HUT tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2018
CTCK BIDV (BSC)
CTCP Tasco (mã HUT) là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông tại khu vực miền Bắc. Hiện tại, HUT đang hoạt động trong các lĩnh vực gồm Bất động sản, Thu phí giao thông, Xây dựng và Bán hàng cung cấp dịch vụ.
Trong đó, Bất động sản và Thu phí giao thông là 2 hoạt động chính đóng góp doanh thu và dòng tiền cho HUT. Hoạt động xây dựng đã được HUT chuyển dần cho công ty liên kết CTCP Thăng Long – hiện HUT đang nắm giữ 35,4%, từ cuối năm 2015.
6 tháng đầu năm 2017, HUT ghi nhận 1.033,66 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 23% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 179 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm trước).
Dự kiến doanh thu 2017 hợp nhất đạt khoảng 4.600 tỷ tỷ, lợi nhuận sau thuế khoảng 550 tỷ, và EPS 2017 bằng 2.287 đồng/cp. HUT kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2018 với dự kiến doanh thu hợp nhất khoảng 5.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế hơn 600 tỷ và EPS 2018 bằng 2.495 đồng/cp.
Khuyến nghị mua cổ phiếu CMG
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Trong năm 2017, chúng tôi dự báo lợi nhuận của CTCP Tập đoàn công nghệ CMC (mã CMG) đạt mức tăng trưởng khả quan, EPS 2017 có thể đạt 2.045 đồng/CP tương ứng với mức P/E hiện đạt 8,07 lần, là một mức hấp dẫn với một cổ phiếu nhiều tiềm năng tăng trưởng như CMG.
Khả năng tự chủ về đường truyền sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa chi phí, mở rộng lượng khách hàng và sẽ tác động rõ rệt đến kết quả kinh doanh mảng viễn thông năm 2018.
Mảng tích hợp được dự báo giữ vững mức tăng trưởng ổn định nhờ những kế hoạch đầu tư mới cùng chiến lược kết hợp nhiều sản phẩm trong gói dịch vụ của CMG.
Mảng phần mềm đang trong giai đoạn đầu tư và sẽ mang lại nhiều triển vọng cho CMG trong tương lai.
Với triển vọng tích cực ở hầu hết tất cả các mảng, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu CMG với giá mục tiêu 20.000 đồng/cổ phần.
Khuyến nghị mua và nắm giữ cổ phiếu TDH
CTCK MB (MBS)
Theo báo cáo tài chính quý II/2017, CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (mã TDH) có doanh thu thuần đạt gần 510 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 6 tháng đầu năm doanh thu đạt gần 754 tỷ đồng, tăng 84%.
Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm 2017, doanh thu từ mảng địa ốc và dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 70%, đạt gần 526 tỷ đồng; doanh thu từ dịch vụ quản lý chợ đạt 105 tỷ đồng; doanh thu từ bán hàng và dịch vụ đạt gần122 tỷ đồng. Doanh thu 6 tháng đầu năm của TDH chủ yếu đến từ các dự án như Khu nhà ở Bình Chiểu 2 (154 tỷ đồng), Long Hội City (4,5 tỷ đồng), TDH-Tocontap (40 tỷ đồng), Tiến Thịnh (51 tỷ đồng), TDH - Phước Bình (5 tỷ đồng), S-Home Phước Long (8 tỷ đồng),…
Cũng trong 6 tháng đầu năm, TDH ghi nhận khoản lãi từ đánh giá lại tài sản Bách Phú Thịnh gần 25 tỷ đồng, giúp doanh thu tài chính đạt gần 47 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính lại giảm 25% nhờ hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán.
Ngoài ra, 3 công ty liên kết liên doanh là CTCP Phát triển nhà Deawon - Thủ Đức, CTCK Sen Vàng và Fideco (FDC) đem về gần 12 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế của TDH trong 6 tháng đầu năm đạt gần 105 tỷ đồng, tăng 69% so cùng kỳ năm 2016 và đạt hơn 80% chỉ tiêu kế hoạch lãi hợp nhất cả năm 2017 (130 tỷ đồng).
Theo chia sẻ từ phía doanh nghiệp, doanh thu 6 tháng cuối năm của TDH dự kiến chủ yếu đến từ các dự án như Khu nhà ở Bình Chiểu 2 đã hoàn tất thi công hạ tầng (160 tỷ đồng), Chung cư Tocontap đang xúc tiến hợp tác đầu tư (85 tỷ đồng), Long Hội City (30 tỷ đồng) và hạch toán hết các dự án: TDH - Trường Thọ (15 tỷ đồng), TDH - Phước Bình (7 tỷ đồng),…Ngoài ra, các mảng hoạt động kinh doanh khác của Công ty (quản lý chợ, xuất nhập khẩu…) đều đang khả quan, dự kiến sẽ tăng trưởng so với năm trước.
Hiện nay, TDH đang triển khai nhiều dự án gối đầu làm tiền đề cho sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận năm 2018 gồm khởi công Chung cư Centum Wealth, Chung cư Tocontap, hoàn tất đền bù khu 2 dự án Long Hội City, đầu tư S-Home Bình Chiểu (Lô I&H), xây dựng khu Resort Cantavil - Long Hải.
Chúng tôi cho rằng với việc tiếp tục hoạch toán doanh thu và lợi nhuận của các dự án bất động sản trong 6 tháng cuối năm, TDH có thể đạt 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 23% kế hoạch lợi nhuận đề ra, EPS forward năm 2017 đạt khoảng 1.960 đồng/cp.
Hiện tại, cổ phiếu TDH đang giao dịch với mức P/E là 9,02 lần, thấp hơn P/E trung bình ngành bất động sản (18 lần) và P/E thị trường (16 lần). Mức P/E forward năm 2017 đạt 10 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu TDH khoảng 19.600 đồng/cp. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua và nắm giữ cổ phiếu TDH ở vùng giá hiện tại với kỳ vọng tăng trưởng 20%.
Tiềm năng tăng trưởng của KDC được đánh giá khả quan
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)
Cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Kido (mã KDC) đã có quãng điều chỉnh trung hạn trong thời gian gần đây với tổng mức điều chỉnh vào khoảng 13.4% so với đỉnh hình thành vào đầu tháng 7/2017.
Khi nhìn vào dài hạn chúng ta thấy rằng KDC vẫn đang theo uptrend hình thành từ đầu 2016. Tuần giao dịch khá tích cực vừa qua đã cho dấu hiệu về việc đà điều chỉnh trong trung hạn đã kết thúc khi giá rơi về ngưỡng hỗ trợ dài hạn tại 40.5.
Trong tuần vừa qua, việc giá lình xình và nhìn chung đang đi ngang đi cùng với thanh khoản giảm xuống cho thấy lực bán đang suy yếu dần. KDC đang áp sát ngưỡng cản gần nhất theo fibo tại 41.6. Nếu break-out ngưỡng này thì mốc 43.9 là ngưỡng đáng chú ý tiếp theo của KDC trước khi tiếp tục hồi phục về vùng giá 46.4 trong ngắn hạn.
Xét về hoạt động kinh doanh của tập đoàn, trong quý II vừa qua KDC đã quyết định dừng hoạt động mảng mỳ ăn liền và dầu ăn thương hiệu Đại Gia Đình. Đây là mảng kinh doanh mà IVS đã đặt dấu hỏi tại báo cáo ngày 28/2/2017 khi sự canh tranh trên thị trường quá lớn đi cùng với sự mờ nhạt của thương hiệu mỳ Đại Gia Đình và việc Kido rút khỏi mảng này là hoàn toàn hợp lý, ngoài ra KDC giờ đã có TAC và VOC thì việc phát triển dầu ăn Đại Gia Đình cũng chưa cần thiết.
Tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của KDC vẫn được chúng tôi đánh giá khả quan khi xét đến danh mục sản phẩm với thế mạnh là sản phẩm lạnh và đông lạnh và dầu ăn hiện đang được mở rộng thêm nhiều mặt hàng khác đi cùng với ưu thế của hệ thống phân phối lớn và rộng khắp.