Triển vọng sáng
Sự mở cửa trở lại của Trung Quốc được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận với nhiều lạc quan, trong đó nhóm xuất khẩu cao su thiên nhiên kỳ vọng sẽ tăng trưởng khả quan.
Công ty Chứng khoán Nông nghiệp (Agiseco) đánh giá, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, với thị phần tiêu thụ hơn 43% toàn cầu. Đây cũng là quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 80% năm 2022. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 8/1/2023 sẽ thúc đẩy nhu cầu cao su phục vụ cho sản xuất săm, lốp. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cao su có thể hưởng lợi và có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2023.
Trung Quốc tăng cường nhập khẩu cao su cho sản xuất sẽ là điều kiện quan trọng để giá cao su tăng trở lại sau chu kỳ giảm giá vừa qua.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện đứng thứ ba toàn cầu về giá trị xuất khẩu cao su, có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, các thị trường triển vọng nhất là Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cao su ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt 2,14 triệu tấn, trị giá 3,31 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng, nhưng chỉ tăng 1,1% về giá trị, bởi giá xuất khẩu bình quân là 1.547 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021.
Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu phục hồi đã thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu cao su. Tuy nhiên, tỷ giá USD tăng, trong khi giá mủ cao su giảm trong những tháng cuối năm 2022, khiến mối tương quan giá thành sản xuất cao su và giá bán mất cân đối.
SSI Research nhận định, Trung Quốc sẽ khôi phục hoạt động sản xuất săm lốp sau khi dần dần nới lỏng giãn cách xã hội, do đó làm tăng nhu cầu về cao su tự nhiên và giá cao su tự nhiên trên thị trường. Tuy nhiên, với xu hướng giảm của giá dầu, giá cao su tự nhiên có thể tăng trong biên độ từ 1 - 5% trong năm 2023.
Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,5 triệu tấn cao su của Việt Nam, trị giá 2,34 tỷ USD, chiếm 79,8% tổng giá trị xuất khẩu cao su.
Trên bình diện toàn cầu, Tập đoàn ISRG của Singapore dự báo, nhu cầu sử dụng cao su trên thế giới sẽ tăng trưởng đều đặn 2,4% mỗi năm trong giai đoạn 2023 - 2031, tăng mạnh so với mức tăng 1,8% của năm 2022.
Theo đó, bối cảnh kinh tế toàn cầu có thể còn nhiều thách thức, nhưng cửa sáng tăng trưởng vẫn mở ra đối với nhóm ngành cao su, đặc biệt khi Trung Quốc mở cửa và nhập khẩu cao su từ Mỹ cũng được kỳ vọng tăng lên trong thời gian tới.
Cổ phiếu được nhà đầu tư quan tâm
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu cao su có diễn biến khả quan trong tháng đầu năm 2023, mức tăng giá từ 4,2 - 15,1%.
Trong nhóm cao su thiên, một số doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR), Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR). Ở nhóm săm lốp cao su, các doanh nghiệp được chú ý là Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC), Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC).
Năm 2022, GVR ước đạt tổng doanh thu hợp nhất 28.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.200 tỷ đồng, lần lượt vượt 1,1% và 6,1% kế hoạch. Riêng công ty mẹ GVR đạt doanh thu 3.629 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng, lần lượt vượt 1,4% và 24% kế hoạch.
Năm 2023, VGR lên kế hoạch đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế bằng mức thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của GVR, ông Đỗ Hữu Huy, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Tập đoàn phải xây dựng kế hoạch, phương án và giải pháp để đạt mức tăng trưởng từ 3 - 5% trở lên so với doanh thu, lợi nhuận năm 2022.
Theo ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc GVR, Tập đoàn sẽ gia tăng diện tích trồng cao su, tăng sản lượng khai thác và tiêu thụ, phát triển ngành chế biến gỗ và công nghiệp cao su để khai thác hiệu quả chuỗi giá trị. Đặc biệt, VRG sẽ đẩy mạnh sản phẩm công nghiệp cao su để hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, cũng như xuất khẩu các sản phẩm như vỏ xe, găng tay y tế…
Tại DPR, năm 2022, doanh nghiệp đạt doanh thu 1.222 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 1.217 tỷ đồng năm 2021, còn lợi nhuận sau thuế đạt 278 tỷ đồng, giảm 41%. Công ty chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Mới đây, DPR được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp nhận thực hiện phát hành 443.025 cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ số cổ phiếu của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú- Đăk Nông, thực hiện sáp nhập doanh nghiệp này theo chủ trương tái cơ cấu các đơn vị thành viên của GVR.
Đối với PHR, doanh thu năm 2022 giảm 12% so với năm 2021, ghi nhận 1.708 tỷ đồng (trong đó, doanh thu bán thành phẩm là 1.457 tỷ đồng, giảm gần 14%), nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 86%, đạt hơn 886 tỷ đồng.
Lãnh đạo PHR cho biết, trong quý IV/2022, Công ty có phát sinh khoản thu nhập từ tiền thu đền bù hỗ trợ thiệt hại thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III của UBND thị xã Tân Uyên và UBND huyện Bắc Tân Uyên khi bàn giao đất để thực hiện dự án với giá trị gần 409 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Khoản tiền đền bù từ VSIP này giúp lợi nhuận quý IV/2022 của PHR tăng đột biến, gấp 2,4 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, DRC ước đạt doanh thu 4.989 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 386 tỷ đồng trong năm 2022, lần lượt tăng 12% và tăng 6% so với năm 2021. Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 10%. Đây là thông tin được ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc DRC chia sẻ trong buổi tiếp đón Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và một số lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến thăm Công ty ngày 31/1/2023.
Quý I/2023, DRC đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, thấp hơn so với mức thực hiện của cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, DRC có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh trong năm 2023. Chẳng hạn, ngày 28/12/2022, doanh nghiệp công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị chấp thuận chủ trương huy động vốn tại các tổ chức tín dụng, quỹ tài chính để thực hiện dự án nâng cao công suất nhà máy sản xuất lốp xe tải radial, vốn vay tối đa là hơn 597 tỷ đồng.
Năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, với 1,5 triệu tấn, trị giá 2,34 tỷ USD, chiếm 79,8% tổng giá trị xuất khẩu cao su. Một số thị trường khác nhập khẩu nhiều cao su Việt Nam là Ấn Độ (6,6%), Campuchia (2,9%), Hàn Quốc (2,5%), Thổ Nhĩ Kỳ (1,9%).
Việt Nam hiện có hơn 938.000 ha cao su, chiếm 7,2% tổng diện tích cao su toàn cầu. Sản lượng thu hoạch mủ cao su trong năm 2022 đạt 1,26 triệu tấn, chiếm 8,7% sản lượng cao su toàn cầu; năng suất bình quân đạt 1.682 kg/ha, cao nhất châu Á.