong ngành còn rất lớn, đặc biệt là với những công ty có lợi thế gắn kết với ngân hàng, hay những công ty mở rộng các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư hoặc sở hữu công nghệ tiên tiến”, ông Khánh nhận xét.

Cơ hội cho đầu tư dài hạn

P/B của nhóm chứng khoán về mức 1,5 lần, mức đáy vào tháng 10/2023. Bên cạnh đó, rủi ro ngắn hạn của nhóm cổ phiếu này tiếp tục giảm dần, nên đây là giai đoạn thích hợp để xem xét tích lũy.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Chứng khoán vốn là nhóm cổ phiếu có độ nhạy cao với lãi suất cũng như diễn biến thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang tiến gần hơn đến chu kỳ nới lỏng tiền tệ, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng sẽ được hưởng lợi khi vĩ mô ổn định hơn và triển vọng kinh tế phục hồi. Cùng với quyết tâm nâng hạng thị trường vào năm 2025 của Chính phủ, nhà đầu tư kỳ vọng quá trình đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới để góp phần tháo gỡ các tiêu chí còn vướng mắc trong bộ tiêu chí của FTSE và MSCI.

Từ góc nhìn của ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), trong nhiều thập kỷ qua, dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển từ kênh tiền gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu. Xu hướng này thể hiện rõ tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc, khi tỷ lệ tiền mặt, tiền gửi trên tổng tài sản của người dân giảm từ mức 50% vào năm 2008 xuống dưới 40% hiện nay. Tại Mỹ, tỷ lệ tiền mặt và tiền gửi chỉ chiếm 13% và hầu hết tài sản tập trung vào các tài sản tài chính. Ở Việt Nam, số tài khoản chứng khoán đang tăng nhanh, nhưng hiện mới đạt khoảng gần 8% dân số, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 25 - 30% tại các thị trường phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025, kỳ vọng giúp nâng tầm vị thế, thu hút một lượng vốn đáng kể từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

“Quá trình nâng hạng sẽ giúp cải thiện nhiều điều kiện về môi trường đầu tư, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển cả về chất và lượng, tiến gần hơn tới chuẩn quốc tế, về lâu dài sẽ có lợi cho các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp niêm yết nói chung và cổ phiếu ngành chứng khoán nói riêng”, ông Khoa nói.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định: “P/B của nhóm chứng khoán về mức 1,5 lần, mức đáy vào tháng 10/2023, đồng thời, việc áp dụng prefunding trong tháng 8/2024 cũng là câu chuyện hỗ trợ cho nhóm này. Bên cạnh đó, rủi ro ngắn hạn của nhóm cổ phiếu này tiếp tục giảm dần, nên đây là giai đoạn thích hợp để xem xét tích lũy”.

Có thể thấy, sau cú lún sâu của thị trường, cơ hội đang mở ra với nhà đầu tư. Tuy nhiên, như phân tích của ông Phan Dũng Khánh, không chỉ nhóm cổ phiếu chứng khoán mà nhìn tổng thể chung trên thị trường thì cơ hội phù hợp với các nhà đầu tư trung dài hạn, không phải các nhà đầu tư ngắn hạn lướt sóng. Sau nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường, mặt bằng định giá của nhiều nhóm cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn hơn để nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân.

Bức tranh kết quả kinh doanh quý II của nhóm công ty chứng khoán cũng như các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán là tín hiệu tích cực phản ánh đà phục hồi của nền kinh tế. Mặc dù có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành và sự phân hóa này có thể tiếp tục trong quý III và cả giai đoạn nửa cuối năm 2024 nhưng với một thị trường đang trong quá trình hồi phục từ đáy, trong khi hoạt động chung thị trường đang mở rộng liên tục là một yếu tố lợi thế với ngành chứng khoán.

Tin bài liên quan