Diễn biến này khiến giới đầu tư đặt câu hỏi, cổ phiếu CEO tăng theo đà tăng giá cổ phiếu bất động sản trên sàn hay nội lực của doanh nghiệp có tiềm năng thu hút dòng tiền?
Trên thực tế, CEO được đánh giá là doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, nhưng chưa thực sự thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, thậm chí thị giá hiện tại mới chỉ ngang giá trị sổ sách của cổ phiếu.
Nội lực của CEO thể hiện ở việc Tập đoàn hiện là 1 trong 3 nhà đầu tư lớn nhất Đảo Ngọc - Phú Quốc cả về tốc độ triển khai và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Năm 2017, Tập đoàn đạt doanh thu 1.874 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 321 tỷ đồng, vượt 17 - 18% kế hoạch.
Mới đây, ngày 30/3, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Tập đoàn đã thông qua nhiều mục tiêu khá tham vọng thể hiện trong “Chiến lược phát triển Tập đoàn CEO đến năm 2021”. Theo đó, CEO sẽ là tập đoàn phát triển bất động sản nghỉ dưỡng hàng đầu trên thị trường Việt Nam với các chuẩn quốc tế, lọt Top 250 trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam VNR500 và Top 10 các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tư nhân Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu chiến lược đến năm 2021, Tập đoàn thực hiện tái cơ cấu các ngành nghề mũi nhọn, từ 2 ngành nghề chính là bất động sản và giáo dục - đào tạo gắn liền với xuất khẩu lao động chuyển sang tập trung 5 ngành nghề bao gồm bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng, xây dựng, du lịch và quản lý khách sạn, phát triển nguồn nhân lực. Riêng mảng bất động sản nghỉ dưỡng, CEO đặt mục tiêu 3.000 phòng nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao trở lên.
Năm 2018, Tập đoàn CEO đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 370 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, EPS dự phóng đạt 2.400 đồng/cổ phần. Chỉ cần định giá bằng một nửa so với mức trung bình của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, tức P/E ở 10x, cổ phiếu CEO đã có giá là 24.000 đồng/cổ phần.