Cổ phiếu chứng khoán được nhà đầu tư chú ý, bởi đây là nhóm có sự vận động cùng chiều với thị trường.

Cổ phiếu chứng khoán được nhà đầu tư chú ý, bởi đây là nhóm có sự vận động cùng chiều với thị trường.

Cổ phiếu chứng khoán hút dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index gần đây hồi phục tốt, thanh khoản cải thiện khiến cổ phiếu chứng khoán thu hút dòng tiền, nhưng triển vọng thời gian tới phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Dòng tiền sôi động trở lại

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 12/8/2022, chỉ số VN-Index đã hồi phục được 10% tính từ vùng đáy quanh ngưỡng 1.150 điểm 1 tháng trước đó, lên 1.262,33 điểm.

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận xét, dòng tiền đã quay trở lại và có sự lan tỏa tốt ở nhiều nhóm cổ phiếu, trong đó có nhóm vốn hóa lớn, giúp nâng đỡ thị trường chung, chứ không chỉ tập trung vào nhóm đầu cơ. Tuy nhiên, dòng tiền có sự phân hóa cao giữa các nhóm ngành và ngay cả giữa những cổ phiếu trong cùng một ngành.

Vận động của thị trường trong 1 tháng gần đây cho thấy, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch vào các ngành và nhóm cổ phiếu đã giảm giá sâu như tài chính, xây dựng và vật liệu xây dựng, cũng như nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt như ngân hàng, hóa chất, tiện ích. Trong nhịp hồi phục, cổ phiếu chứng khoán được nhà đầu tư chú ý hơn, bởi đây là nhóm có sự vận động cùng chiều với thị trường.

Nhận định xu hướng thị trường thời gian tới, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh trong quý II/2022 không đồng nghĩa với lượng tiền đầu tư chứng khoán tăng lên. Do vậy, sau nhịp hồi phục tốt tháng 7 và đầu tháng 8, thị trường có thể sớm hụt hơi trước áp lực chốt lãi, nếu như không thể tiếp tục thu hút được dòng tiền mới.

Đáng lưu ý, thị trường đang bước vào vùng trống thông tin khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 đã trôi qua. Diễn biến thị trường thời gian tới có khả năng sẽ phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới và các thông tin liên quan đến khả năng nới hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng.

“Nếu đó là những thông tin tích cực thì VN-Index có thể tiến lên vùng 1.300 điểm trong nhịp hồi này”, ông Khoa nói.

Một số ý kiến nhìn nhận, nếu chia dòng tiền thành đầu cơ và cơ bản thì dòng tiền đầu cơ thường có phản ứng nhanh và mạnh hơn, theo đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ hồi phục tốt hơn ở giai đoạn đầu của sóng hồi. Dù vậy, trong sự vận động của thị trường chung, không ít nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn thuộc các ngành như chứng khoán, ngân hàng, thép, bất động sản thể hiện xu hướng hồi phục.

Quan trọng hơn, diễn biến tăng của thị trường được nâng đỡ bởi các yếu tố vĩ mô, bao gồm GDP tăng trưởng tích cực, lạm phát được kiềm chế, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022 có các con số khả quan. Thế nên, kịch bản thị trường điều chỉnh sâu trở lại không được đánh giá cao, nhưng đà đi lên trong thời gian tới có thể trắc trở hơn trước áp lực bán chốt lời.

Cổ phiếu chứng khoán được hưởng lợi

Cổ phiếu ngành chứng khoán là nhóm nhạy cảm nhất với đà tăng - giảm của các chỉ số. Sau một thời gian sụt giảm rồi “lình xình”, nhóm cổ phiếu này đã có nhịp hồi phục cùng chiều với thị trường trong gần 1 tháng qua. Mặc dù vậy, nhiều cổ phiếu vẫn đang thấp hơn 30 - 50% so với vùng đỉnh.

Hệ số beta của nhóm chứng khoán trong 6 tháng qua là 2,03 lần, thể hiện mức biến động giá mạnh gấp đôi so với chỉ số chung.

Thực tế, cổ phiếu chứng khoán luôn thuộc nhóm có giá biến động mạnh nhất trên thị trường. Theo số liệu từ SHS, hệ số beta của nhóm chứng khoán trong 6 tháng qua là 2,03 lần, thể hiện mức biến động giá mạnh gấp đôi so với chỉ số chung.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi kết quả hoạt động của các công ty chứng khoán gắn liền với diễn biến của thị trường. Cụ thể, thị giá cổ phiếu trên thị trường ảnh hưởng tới danh mục tự doanh, còn thanh khoản toàn thị trường tác động tới hoạt động môi giới và dịch vụ tài chính.

Thời gian vừa qua, sự hồi phục của nhóm cổ phiếu chứng khoán ngoài yếu tố tích cực từ thị trường chung cũng phải kể đến thông tin Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đang triển khai việc rút ngắn thời gian thanh toán để nhà đầu tư có thể thực hiện bán chứng khoán sau khi mua trong chiều ngày T+2, thay vì sáng ngày T+3 như hiện nay.

Ông Khoa cho biết, ngành chứng khoán có tính chu kỳ cao, giá các cổ phiếu thường tăng mạnh trong chu kỳ tăng trưởng và giảm mạnh khi bước vào chu kỳ suy giảm. Nhóm cổ phiếu chứng khoán trong nhịp tăng lần này có mức phục hồi tốt nhờ mặt bằng giá trước đó giảm sâu hơn so với thị trường chung. Sự phục hồi của điểm số và thanh khoản thị trường làm giảm góc nhìn tiêu cực của nhà đầu tư đối với ngành chứng khoán.

Nhìn ở mặt bằng hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của các công ty đầu ngành chứng khoán có mức giảm không lớn, nhưng tính chung cả ngành, mức giảm so với cùng kỳ năm ngoái là 67%.

Những công ty có lợi nhuận sụt giảm chủ yếu do đầu tư nhiều vào nghiệp vụ tự doanh. Khi thị trường hồi phục, các công ty chứng khoán được kỳ vọng sẽ hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư và các mảng kinh doanh khác được cải thiện. Ngoài ra, chu kỳ thanh toán T+2 được rút ngắn, dự kiến thực hiện từ cuối tháng 8 là yếu tố hỗ trợ tốt.

Vì thế, nếu đầu tư vào ngành chứng khoán, hoạt động giao dịch ngắn hạn được ưu tiên hơn. Những cổ phiếu đầu ngành, có nguồn thu đa dạng và không phụ thuộc quá nhiều vào tự doanh được cho là lựa chọn phù hợp.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, bối cảnh vĩ mô năm nay không ủng hộ cho hoạt động kinh doanh ở nhóm công ty chứng khoán bởi lạm phát và lãi suất tăng, dòng tiền bị rút ra phục vụ các hoạt động sản xuất - kinh doanh, thanh khoản thị trường sụt giảm, trong khi xu hướng điều chỉnh của VN-Index khiến hoạt động tự doanh kém khả quan.

“Tôi không cho rằng nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể quay trở lại vùng đỉnh cũ ngay trong năm nay, dù dư địa tăng giá từ vùng giá hiện tại vẫn còn do nhóm cổ phiếu ngành này đã bị bán tháo quá đà trong nhịp giảm trước, trong khi bối cảnh chung của thị trường cũng đang cho tín hiệu tích cực dần lên. Tuy nhiên, nhóm công ty đầu ngành, tiềm lực tài chính mạnh và thị phần môi giới cao như SSI, HCM, VCI… có dư địa để đầu tư”, ông Đức Anh chia sẻ.

Tính đến cuối quý II/2022, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) toàn thị trường vào khoảng 150.000 tỷ đồng, giảm 19% so với cuối quý I, nhưng cao hơn 16% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán giảm lần lượt 20% và 5%, còn khoảng 80.000 tỷ đồng. Giá trị dư nợ margin giảm gần bằng lượng tiền gửi của nhà đầu tư, diễn ra trong bối cảnh thanh khoản thị trường quý II suy giảm, nhất là tháng 5 và 6.

Kể từ ngày 12/7/2022, thị trường bắt đầu có sự phục hồi rõ nét cả về điểm số và thanh khoản, VN-Index tăng khoảng 10%, giá trị giao dịch tăng khoảng 50% (dao động quanh mức 15.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn cuối năm 2021 hay đầu năm 2022.

Tin bài liên quan