Ðây là trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không có tài sản đảm bảo với mức lãi suất 11,5%/năm, trả lãi 6 tháng một lần thay vì trả lãi vào cuối kỳ hạn như tiền gửi tiết kiệm và doanh nghiệp cam kết mua lại trái phiếu sau 1 năm.
Dù trái phiếu không có tài sản đảm bảo nhưng GEG là doanh nghiệp có “chỗ dựa” khi cổ đông lớn đứng sau là Tập đoàn Thành Công của đại gia Ðặng Văn Thành và có vốn góp của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC).
Trái phiếu được phát hành theo hình thức dựng sổ, ưu tiên người đăng ký sớm nên 4 ngày trước khi hết hạn đăng ký, lượng trái phiếu chào bán đã được đặt mua hết.
Cũng trong tháng 5, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đã chào bán chứng khoán có tài sản đảm bảo của Tập đoàn Hà Ðô với mức lãi suất 9,4% - 9,8%/năm.
Thực tế, trong thời gian qua, thị trường chứng kiến không ít đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp lớn như Phát Ðạt, Novaland, Vinhomes…, cùng nhiều doanh nghiệp quy mô vừa khác.
Ðáng chú ý, các đợt phát hành trái phiếu gần đây rất thành công, thu hút cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nhờ mức lãi suất hấp dẫn hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm ở mức cao nhất hiện tại là 8%/năm.
Chủ tịch HÐQT một công ty vừa phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu huy động cho dự án điện mặt trời cho biết, hơn 100 tỷ đồng trái phiếu được một nhà đầu tư cá nhân mua với kỳ vọng lãi suất hợp lý và quan trọng nhất là cam kết bảo toàn vốn.
Trước rủi ro của môi trường kinh tế thế giới và tăng trưởng của các doanh nghiệp chậm lại trong năm nay, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn đầu tư phòng thủ. Trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành đối thủ cạnh tranh hút vốn của thị trường chứng khoán khi các thương vụ phát hành thành công tăng lên.
Trước đây, những cổ phiếu thị giá nhỏ khoảng 7.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu với cổ tức 10% ổn định hàng năm được nhà đầu tư nhỏ lẻ khá yêu thích vì tỷ suất cổ tức/thị giá ở mức 12 - 13%, cao hơn nhiều mức lãi suất tiết kiệm ở các ngân hàng lớn.
Tuy nhiên, hiện nay, các cổ phiếu này đã bớt hấp dẫn khi so với trái phiếu doanh nghiệp. Lý do là sau khi chia cổ tức, giá cổ phiếu có sự điều chỉnh tương ứng. Nhà đầu tư phải đợi 8 tháng đến 1 năm sau để giá cổ phiếu tăng trở lại mới hiện thực hóa được lợi nhuận.
Trong khi trái phiếu trả lãi 6 tháng một lần và mua lại sau một năm nguyên giá. Xét yếu tố rủi ro, nhà đầu tư chọn mua trái phiếu doanh nghiệp với suất đầu tư hợp túi tiền là từ 1 tỷ đồng.
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng cùng với xu hướng siết tín dụng, việc doanh nghiệp tăng cường phát hành trái phiếu lãi suất cao để có nguồn vốn ổn định cho trung và dài hạn đã tạo áp lực lên thị trường chứng khoán.
Hiện tại, tỷ giá vẫn trong vòng kiểm soát, tuy nhiên, áp lực tăng cho đến cuối năm là hiện hữu, nhất là khi chịu ảnh hưởng lớn bởi chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo Công ty Chứng khoán SSI, tính từ đầu tháng 5 đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 0,8% trong khi USD/CNY đã tăng tới 2,5%. Xu hướng lãi suất trong nước trước áp lực tỷ giá sẽ ở mức cố gắng giữ bình ổn, khó có thể giảm.
Trong khi đó, tỷ lệ cổ tức trên thị giá cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết đang ở mức chỉ tương đương lãi suất tiếp kiệm, dao động từ 5 đến 7%. Vì thế ở giai đoạn hiện nay, thị trường chứng khoán chịu áp lực lớn từ lãi suất huy động vốn trên thị trường tài chính.
Trong quý II và quý III/2019, nhiều doanh nghiệp sẽ bị pha loãng vì chia cổ tức cổ phiếu thưởng, chia cổ tức bằng tiền mặt. Nhà đầu tư lăn chốt sẽ phải chôn vốn trong thời gian chờ cổ phiếu mới niêm yết. Ðây cũng là một trong những yếu tố khiến việc thị trường chứng khoán còn lình xình là điều dễ hiểu.