Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/8 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 43.600 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý II/2022, thu nhập lãi thuần Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB – sàn HOSE) đạt 10.466 tỷ đồng (tăng 5,8% so với quý trước, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái); Thu nhập ngoài lãi đạt 2.821 tỷ đồng (giảm 66,3% so với quý trước, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái).

Chi phí trích lập dự phòng lên mức cao nhất, đạt 5.586 tỷ đồng (tăng 35,2% so với quý trước, tăng33% so với cùng kỳ năm ngoái) khiến nhuận trước thuế quý II/2022 đạt 4.177 tỷ đồng (giảm 62,5% so với quý trước, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 15.323 tỷ đồng, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng quý II/2022 tiếp tục được đẩy mạnh tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và 13,6% so với đầu năm. Hoạt động tín dụng của VPB tiếp tục tập trung vào khối Bán lẻ & SME với tỷ trọng nhóm này đạt 61,1% trên tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng mẹ trong quý II/2022, tăng 4,2% điểm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ nợ xấu quý II/2022 đạt 5,25%, tăng 42bps so với quý trước, chủ yếu tăng ở nợ nhóm 5 (tăng 74bps so với quý trước). Trong kỳ, VPB trích lập dự phòng 5,586 tỷ đồng (tăng 35,2% so với quý trước, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái); Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của 62%, giảm 162bps so với quý trước.

Tiến độ phát hành riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu tương đương 15% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài bị chậm hơn dự kiến do các diễn biến tiêu cực trong nước cũng như quốc tế. VPB vẫn kì vọng có thể hoàn thành thương vụ này trong năm 2022.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB. Giá mục tiêu là 43.600 đồng/CP, cao hơn 48,3% so với giá tại ngày 4/8/2022.

Khuyến nghị khả quan cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 44.400 đồng/CP

CTCK VNDirect (VND)

Bên cạnh đó, CTCK VNDirect nâng điều chỉnh EPS giai đoạn 2022-2024 để phản ánh khoản phí độc quyền 5.500 tỷ đồng được ghi nhận trong quý I/2022. Tuy nhiên, chúng tôi giảm P/B mục tiêu về 2,0 từ mức 2,2 trước đó nhằm phản ánh bối cảnh tín dụng bị thắt chặt. Rủi ro giảm bao gồm lạm phát và nợ xấu cao hơn dự kiến. Tiềm năng tăng giá là khả năng phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược.

Duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 44.400 đồng/CP do chúng tôi điều chỉnh giảm P/B mục tiêu.

Khuyến nghị xuống trung lập đối với STK với giá mục tiêu 52.800 đồng/CP

CTCK VNDirect (VND)

Lạm phát gia tăng và tình trạng thắt chặt tài chính đã phủ bóng đen lên nền kinh tế Mỹ và châu Âu, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu thế giới kể từ quý II/2022. Chúng tôi cho rằng nhu cầu về các loại quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế (có mức giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa sau năm 2022. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 8,5%/4,3% dự phóng doanh thu của CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK) năm 2022-2023 nhằm phản ánh nhu cầu sụt giảm trong thời gian tới.

Chúng tôi kỳ vọng STK có thể duy trì biên lợi nhuận gộp vào năm 2022-2023 nhờ giá chip PET hạ nhiệt trong quý IV/2022 và tập trung bán các sợi nguyên sinh “AAA” và sợi tái chế. Chúng tôi dự phóng lợi nhuận ròng 2022 tăng 8,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 27,2% so với cùng kỳ trong dự báo trước đó.

Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận ròng 2023 sẽ tăng 29,3% so với cùng kỳ trong năm 2023 nhờ giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn; và đóng góp doanh thu từ nhà máy Unitex.

Sau giai đoạn tạm hoãn năm 2021 do giãn cách xã hội, chúng tôi lạc quan về tiến độ xây dựng của nhà máy Unitex trong năm 2022. STK đang trong quá trình xin giấy phép xây dựng và hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết với các cơ quan chức năng.

Giai đoạn 1 của nhà máy Unitex sẽ được chạy thương mại từ cuối quý III/2023, chậm hơn 2 tháng so với dự phóng trước đó. Chúng tôi kỳ vọng giai đoạn 1 của nhà máy sẽ chạy với 30% công suất vào năm 2023 với sản lượng 10.800 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ tổng sản lượng trong năm 2023.

Do đó, chúng tôi hạ giá mục tiêu xuống trung lập với giá mục tiêu thấp hơn 52.800 đồng/CP với EPS 2022-23 lần lượt là 3.685 đồng/CP và 4.764 đồng/CP, P/E mục tiêu 12,5x.

Chúng tôi hạ khuyến nghị xuống trung lập do STK sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn. Tiềm năng tăng giá là doanh thu sợi tái chế và nguyên sinh cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá là giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh hơn dự kiến.

Đang có tín hiệu mua vào cổ phiếu GIL và TNG

CTCK SSI (SSI)

Trong 5 tháng 2022, TNG ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ) và 87 tỷ đồng (tăng 58% so với cùng kỳ), hoàn thành 41% và 31% kế hoạch năm. Với tỷ trọng đơn hàng CMT cao, TNG chịu áp lực chi phí lạm phát ít hơn các công ty khác. Do đó, công ty có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn so với các công ty cùng ngành trong giai đoạn này.

Trong cùng kỳ, TCM ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 77,4 triệu USD (tăng 15% so với cùng kỳ) và 4,4 triệu USD (tăng 6% so với cùng kỳ), hoàn thành 43% và 41% kế hoạch năm.

Tương tự như MSH, TCM phải đối mặt với áp lực chi phí gia tăng trong 5 tháng 2022 do chi phí nguyên liệu và vận chuyển tăng khiến biên lợi nhuận giảm. Nhà máy Vĩnh Long mới bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2022, tuy nhiên hiện tại chỉ có 5 dây chuyền sản xuất (trong tổng số trên 29 dây chuyền) đang hoạt động do nhà máy đang gặp khó khăn trong việc thu hút lao động do cạnh tranh về lương.

Trong quý I/2022, STK ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 640 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và 76,3 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ), hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng của cả năm. Giá bán bình quân sợi nguyên sinh và sợi tái chế lần lượt tăng 18% và 5% so với cùng kỳ, sau khi chi phí nguyên liệu thô tăng mạnh (giá sợi nguyên sinh tăng đáng kể do giá dầu tăng).

Biên lợi nhuận gộp của công ty đạt 17,5% trong quý I/2022 do sản lượng sợi chất lượng thấp hơn tồn kho được bán ra. STK dự kiến biên lợi nhuận gộp sẽ duy trì mức 18% như năm 2021 trong quý II/2022. STK hoàn toàn có thể chuyển việc tăng chi phí chip PET sang cho khách hàng. Tuy nhiên, do chi phí logistic tăng cao nên công ty phải chịu hoàn toàn mức tăng chi phí vận chuyển nguyên vật liệu nhập khẩu.

Trong quý I/2022, GIL ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ) và 107 tỷ đồng (tăng 51% so với cùng kỳ), hoàn thành 36% và 43% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, đây là một kế hoạch thận trọng và ban lãnh đạo dự kiến lợi nhuận ròng có thể đạt 400 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ).

Biên lợi nhuận gộp đạt 17,3% trong Q1/2022, so với 19,4% trong quý I/2021 do chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng. GIL phụ thuộc nhiều vào các đơn đặt hàng của Amazon (chủ yếu là kho lưu trữ, hàng dệt may của công ty và thuê ngoài), chiếm 85% tổng doanh thu trong năm 2021. Hợp đồng của Amazon được gia hạn hàng năm và GIL đang thảo luận để gia hạn số lượng đơn đặt hàng cho Amazon vào tháng 7. Việc phụ thuộc vào một khách hàng lớn là khá rủi ro.

Mặt khác, GIL đang phát triển Khu công nghiệp Phú Bài tại Huế, khu công nghiệp có vị trí đắc địa gần sân bay Phú Bài và có tổng diện tích 460 ha. GIL đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cho khu công nghiệp và hiện đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. GIL kỳ vọng mảng kinh doanh mới này sẽ tạo ra thu nhập từ năm 2023 trở đi.

Cổ phiếu ngành dệt may giao dịch ở mức P/E 2022 là 10x. Định giá đạt mức cao nhất lịch sử là 14x vào tháng 12/2021. Đối mặt với biến động về nhu cầu trong năm tới cùng với biên lợi nhuận thu hẹp do chi phí tăng, cổ phiếu ngành dệt may có thể giao dịch ở mức P/E trung bình thấp hơn khoảng 8x-9x, để phản ánh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023.

Hiện tại nhóm cổ phiếu ngành dệt may theo hệ thống RRG đang cho tín hiệu mua ngắn hạn trên cổ phiếu GIL, TNG.

Tin bài liên quan