Giá cước vận tải đang ở mức thấp so với năm 2022 và tương đương giai đoạn trước dịch Covid-19, nên sẽ khó giảm thêm

Giá cước vận tải đang ở mức thấp so với năm 2022 và tương đương giai đoạn trước dịch Covid-19, nên sẽ khó giảm thêm

Cổ phiếu cảng biển: "Nước lên, thuyền lên"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hai tuần qua, nhóm cổ phiếu cảng biển gần như liên tiếp tăng giá, bởi ngành này có dấu hiệu phục hồi, trong khi thị trường chứng khoán có nhịp tăng điểm.

Lợi nhuận quý III phân hóa

Ngành cảng biển sẽ dần hồi phục, đó là nhận định của Công ty Chứng khoán Mirae Asset khi phân tích các yếu tố kinh tế vĩ mô tác động và triển vọng tích cực từ thị trường xuất khẩu mang lại.

Kết quả kinh doanh quý III/2023 của nhóm doanh nghiệp cảng biển cho thấy sự phân hóa, đa số chưa được cải thiện, nhưng trên sàn chứng khoán, cổ phiếu cảng biển có diễn biến tăng giá mạnh kể từ đầu tháng 11 đến nay.

Ngày 16/11, cổ phiếu GMD của Công ty cổ phần Gemadept lập đỉnh lịch sử mới tại mức giá 71.200 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 20% so với cuối tháng 10 và tăng hơn 50% so với đầu năm. Không ít cổ phiếu khác trong ngành như HAH, VSC, MVN, PDV… cũng có sự bứt phá về giá kể từ cuối tháng 10 đến nay.

Kết quả kinh doanh khả quan của Gemadept trong quý III và 9 tháng đầu năm 2023 là động lực cho cổ phiếu thăng hoa. Trong quý III, Công ty ghi nhận doanh thu 998 tỷ đồng, tăng 1%; lợi nhuận trước thuế 397 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận sau thuế 254 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, nhờ biên lợi nhuận gộp của cả mảng cảng và mảng logistics đều cải thiện.

Luỹ kế 9 tháng, Gemadept đạt doanh thu 2.812 tỷ đồng, giảm 1%; lợi nhuận sau thuế 2.107 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ. Đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng lợi nhuận này là khoản lãi 1.844 tỷ đồng từ hoạt động chuyển nhượng toàn bộ 84,66% vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ (vốn điều lệ 400 tỷ đồng) cho nhóm nhà đầu tư, trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship, mã chứng khoán VSC).

Năm 2023, Gemadept đặt mục tiêu đạt doanh thu 3.290 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.136 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.890 tỷ đồng, vượt 154% kế hoạch năm.

Ngày 31/10, Hội đồng quản trị Gemadept đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 999.800 cổ phần, tương đương 99,98% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Nam Hải (100 tỷ đồng). Nếu hoạt động thoái vốn này thành công, Gemadept có thể tiếp tục ghi nhận lợi nhuận đột biến.

Công ty Chứng khoán SSI dự báo, năm 2023, Gemadept có thể đạt 4.164 tỷ đồng doanh thu, tăng 6,3%; lợi nhuận sau thuế 2.834 tỷ đồng, tăng 145% so với năm 2022. Sang năm 2024, Gemadept có thể đạt 1.436 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; nếu không tính khoản lợi nhuận bất thường từ cảng Nam Hải Đình Vũ trong năm 2023, thì lợi nhuận sau thuế cốt lõi ước đạt mức tăng trưởng 17%.

SSI kỳ vọng, trong 3 năm tới, Gemadept sẽ hoàn thành các dự án mở rộng cảng Nam Đình Vũ và Gemalink, nâng công suất thêm 50% vào năm 2026 so với công suất hiện nay, tạo dư địa tăng trưởng cho Công ty.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Xếp dỡ Vận tải biển Hải An (Hải An, mã chứng khoán HAH) vẫn chưa hết khó khăn khi quý III/2023 ghi nhận gần 106 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 52% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ tư liên tiếp, lợi nhuận của Công ty thấp hơn cùng kỳ.

Hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cảng biển kể từ cuối năm ngoái đến nay gặp khó khăn do kinh tế thế giới suy thoái, chi phí gia tăng, nhưng triển vọng đang sáng dần.

Theo Hải An, lợi nhuận giảm là do sản lượng hàng vận chuyển và giá cước giảm, giá cho thuê tàu cũng giảm so với cùng kỳ. Thêm vào đó, chi phí cho đội tàu gia tăng do doanh nghiệp tiếp nhận tàu HA Rose từ tháng 11/2022, dẫn tới lợi nhuận hoạt động khai thác đội tàu (11 chiếc) sụt giảm. Ngoài ra, Hải An ghi nhận khoản lỗ từ Liên doanh Zim Hải An (hoạt động từ tháng 3/2023).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Hải An đạt doanh thu 1.948 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 318 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 63% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Hải An đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.960 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 492 tỷ đồng, nhưng trước tình hình kinh tế khó khăn, cuối tháng 9, Hội đồng quản trị đã thông qua kế hoạch giảm 10% mục tiêu doanh thu, xuống 2.669 tỷ đồng và giảm 19% mục tiêu lợi nhuận, xuống 400 tỷ đồng.

Tại Viconship, doanh thu hợp nhất quý III/2023 tăng 9,8% so với cùng kỳ, đạt 557 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn 50%, xuống 50,1 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do Công ty ghi nhận tăng khoản chi phí lãi vay ngân hàng 57,3 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Viconship đạt doanh thu 1.555 tỷ đồng, tăng 4,5%; lợi nhuận sau thuế 127,2 tỷ đồng, giảm 60,6% so với cùng kỳ. Mục tiêu năm 2023 của doanh nghiệp là đạt 2.250 tỷ đồng doanh thu và 260 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Tính đến 30/9/2023, Viconship có dư nợ 1.573,3 tỷ đồng, tăng 664,9 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 30% tổng tài sản. Trong đó, dư nợ vay dài hạn 1.418,5 tỷ đồng, tăng 103%; dư nợ vay ngắn hạn 154,8 tỷ đồng, giảm 26%. Các khoản vay bắt đầu phát sinh từ quý IV/2022, nhằm phục vụ cho hoạt động đầu tư.

Viconship đã đầu tư hơn 1.048 tỷ đồng vào cảng Nam Hải Đình Vũ, nắm giữ tỷ lệ 35%. Hai công ty con là Công ty TNHH MTV Trung tâm Logistic Xanh và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cảng Xanh có hoạt động đầu tư dự án Khách sạn Hyatt Palace Hải Phòng.

Kỳ vọng khởi sắc kể từ quý IV

Những tín hiệu tích cực về giá và thanh khoản nhóm cổ phiếu cảng biển gần đây cho thấy, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào sự khởi sắc của ngành này thời gian tới.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, có nhiều yếu tố đang hỗ trợ giá cước vận tải và giá cước thuê tàu có thể phục hồi kể từ cuối năm 2023. Hiện tại, giá cước vận tải ở mức thấp so với giai đoạn 2021 - 2022 và tương đương giai đoạn trước dịch Covid-19, nên sẽ khó giảm thêm. Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu tăng, khi kinh tế dần hồi phục, lạm phát hạ nhiệt. Bên cạnh đó, nguồn cung tàu nhiều khả năng sẽ không tăng thêm. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sẽ giúp một số ngành hưởng lợi, bao gồm cảng biển.

Nhà đầu tư Hoàng Thái cho biết, ông đã mua vào một số cổ phiếu cảng biển khi thị trường chứng khoán có nhịp điều chỉnh trong tháng 10 và mua thêm vào đầu tháng 11 khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.

“Cuối năm, ngành cảng biển thường có sức bật tốt, nhờ hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu nhộn nhịp hơn. Triển vọng ngành sáng dần nên tôi vẫn đang nắm giữ cổ phiếu cảng biển”, ông Thái nói và cho rằng, hiện tại, hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp tại các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh, trong khi nhu cầu nhập khẩu phục vụ mùa lễ, tết cuối năm dự kiến tăng cao sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, kéo theo nhóm doanh nghiệp cảng biển có nhiều việc làm.

Tin bài liên quan