Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/12

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/12 của các công ty chứng khoán.

VTO: Triển vọng kinh doanh tiếp tục được cải thiện

CTCK MB (MBS)

VTO công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 1163 tỷ VNĐ, giảm 3.8% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt mức 40 tỷ VNĐ, tăng 70% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty có sự suy giảm nhẹ là do Công ty đã thay đổi phương thức khai thác tàu bằng cách chuyển toàn bộ đội tàu sang hình thức cho thuê định hạn. Lợi nhuận của Công ty gia tăng đáng kể so với cùng kỳ do chi phí tài chính giảm mạnh. Cụ thể chi phí lãi vay 9 tháng đầu năm 2014 đạt mức 43.8 tỷ, giảm 23.1% so với cùng kỳ.

Hội đồng Quản trị Công ty đã thống nhất thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức năm 2014 là 300 VNĐ/cp. Thời gian chi trả dự kiến trong tháng 1/2015. Bên cạnh đó, HĐQT Công ty đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch 2014 với doanh thu tăng 10% và lợi nhuận trước thuế tăng 17% so với kế hoạch cũ.

Hiện tại chỉ số BDI đang dao động quanh mức 1000 điểm, tăng đáng kể so với đầu năm do đó giá cho thuê tàu biển của VTO nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh tăng. Chúng tôi đánh giá triển vọng kinh doanh của VTO sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.

REE: PE khá hấp dẫn, ở mức 8,1x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Cơ điện lạnh (REE) mới phát hành thêm 3,4 triệu cổ phiếu để chuyển đổi 75.218 trái phiếu với giá chuyển đổi 22.000 đồng/cp. Đây là một phần trái phiếu phát hành từ tháng 12/2012 với thời hạn 3 năm và lãi suất 6%/năm.

Sau 2 lần chuyển đổi, số trái phiếu còn lại là 63.682, có thể chuyển đổi thành 2,9 triệu cổ phiếu với giá chuyển đổi 22.000 đồng/cp. Sau 2 lần chuyển đổi trái phiếu (tháng 11/2013 và tháng 11/2014), dư nợ vay dài hạn của REE đã giảm 494 tỷ, chỉ còn 63,7 tỷ.

Kết quả kinh doanh quý III/2014 ghi nhận tăng trưởng tốt với doanh thu tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 654,4 tỷ và lợi nhuận sau thuế tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 243,5 tỷ nhờ hoạt động ổn định ở các mảng hoạt động chính và bắt đầu hợp nhất K kết quả kinh doanh của CTCP Thuỷ điện Thác Bà (TBC) sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 58,1% hồi cuối tháng 5/2014. Nếu loại trừ việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Thuỷ điện Thác Bà, doanh thu của REE tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế tăng 13,7%, trong đó các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh chính gồm M&E, thiết bị điện lạnh và cho thuê văn phòng vẫn duy trì ổn định.

Luỹ kế 9 tháng 2014, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.825 tỷ, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 681 tỷ, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là lợi nhuận hoạt động tăng trưởng cao 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 440,4 tỷ. Trong đó, ngoài đóng góp từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Thuỷ điện Thác Bà từ quý III/2014, mảng M&E đạt tăng trưởng lợi nhuận 62,3% so với cùng kỳ năm ngoái với tỷ suất sinh lời cải thiện đáng kể từ 11,1% trong 9 tháng năm 2013 lên 16,7% trong 9T2014.

Lợi nhuận từ hoạt động cho thuê văn phòng tăng nhẹ 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái; đây là mảng hoạt động có tỷ suất sinh lời cao nhất (hơn 60%) và đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận hoạt động của REE (hơn 40%). Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế 9T2014 lại giảm do ghi nhận lỗ 10,2 tỷ từ công ty liên kết so với số lãi 382,5 tỷ ghi nhận trong cùng kỳ năm trước.

Về các khoản đầu tư, hiện REE đang đầu tư vào 15 công ty liên kết với giá trị ghi sổ 2.689,5 tỷ, tập trung vào một số ngành gồm điện, nước, than, BĐS và cơ điện. Trong đó, khoản đầu tư nổi bật là 22,4% cổ phần CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Năm 2013 REE ghi nhận lợi nhuận lên tới 465 tỷ từ các công ty liên kết, trong đó đóng góp chủ yếu là từ PPC.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, REE ghi nhận lỗ 10,2 tỷ từ công ty liên kết là do kết quả kinh doanh của PPC thấp hơn cùng kỳ khiến phần phân bổ lợi nhuận theo tỷ lệ sở hữu giảm, đồng thời phần cổ tức nhận được từ các công ty liên kết lại tăng đáng kể so với cùng kỳ. Sang quý 4 này, chúng tôi cho rằng phần lợi nhuận từ công ty liên kết sẽ cải thiện với kỳ vọng PPC ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tốt nhờ hưởng lợi do đồng Yên tiếp tục giảm, đồng thời phần điều chỉnh cổ tức nhận được không đáng kể vì đa số các công ty liên kết đã trả hết cổ tức trong quý 2 và quý 3.

Với dự báo (1) hoạt động sản xuất kinh doanh chính dự báo tăng trưởng nhẹ 7% trong quý 4; (2) đóng góp từ việc hợp nhất TBC; (3) lợi nhuận từ công ty liên kết ước đạt 126 tỷ, chúng tôi ước tính doanh thu hợp nhất 2014 đạt 2.655 tỷ, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 905 tỷ, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS 2014 ước tính đạt 3.497 đồng/cp. Ở mức giá 28.500 đồng/cp, định giá theo P/E của REE khá hấp dẫn ở mức 8,1x.

Giá đường ngừng giảm trong năm sau

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Tiêu thụ đường trong nước đã được cải thiện đáng kể, ước tăng 13% so với năm 2013 và đạt khoảng 1,2 triệu tấn; xuất khẩu khoảng hơn 200 nghìn tấn. Tuy nhiên với con số 1,58 triệu tấn đường sản xuất được trong niên vụ 2013/2014 thì tồn kho đường vẫn tiếp tục tăng. Đến giữa tháng 11/2014, tồn kho đường gần 150.200 tấn, tăng 45% n/n.

Bên cạnh đó, xuất khẩu đường hiện không còn thuận lợi như những tháng đầu năm. Lượng đường xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm tăng khoảng 55% so với cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên đã chững lại trong quý III/2014. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính nhưng thị trường này đang bị kiểm soát chặt chẽ, một số doanh nghiệp thương mại hiện đang buộc phải bán với giá thấp để giảm chi phí lưu kho. Mặc dù đường chưa phải là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của nước ta nhưng trong bối cảnh bất cân đối về cung cầu, xuất khẩu ngày càng trở thành một đầu ra quan trọng cho ngành.

Giá đường trong nước tiếp tục sụt giảm. Hiện giá bán buôn đường RS ở mức 12.900-13.000 đồng/kg, giá đường RE ở mức 13.500 - 13.600 đồng/kg. Theo dự báo của Hiệp hội mía đường Việt Nam, diện tích mía nội địa ước giảm khoảng 3%, sản lượng đường ước tính đạt khoảng 1,55 triệu tấn trong niên vụ 2014/2015. Điều này có khả năng hỗ trợ giá đường ngừng giảm trong năm sau.

Tin bài liên quan