TV1, TV2, TV3 và TV4: Có thể chọn mua nếu đặt tiêu chí cổ tức lên hàng đầu
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Các công ty tư vấn xây dựng điện niêm yết trên thị trường chứng khoán gồm TV1, TV2, TV3 và TV4 là bốn doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tư vấn xây dựng của ngành điện. Trong số đó, TV1 là doanh nghiệp lớn nhất về quy mô và năng lực, có uy tín và kinh nghiệm trong cả mảng nhiệt điện, thuỷ điện và lưới điện, các công ty còn lại có quy mô nhỏ hơn khá nhiều và có thế mạnh trong một số mảng nhất định như TV2 mạnh về tư vấn nhiệt điện tua bin khí, TV4 mạnh về tư vấn thuỷ điện và lưới điện.
Về triển vọng phát triển dài hạn, theo quy hoạch ngành điện đến năm 2025, nhu cầu đầu tư trong dài hạn rất lớn với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 929 nghìn tỷ, trong đó 619 tỷ cho nguồn điện và 210 tỷ cho lưới điện. Ước tính trong giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm cần bổ sung 4.100MW công suất điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Tuy nhiên, thực tế triển khai còn gặp một số khó khăn mà theo chúng tôi sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển dài hạn cũng như kết quả kinh doanh của các công ty tư vấn xây dựng điện: (1) năng lực tài chính của Tập đoàn Điện lực hạn chế so với nhu cầu đầu tư, do đó thiếu vốn để thực hiện các dự án theo quy hoạch ngành và dẫn đến chậm tiến độ, chậm thanh toán; (2) xu hướng giảm đầu tư xây dựng thuỷ điện, tăng tỷ trọng công suất từ nhiệt điện. Trong vài năm trở lại đây nhiều dự án thuỷ điện đã bị thu hồi giấy phép đầu tư và bị loại khỏi quy hoạch do các lo ngại về môi trường.
Ngoài ra, sau cổ phần hoá, cơ chế chỉ định thầu không còn được áp dụng rộng rãi như trước mà các công ty tham gia đấu thầu cạnh tranh với các công ty trong nước và không ít các công ty tư vấn nước ngoài trong hầu hết các dự án.
Với xu hướng chuyển sang phát triển nhiệt điện, các công ty có thế mạnh ở mảng tư vấn nhiệt điện như TV1, TV2 sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn. Một số rủi ro đầu tư đối với nhóm cổ phiếu này gồm: (1) rủi ro chậm thanh toán từ chủ đầu tư do tình trạng thiếu vốn, chưa sắp xếp được nguồn vốn để thực hiện dự án; khoản phải thu khách hàng bình quân chiếm khoảng 32% tổng tài sản của các công ty này; (2) thanh khoản của cổ phiếu thấp với khối lượng giao dịch bình quân chỉ từ 1000-3000 cổ phiếu/ngày.
Đối với nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu trả cổ tức tiền mặt cao, nhóm cổ phiếu này là lựa chọn phù hợp, nhất là TV1, TV2, TV3. Ba công ty đều trả cổ tức tiền mặt ổn định với mức lợi suất cổ tức hơn 9%. Trong số bốn công ty này, chúng tôi nhận thấy TV1 là cổ phiếu nổi trội với (1) năng lực, kinh nghiệm và uy tín nhất ngành; (2) nhà máy thuỷ điện Sông Bung 5 đi vào hoạt động ổn định sẽ đóng góp đáng kể vào KQKD của công ty, bù đắp rủi ro sụt giảm trong hoạt động tư vấn thiết kế; (3) hiệu quả hoạt động tốt với tỷ lệ lợi nhuận gộp và lợi nhuận hoạt động cao hơn so với các công ty cùng ngành; (4) định giá theo chỉ số P/E tuy không thấp như TV2, TV3 nhưng ở mức hợp lý so với kỳ vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất hiện nay đối với TV1 là tỷ lệ đòn bẩy cao do vay nợ để đầu tư Nhà máy Thuỷ điện Sông Bung 5 và việc quản lý dòng tiền để trả lãi và gốc vay và tài trợ vốn lưu động.
OGC: Khuyến nghị mua vào
CTCK MaritimeBank (MSBS)
Là Doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn trong lĩnh vực bất động sản và tài chính, OGC hiện có các công ty thành viên hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, bất động sản, khách sạn, dịch vụ, bán lẻ. Năm 2013, OGC xếp thứ 35/500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, theo bảng xếp hạng Fast500.
Năm 2013, doanh thu thuần đạt 2.623 tỷ đồng, tăng 89% so với năm 2012, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lại giảm 34%, chỉ đạt 55 tỷ đồng, do các khoản chi phí tăng cao. Trong đó, lĩnh vực bất động sản là nguồn thu chính của công ty khi đóng góp 31% doanh thu cả năm, lĩnh vực sản xuất, thương mại cũng chiếm 27% doanh thu.
6 tháng đầu năm 2014, OGC đạt 1.380 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 37 tỷ đồng, tăng 83% và 37% so với cùng kỳ 2013. Đáng chú ý là OGC đã thanh toán được 700 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn phải trả trong nửa đầu năm 2014. Giúp khoản vay và nợ ngắn hạn của OGC giảm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm.
Năm 2014, Ocean Group đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 4.280 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 251 tỷ đồng, tương ứng tăng 26% và 14% so với kết quả đạt được của năm ngoái.
Khối lượng cổ phiếu giao dịch lớn, trung bình trong 21 phiên gần đây là 2.791.936 cổ phiếu/ngày.
Là cổ phiếu dòng blue chips thích hợp phương pháp đầu tư giá trị và đầu cơ ngắn hạn.
Tạo nền tảng “mặt phẳng” với hơn 2 tuần giao dịch đi ngang phản ánh xu hướng tăng điểm mạnh trong ngắn hạn.
Các tín hiệu MA 20 và MA50 đang cho tín hiệu mua vào.
Vùng giá tích lũy mốc 11.500 – 12.000 VND/CP khá mạnh với khối lượng giao dịch lớn
Phân tích sóng Elliot, cùng với phiên break out mẫu mực hôm nay (03/09) đã xác nhận xu hướng tăng điểm mạnh trong ngắn hạn.
Các tín hiệu MACD, Ichimoku, PSAR đang cho tín hiệu tăng điểm trong ngắn hạn.
>> Tải báo cáo
VPH: Khuyến nghị tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC)
BVSC có đánh giá lạc quan hơn về tình hình hoạt động trong nửa sau năm 2014 của VPH. Kết quả kinh doanh của năm 2014 dự báo sẽ đạt khoảng 7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế mặc dù 6 tháng đầu năm lỗ 10 tỷ đồng. Đối với việc tái cấu trúc tài sản, chúng tôi cho rằng hoạt động này đang có những tín hiệu tốt hơn so với năm 2013. Công ty đã thương lượng bán được một số khu đất với giá trị gần 100 tỷ đồng tính đến hiện tại.
Thêm vào đó, dự án Nhơn Đức nhiều khả năng sẽ nhận được quy hoạch 1/2000 trong quý 3/2014 làm cơ sở cho những bước tiếp theo trong việc chuyển nhượng dự án này. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rủi ro mà VPH đang đối mặt là khả năng thanh toán các khoản nợ vay dài hạn đang ở mức thấp, và phụ thuộc rất nhiều vào việc chuyển nhượng dự án.
Trên quan điểm xem xét thận trọng, chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu VPH trong ngắn hạn. Quan điểm này đưa ra trên cơ sở dù rủi ro trong trung hạn vẫn còn tiềm ẩn nhưng ngắn hạn hoạt động kinh doanh và tài chính của VPH đã cải thiện dần trở lại.
Theo kết quả định giá của BVSC, giá trị thị trường cổ phiếu VPH tại ngày 3/9/2014 đang có mức chiết khấu khá hấp dẫn khoảng 50% so với giá trị hợp lý 13,200 đồng/cp. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tích lũy dần cổ phiếu VPH với thời gian nắm giữ từ 3 – 6 tháng và mục tiêu khoảng 10.000 – 12.000 đồng/cp.
BVSC ước tính doanh thu của VPH trong năm 2014 ước khoảng 472 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 7 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013. Kết quả kinh doanh trong 6 tháng cuối năm kỳ vọng tốt hơn do ghi nhận doanh thu từ đất nền Lacasa. BVSC lưu ý dự báo này chưa tính đến việc chuyển nhượng khối 5 dự án Lacasa cho An Gia với lợi nhuận gộp ước tính 25 – 27 tỷ.
Định giá VPH bằng phương áp NAV và P/B cho thấy giá trị hợp lý của VPH là 13.200 đồng/cp. Kết quả này cao hơn giá thị trường là 50%. VPH có quỹ đất sạch khoản 53ha, trong đó, chủ yếu là dự án Nhơn Đức 40ha và các khu đất có quy mô từ 2 – 4ha tập trung ở quận 9, 2 và quận 7. Các khu đất đều đã được đền bù với tỷ lệ cao và giá vốn thấp. (Ghi chú: Báo cáo đầy đủ hơn sẽ được phát hành riêng sau đó).
PPC: Khuyến nghị mua vào
CTCK BIDV (BSC)
Tính đến 30/6/2014, sản lượng điện sản xuất của PPC là 3603 triệu kWhm, đạt 65% kế hoạch sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2014, PPC đạt 4.276,58 tỷ đồng doanh thu và 173,67 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Trong khi doanh thu tăng 17% thì lợi nhuận ròng lại giảm đến 87% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do giá vốn hàng bán cụ thể là giá than tăng mạnh hơn giá bán điện cho EVN. Hơn nữa, 6 tháng đầu năm 2014, do tỷ giá VND/JPY tăng từ 199,64 tại thời điểm 31/12/2013 lên 209,46 tại thời điểm 30/06/2014 nên PPC đã ghi nhận 255 tỷ lỗ tỷ giá hối đoái chưa thực hiện cho khoản nợ vay dài hạn của EVN. Tuy nhiên, doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 được ghi nhận với giá điện tạm tính theo giá điện của năm 2013.
Dự báo kết quả kinh doanh năm 2014:
• Chúng tôi dự báo lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính sẽ rất thấp do các nguyên nhân sau: (1) Giá bán điện dây chuyền 1 theo công văn 11747/BCT-ĐTĐL ngày 12/12/2013 của Cục điều tiết điện lực, thì lợi nhuận định mức sẽ bị giảm hơn so với năm 2013 (vì vốn chủ để tính lợi nhuận định mức trong giá bán điện sẽ thu hồi dần qua khấu hao). (2) Giá bán điện Dây chuyền 2 đàm phán cho cả phần đời còn lại của dự án (18 năm), những năm 2014-2015 vẫn còn khấu hao.
• Tuy nhiên, với xu hướng được dự báo là giảm dần của tỷ giá VND/JPY, doanh nghiệp kỳ vọng ghi nhận lãi tỷ giá từ quý III/2014. Tại thời điểm ngày 4/9/2014, tỷ giá VND/JPY là 201,19, thấp hơn 8,27 đồng so với thời điểm ngày 30/6/2014.
Số dự nợ vay của Hợp đồng vay dài hạn của EVN đến thời điểm 30/6/2014 là 25.99 tỷ JPY. Đến ngày 20/9/2014, công ty sẽ tiếp tục trả 1.12 tỷ JPY nợ gốc theo kỳ. Với tỷ giá tại thời điểm ngày 04/092014, chúng tôi ước tính doanh nghiệp sẽ ghi nhận khoảng hơn 200 tỷ lãi tỷ giá hối đoái chưa thực hiện vào doanh thu hoạt động tài chính quý III/2014.
Cố phiếu PPC hiện đang được giao dịch với 23.100 đồng/ cổ phiếu, tương đương PE là 14,59.
Phân tích kỹ thuật cổ phiếu PPC: Xác nhận dấu hiệu đột biến của PPC từ một nền tảng giá tích lũy 25 phiên, biên độ giá 4 %, khối lượng tăng 1,44 lần so với phiên trước đó, giá tăng 5%. Khuyến nghị MUA, thời gian nắm giữ ít nhất 5 tuần trước khi ra quyết định mới. Giá kỳ vọng 27.7, cắt lỗ 21.3