DGC sẽ tích lũy trong vùng 25.5-28
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC – sàn HNX) vẫn đang ở trong trạng thái tích lũy tại khu vực 25.5-28, cũng là vùng giá mà cổ phiếu này ở lại lâu nhất trong lịch sử. Phiên hôm nay 7/11, thanh khoản tăng so với các phiên trước đó đã đẩy giá cổ phiếu tăng hơn 5%.
Đường MACD vẫn đang duy trì trên đường tín hiệu cho thấy DGC trong ngắn hạn ít có khả năng giảm xuống dưới nền giá 25.5, ngưỡng hỗ trợ mạnh của cổ phiếu này. Tuy nhiên, đường EMA12 vẫn nằm dưới đường EMA26 nên chưa thể xóa đi sự hoài nghi về khả năng DGC có thể vượt lên trên mức cản 28.
Bên cạnh đó, việc chỉ báo động lượng RSI vượt mạnh lên trên giá trị 50 một cách đột ngột không nói lên rằng đợt tăng giá này là bền vững.
Dự kiến DGC sẽ tiếp tục tích lũy trong vùng 25.5-28 trong thời gian tới.
Khuyến nghị mua dành cho HPG với giá mục tiêu 31.200 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) cho biết, cung cấp cho thị trường trong 10 tháng đạt hơn 2,18 triệu tấn thép xây dựng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, sản lượng bán hàng của khu vực miền Nam tăng mạnh nhất, đạt 328.100 tấn, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt thép cuộn nguyên liệu cho rút dây tăng đột biến gấp 4 lần so với cùng kỳ. Khu vực miền Trung đạt 329.800 tấn, tăng gần 50%. Sản lượng bán hàng tại khu vực miền Bắc tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu bán hàng, đạt 1,52 triệu tấn, giảm 2%. Từ đầu năm đến nay, tổng lượng xuất khẩu thép quốc tế đạt 205.800 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ, chiếm 9,3% tổng sản lượng bán hàng.
Về sản lượng, trong quý III/2019, sản lượng bán hàng đạt 621.000 tấn (tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 4% so với quý 2/2019), và trong 9 tháng đầu năm 2019 tổng sản lượng đạt 1.966.000 tấn (tăng trưởng 16,1%).
Quý III/2019, HPG đạt 15.350 tỷ đồng doanh thu (tăng 6,6%) và 1.794 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 25%). Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 45.861 tỷ (tăng 9%) và lợi nhuận sau thuế đạt 5.654 tỷ (giảm 17%). Thị phần của HPG vẫn duy trì ở vị trí số 1, với thị phần 2019 ở mức trung bình 25% (so với 2018 ở mức 23,8%).
Tiềm năng tăng trưởng dài hạn của các dự án mới, đặc biệt là dự án Khu liên hợp thép Dung Quất, sẽ nâng cao đáng kể năng lực sản xuất và doanh thu của công ty - gấp đôi công suất của thép dài và sản phẩm HRC mới giúp HPG tấn công vào thị trường tôn mạ.
Năm 2019, HPG tập trung vào mục tiêu thị phần thay vì tỷ suất lợi nhuận, tăng trưởng về sản lượng bán hàng và thị phần sẽ mở rộng đáng kể - thị phần sẽ tăng từ 23% hiện tại lên hơn 30%. Vì vậy triển vọng dài hạn của HPG là rất tích cực, do ngành thép Việt Nam còn nhiều tiềm năng.
Theo dự báo của HPG, sản lượng tiêu thụ năm 2019 sẽ đạt 2.700.000 tấn (tăng 14% so với năm ngoái), đây cũng là mức hợp lý và tương đối thận trọng, do 3 quý đầu tiên sản lượng đã đạt gần 2 triệu tấn (~600 - 700 nghìn tấn /quý) và quý cuối năm có thêm một phần đóng góp từ lò cao của Dung Quất. Mức này giảm so với kế hoạch tại đầu năm của HPG ở mức 3 triệu tấn thép trong năm 2019.
Dự án Dung Quất đặt kế hoạch chạy thử lò cao số 2 trong tháng 11/2019, đến cuối Q1 2020 cung cấp sản phẩn thép dẹt cán nóng (HRC) ra thị trường.
Vì vậy, chúng tôi duy trì khuyến nghị mua với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 12 tháng là 31.200 đồng/cổ phiếu bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, với WACC là 14,6%.
Khuyến nghị khả quan cho ACV với giá mục tiêu 90.100 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố sẽ chi trả cổ tức tiền mặt cho năm 2018 ở mức 900 đồng/cổ phiếu. Ngày chốt danh sách là ngày 18/11/2019 và ngày thanh toán là ngày 18/12/2019.
Mức chi trả cổ tức tiền mặt này phù hợp với giả định của chúng tôi cũng như kế hoạch đã được phê duyệt của cổ đông ACV tại ĐHCĐ năm 2019. Trong năm 2019, cổ đông cũng thông qua mức chi trả cổ tức tiền mặt là 900 đồng/cổ phiếu; tuy nhiên, chưa có thời gian thanh toán cụ thể.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho ACV với giá mục tiêu 90.100 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng đạt 13,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,1%.
Khuyến nghị mua dành cho PNJ
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) khi tăng giá mục tiêu 6% trong báo cáo này. Giá mục tiêu của chúng tôi tăng nhẹ chủ yếu nhờ việc gia hạn định giá của chúng tôi từ giữa năm 2020 đến cuối năm 2020, một phần bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh giảm 1%/3%/6% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong năm 2020F/2021F/2022F.
Mức điều chỉnh lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đã đề cập đến từ (1) giả định mới của chúng tôi về việc doanh thu/cửa hàng vàng mới sẽ giảm 10%/năm khi PNJ lên kế hoạch thâm nhập sâu vào các tỉnh thành ngoài TP. HCM và (2) mức điều chỉnh giảm 35%-62% cho doanh số đồng hồ bán ra trong giai đoạn 2020F-2022F khi tốc độ triển khai các cửa hàng của PNJ, chủ yếu là các cửa hàng độc lập và cửa hàng trong trung tâm thương mại, thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi.
Dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019 của chúng tôi được giữ nguyên và tương ứng với mức tăng 37% trong quý 4/2019 nhờ vào tăng trưởng doanh số mảng bán lẻ (trang sức và đồng hồ) dự phóng đạt 26% và tăng trưởng biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ trang sức so với cùng kỳ năm trước.
Chúng tôi cho rằng PER năm 2019F của PNJ ở mức 17,3 lần (dựa theo dự báo của chúng tôi) là hấp dẫn so với triển vọng lợi nhuận tươi sáng của công ty. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép EPS đạt 19% trong giai đoạn 2019F-2022F, dẫn dắt bởi tăng trưởng doanh số từ cửa hàng hiện hữu (SSSG) đạt 10%-13% trong giai đoạn 2020F-2022F và 40 cửa hàng vàng mới/năm.
Khả năng điều chỉnh tăng dự báo của chúng tôi có thể đến từ khoản chi phí hoạt động tiết kiệm được nhờ hệ thống ERP mới.
Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng, tốc độ tăng trưởng hàng tiêu dùng không thiết yếu chững lại.