Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/9

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/9

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/9 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu GAS với giá mục tiêu 109.400 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Giá dầu năm 2021 duy trì quanh mức 70 USD/thùng giúp cải thiện lợi nhuận của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS – sàn HOSE).

Bên cạnh đó, Mỏ khí Sư Tử Trắng giai đoạn 2A đi vào khai thác từ tháng 6/2021, bổ sung khoảng 500 triệu m3 khí vào sản lượng của GAS hàng năm.

Ngoài ra, mảng LNG là động lực tăng trưởng dài hạn, giúp cổ phiếu GAS được đánh giá lại.

BSC dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ năm 2021 của GAS lần lượt đạt 74.989 tỷ đồng (tăng 17% so với năm trước) và 9.682 tỷ đồng (tăng trưởng 23%), EPS FW = 5.059 đồng/CP với giả định (1) mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt bổ sung 1,5 tỷ m3 khí/năm (tăng 16% sản lượng), (2) mỏ Sư Tử Trắng GĐ 2A sản lượng đạt 200 triệu m3 khí, và (3) giá dầu trung bình năm 2021 đạt mức 68 USD/thùng (tăng trưởng 36%).

BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của GAS năm 2022 lần lượt đạt 87.312 tỷ đồng (tăng 16% so với năm trước) và 11.635 tỷ đồng (tăng trưởng 20%), EPS FW = 6.079 đồng/CP với giả định (1) Giá dầu trung bình năm 2022 đạt 72 USD/thùng (tăng trưởng 7%); (2) Mỏ Sư Tử Trắng GĐ 2A sản lượng đạt 500 triệu m3 khí; và (3) mảng LPG duy trì sản lượng 2,1 triệu tấn.

Chúng tôi tiếp tục giữ khuyến nghị mua với giá mục tiêu năm 2022 là 109.400 đồng/CP (+21% so với giá đóng cửa ngày 06/09/2021), tương đương với mức mức P/E mục tiêu 18x.

Khuyến nghị chốt lãi khi cổ phiếu HVN tiếp cận ngưỡng 25.0

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP đang hình thành xu hướng hồi phục từ ngưỡng đáy 20.5. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá cổ phiếu.

Đồng thời, đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20, MA50 và dải mây Ichimoku; báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 22.1, chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 25.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 20.5.

Khuyến nghị mua cổ phiếu TPB với giá mục tiêu 42.100 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong với giá mục tiêu 42.100 đồng/CP dựa theo phương pháp kết hợp RI và P/B, và nhận định tích cực về mã cổ phiếu TPB. Mức giá mục tiêu được dự phóng dựa trên chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu là 16,7% và tốc độ tăng trưởng là 5%.

Tình hình hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 có sự tăng trưởng mạnh. Lợi nhuận trước thuế quý 2 năm 2021 đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.000 tỷ đồng (tăng 47,8% so với cùng kỳ năm ngoái), đạt 52% trong kế hoạch năm 2021 do TPB đề ra.

Trong đó, thu nhập lãi thuần của 6 tháng đầu năm 2021 tăng 20% so với 6 tháng đầu năm 2020, chủ yếu nhờ có sự tăng trưởng trong thu nhập lãi cho vay khách hàng, tuy nhiên khoản thu nhập lãi từ tiền gửi có sự sụt giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2020.

NIM quý 2/2021 của TPBank tăng lên mức 4,4%, chủ yếu do chi phí huy động thấp ở mức 3,8%, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay của ngân hàng. Các mảng kinh doanh ngoài lãi cũng tăng trưởng mạnh mẽ. OPEX tiếp tục được tối ưu hóa và CIR được khống chế ở mức 36%.

Chất lượng tài sản cải thiện mạnh mẽ. Cụ thể, nợ xấu (NPL) từ Nhóm 3-5 giảm từ 1,19% xuống 1,15%. Nợ nhóm 2 giảm mạnh 10,7% so với quý I, còn 1.938 tỷ đồng. TPB tích cực xóa 400,5 tỷ nợ xấu trong kỳ, nâng tổng mức xóa nợ xấu 6 tháng đầu năm lên 710,1 tỷ. Chi phí dự phòng quý 2/2021 tăng 38.6% so với cùng kỳ lên 612,2 tỷ, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR lên mức cao mới 144.8%, so với mức 134% của quý 1. Bên cạnh đó, TPB còn cắt giảm tỷ trọng các phân khúc có rủi ro cao như vay mua ô tô và thẻ tín dụng nhằm hạn chế các khả năng hình thành nợ xấu.

Cuối quý II/2021, nợ tái cơ cấu tiếp tục giảm 27% so với quý trước xuống 1.200 tỷ đồng tương ứng với 0,95% dư nợ. Nợ tái cấu trúc giảm ở tất cả các nhóm khách hàng: so với quý 1 đầu năm, nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn giảm 10%, nhóm khách hàng SME giảm nhẹ 2% và nhóm khách hàng cá nhân có sự sụt giảm đáng kể ở mức 75%.

Đồng thời, TPB hiện đang là một trong các ngân hàng có hiệu quả sử dụng vốn cao nhất hệ thống. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của ngân hàng đạt 2%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 24,7%.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu DHG

CTCK Phú Hưng (PHS)

Mặc dù tăng trưởng dài hạn nhờ hợp tác chiến lược với Taisho Pharmaceuticals và Dư địa tăng trưởng của ngành Dược còn khá lớn, nhưng do thực hiện “3 tại chỗ” và nhu cầu tiêu thụ thuốc kênh ETC sụt giảm, chúng tôi điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2021 của CTCP Dược Hậu Giang (DHG – sàn HOSE).

Cụ thể, doanh thu năm 2021 của DHG dự kiến đạt khoảng 3.861 tỷ đồng (tăng 2,8% so với năm trước), trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 746 tỷ đồng (tăng 1,1%).

Do lãi suất phi rủi ro giảm, chúng tôi hạ WACC từ 9.2% trong báo cáo trước còn 8,7%, bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, chúng tôi nâng mức giá hợp lý cho cổ phiếu DHG lên 105.600 đồng/cổ phiếu (-5.2% so với giá hiện tại). Do đó đưa ra khuyến nghị giữ cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Kênh dược phẩm thương mại OTC có triển vọng không tích cực trong dài hạn; (2) Rủi ro nguồn nguyên liệu; (3) Rủi ro cạnh tranh.

Tin bài liên quan