Khuyến nghị mua cổ phiếu PC1
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi dự phóng lợi nhuận CTCP Xây lắp Điện 1 (PC1) sẽ tăng gần gấp đôi trong năm 2018 nhờ ghi nhận đóng góp mảng bất động sản và nhà máy thủy điện mới. Chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận 2018 thêm 7,5% do biên lợi nhuận cao hơn của dự án bất động sản, vốn xây dựng cơ bản và chi phí lãi vay thấp hơn cho nhà máy thủy điện mới.
Đồng thời, ước tính tăng trưởng lợi nhuận 2019 là 10,3% trong bối cảnh sự phục hồi mạnh mẽ của mảng xây lắp điện sẽ bù đắp cho mức đóng góp thấp hơn từ mảng bất động sản (dự án Thanh Xuân).
Mặt khác, yếu tố hỗ trợ là hợp đồng được nhận từ đường truyền tải điện Quốc gia thứ 3, công bố thâu tóm quỹ đất mới thành công và chi tiết về mảng kinh doanh mới.
Vì vậy, chúng tôi điều chỉnh giảm nhẹ giá mục tiêu 3,2% còn 30.200 đồng/CP cho PC1, nhưng giữ khuyến nghị mua với tổng mức sinh lời 20,8%. Mảng xây lắp lưới điện vẫn đối mặt với thách thức do thay đổi chính sách về chi phí định mức, nhưng định giá công ty đang ở hấp dẫn và triển vọng của mảng thủy điện và bất động sản có nhiều tích cực.
Khuyến nghị phù hợp thị trường cho PVS
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi dự báo EPS thường xuyên 2018 của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) sẽ giảm 26,2% so với cùng kỳ do lỗ từ giải thể mảng Khảo sát Địa chấn, giá thuê ngày thấp hơn cho các kho nổi (FSO, FPSO) Lam Sơn và Biển Đông.
Tuy nhiên, EPS báo cáo 2018 nhiều khả năng sẽ chỉ giảm 7,3% so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận kế toán từ liên doanh quản lý kho nổi (FSO) Orkid, do thay đổi phương thức hạch toán từ phương thức thuê hoạt động sang thuê tài chính.
Mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, Lô B và Sư Tử Trắng giai đoạn 2, cùng với mảng kho nổi ổn định, sẽ dẫn dắt EPS thường xuyên tăng 13,4%/năm trong giai đoạn 2018-2022.
Mặt khác, giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi, nhưng quá trình phục hồi hiện vẫn chưa đủ để tạo ra mức ROE tốt. Chúng tôi dự báo ROE của PVS sẽ cải thiện trong năm 2019, nhưng vẫn ở mức khiêm tốn chỉ 6,3%.
Vì vậy, chúng tôi giữ khuyến nghị phù hợp thị trường cho cổ phiếu PVS nhưng nâng giá mục tiêu thêm 18,9%, nhờ dự báo lợi nhuận giai đoạn 2018-2020 cao hơn, dù lãi suất phi rủi ro và phần bù rủi ro cao hơn.
Giá mục tiêu cho STB là 11.900 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
NIM của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) dự kiến sẽ tăng lên 2,4%, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, để mức NIM đạt trên 2,7% sẽ khá thách thức trước khi quá trình tái cơ cấu hoàn tất.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu tại STB đạt 3,7% tính đến cuối quý II/2018, và trên đà đạt 3% cho cả năm 2018. Theo khung thời gian này, tỷ lệ nợ xấu dự báo sẽ đạt 3,3% vào cuối quý 3/2018.
Tổng tài sản không sinh lời (NPA), bao gồm cả dư nợ VAMC, khoản phải thu và nợ xấu của STB vẫn ở mức cao khoảng 23% trong tổng tài sản tính đến hế 6 tháng 2018 (so với 27% vào cuối năm 2017). STB cần đưa tỷ lệ này xuống dưới 20% vào cuối năm 2018 nhằm củng cố tiến triển của quá trình tái cơ cấu.
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận 2018 là 72% so với cùng kỳ từ mức cơ sở thấp và chủ yếu do giảm tỷ lệ CIR (chi phí/thu nhập). Tuy nhiên, tổng số NPA xử lý được phản ánh cụ thể vào báo cáo tài chính là yếu tố quan trọng hơn là mức tăng trưởng lợi nhuận.
Vì vậy, chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 6% cho cổ phiếu STB đạt 11.900 đồng, với khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu này.
Khuyến nghị mua cổ phiếu HDG với giá mục tiêu 61.400 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Cho năm 2018, chúng tôi dự phóng doanh thu và lãi ròng của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) đạt tương ứng 4.300 tỷ đồng và 642 tỷ đồng. EPS sau pha loãng 2018 dự kiến 6.763 đồng. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 9 lần.
Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu HDG với giá mục tiêu 61.400 đồng theo phương pháp NAV.
Với vị thế là 1 trong 10 chủ đầu tư bất động sản uy tín đi kèm với sức khỏe tài chính lành mạnh, chúng tôi cho rằng HDG xứng đáng là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư trong trung và dài hạn.