Định giá nhóm cổ phiếu chứng khoán hiện giảm sức hấp dẫn sau một giai đoạn tăng giá mạnh

Định giá nhóm cổ phiếu chứng khoán hiện giảm sức hấp dẫn sau một giai đoạn tăng giá mạnh

Cổ phiếu chứng khoán còn dư địa tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) So với đầu năm 2023, nhiều cổ phiếu chứng khoán đã tăng giá từ 38 - 189%, nhờ thị trường chứng khoán sôi động và lợi nhuận của nhóm công ty chứng khoán tăng mạnh.

Động lực từ dòng tiền

Ngày 6/9/2023, chỉ số VN-Index có phiên tăng thứ 6 liên tiếp, đạt 1.245,5 điểm, tạo đỉnh ngắn hạn mới sau nhịp điều chỉnh ngắn trước đó. Chỉ số đã tăng hơn 200 điểm (19,3%) so với đầu năm 2023 và tăng 375 điểm (43%) so với giữa tháng 11/2022.

Động lực tăng của VN-Index là dòng tiền không ngừng đổ vào kênh đầu tư chứng khoán, giúp thanh khoản thị trường cải thiện mạnh mẽ, xuất hiện ngày càng nhiều những phiên giao dịch tỷ USD như phiên 1/8 đạt 26.400 tỷ đồng, phiên 4/8 đạt 27.100 tỷ đồng, phiên 18/8 đạt 35.000 tỷ đồng…

Trong bối cảnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đặc biệt thu hút nhà đầu tư và liên tục tăng giá. Đây là nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ, thường có diễn biến đồng pha với thị trường chung.

Phiên giao dịch 6/9, cổ phiếu FTS của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) tăng trần, đạt 41.050 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu SSI của Công ty Chứng khoán SSI tăng 1,65%, cổ phiếu HCM của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) tăng 1,79%, cổ phiếu VND của Công ty Chứng khoán VNDIRECT tăng 1,91%, cổ phiếu VCI của Công ty Chứng khoán Vietcap tăng 1,29%...

Biên lợi nhuận của Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên HOSE. Nguồn: VNDIRECT.

Biên lợi nhuận của Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên HOSE. Nguồn: VNDIRECT.

So với đầu năm 2023, có 15 mã cổ phiếu chứng khoán tăng giá từ 38 - 189% (VIX, VDS, CTS, AGR, ORS, SHS, BSI, FTS, VCI, SSI, SBS, VND, HCM, MBS, BVS).

Kết quả kinh doanh quý II/2023 của nhiều công ty chứng khoán với các con số lợi nhuận ấn tượng càng khiến nhiều nhà đầu tư tự tin giải ngân vào nhóm ngành này.

Dư nợ giao dịch ký quỹ/vốn hóa sàn HOSE.

Dư nợ giao dịch ký quỹ/vốn hóa sàn HOSE.

Thống kê của VNDIRECT cho thấy, lợi nhuận nhóm công ty chứng khoán trong quý II/2023 đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng 64% so với quý I/2023 và gấp 3,5 lần quý IV/2022. Đây là quý thứ 2 liên tiếp, lợi nhuận của nhóm công ty chứng khoán tăng trưởng so với quý liền trước, sau khi sụt giảm trong nửa cuối năm 2022 do thị trường điều chỉnh từ vùng đỉnh (VN-Index giảm từ trên 1.500 điểm đầu tháng 4 xuống gần 900 điểm giữa tháng 11).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC, mã chứng khoán BSI) lãi ròng gần 276 tỷ đồng, tăng 182%; Công ty Chứng khoán VIX (mã chứng khoán VIX) lãi ròng 576 tỷ đồng, tăng 76,4%; SSI lãi ròng 525 tỷ đồng, tăng 26%; Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã chứng khoán ORS) lãi ròng 110 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã chứng khoán SHS) lãi gần 182 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ 68,2 tỷ đồng. Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã chứng khoán VDS) lãi ròng 161 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 129 tỷ đồng.

Một số công ty chứng khoán chưa niêm yết ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng hơn như Chứng khoán VPS lãi 314 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, gấp 4,5 lần cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh khởi sắc là điều dễ hiểu, bởi khi thị trường hồi phục, thanh khoản tăng cao, đồng nghĩa với việc các công ty chứng khoán cùng lúc hưởng lợi từ phí giao dịch, lãi cho vay ký quỹ và lợi nhuận từ hoạt động tự doanh.

Giá còn dư địa tăng, nhưng cần chọn lọc kỹ

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu chứng khoán thời gian qua trước hết là do thị trường chung hồi phục, kéo theo danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán tăng trở lại. Thứ hai là thanh khoản tăng thì thu nhập của công ty chứng khoán tăng. Thứ ba là kỳ vọng vào hệ thống KRX sẽ được vận hành vào cuối năm nay (sẽ cung cấp thêm nhiều sản phẩm chứng khoán mới) và khả năng nâng hạng thị trường khiến nhà đầu tư đặt niềm tin vào cổ phiếu chứng khoán nhiều hơn.

“Tôi nghĩ, sắp tới, VN-Index sẽ còn tăng và nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn còn chất xúc tác để tăng giá”, ông Bình nói.

Chị Quỳnh Trang, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, việc Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2023, từ đó lãi suất tiền gửi và cho vay tại các ngân hàng thương mại đều giảm, khiến một phần dòng tiền chảy từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán. Minh chứng là chỉ riêng tháng 7/2023, số tài khoản chứng khoán mở mới đạt hơn 150.000, cao nhất trong 11 tháng gần nhất.

“Nhiều khả năng, mặt bằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp, thị trường chứng khoán vẫn có triển vọng khả quan trong những tháng còn lại của năm 2023. Xu hướng tăng dài hạn quay trở lại và dòng “chứng” vẫn còn dư địa tăng giá”, nhà đầu tư trên nhận định.

Lãi suất thấp sẽ kéo theo lãi vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán giảm và kích thích nhu cầu vay ký quỹ, qua đó các công ty chứng khoán hưởng lợi. Đó là nhận định của Vietcap trong báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành chứng khoán mới đây.

Cho vay ký quỹ/tổng giá trị tài sản giao dịch (Đơn vị: tỷ đồng). Nguồn: VNDIRECT.

Cho vay ký quỹ/tổng giá trị tài sản giao dịch (Đơn vị: tỷ đồng). Nguồn: VNDIRECT.

Nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank khuyến nghị, nhà đầu tư có thể giải ngân thêm 20 - 30% tài khoản đối với những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành thu hút lực cầu tốt và dẫn dắt đà đi lên của thị trường trong những phiên gần đây, hoặc các cổ phiếu đang cho tín hiệu vượt đỉnh, trong đó có cổ phiếu chứng khoán.

Tuy vậy, một số chuyên gia lưu ý, trong ngắn hạn, định giá nhóm cổ phiếu chứng khoán đã giảm sức hấp dẫn sau một giai đoạn tăng giá mạnh. Hiện tại, định giá P/B của nhiều mã dao động từ 1,5 - 2 lần, cổ phiếu của một số công ty chứng khoán nhỏ và vừa có P/B trên 3 lần.

Ngoài ra, có những công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao, nhưng thực tế không phát sinh dòng tiền đáng kể, do hầu hết mảng kinh doanh đóng góp chính cho doanh thu, lợi nhuận đến từ lãi đánh giá lại tài sản tài chính (lãi đánh giá lại tài sản tài chính chỉ mang tính chất kỹ thuật, không đem lại dòng tiền thực trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, khi ghi nhận lãi do chênh lệch tăng tài sản tài chính thì đồng thời phải ghi nhận âm dòng tiền tại khoản mục giảm các doanh thu khác).

Chênh lệch tăng về đánh giá lại tài sản tài chính của VIX trong quý II/2023 là 447,4 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 65% tỷ trọng doanh thu hoạt động. FPTS ghi nhận chênh lệch tăng về đánh giá lại tài sản tài chính quý II/2023 là 28,1 tỷ đồng, trong khi quý II/2022 lỗ 74,3 tỷ đồng. Tại VDSC, chênh lệch tăng về đánh giá lại tài sản tài chính quý II/2023 là 22,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 63,3 tỷ đồng.

Mặt khác, một số công ty ghi nhận lãi nhờ bán cổ phiếu, trái phiếu như VPS trong quý II/2023 đạt 327 tỷ đồng lợi nhuận (gấp hơn 4 lần cùng kỳ), nhờ lãi bán tài sản tài chính bao gồm trái phiếu chưa niêm yết, cộng với cổ tức, tiền lãi phát sinh từ các tài sản tài chính. DNSE ghi nhận lãi bán chứng khoán quý II/2023 hơn 56 tỷ đồng (gấp 34,3 lần cùng kỳ), nhờ bán cổ phiếu niêm yết lãi 29,2 tỷ đồng và bán chứng chỉ tiền gửi lãi 10,7 tỷ đồng, bán trái phiếu lãi 16,1 tỷ đồng.

Các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên lựa chọn giải ngân vào những cổ phiếu của công ty chứng khoán có thị phần cho vay ký quỹ lớn, lợi nhuận môi giới cao, danh mục tự doanh được hưởng lợi và doanh nghiệp có câu chuyện riêng.

Tin bài liên quan