Lợi thế từ việc cá tra Việt Nam được xuất khẩu sang Brazil
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Cuối tháng 3/2015, Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Thực phẩm Brazil (MAPA) đã cấp giấy phép nhập khẩu trở lại đối với thủy sản từ Việt Nam. Trước đó, từ tháng 9/2014, nước này đã ngừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam do Việt Nam chậm gửi Kế hoạch khắc phục các khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh khẩn cấp mà MAPA đưa ra sau khi thực hiện chuyến thanh tra thủy sản nuôi tại Việt Nam vào tháng 3/2013.
Đây là thông tin tích cực cho ngành cá tra Việt Nam do xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Brazil trong những năm gần đây luôn tăng trưởng mạnh và có mức tăng trưởng cao nhất so với Mỹ, EU và ASEAN. Tỷ trọng cá tra xuất khẩu vào Brazil đã tăng từ mức 4,5% trong 2011 lên mức 7% của 2014.
Những rào cản về thuế chống bán phá giá cá tra vào thị trường Mỹ cũng như nhu cầu sụt giảm tại EU đã làm giảm sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu của toàn ngành. Thay đó, Brazil là một trong những thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang mở rộng để bù đắp sự sụt giảm của các thị trường chủ lực. Hiện kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn như HVG và ANV sang Brazil chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của 2 doanh nghiệp này.
HVG: Tiến tới đáp ứng 20% nguyên liệu xuất khẩu tôm
CTCK MB (MBS)
HVG đăng ký mua vào 3.99 triệu cổ phiếu của VTF nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại VTF lên mức 90.28%. Hiện tại, Hùng Vương đang nắm giữ 33,76 triệu cổ phiếu VTF, tương đương 80,74% cổ phần của Việt Thắng.
Trong thời gian vừa qua, HVG vẫn tiếp tục thực thi chiến lược mua lại các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản (cá tra và tôm), thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nhằm xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, đến nuôi trồng và chế biến xuất khẩu.
Hiện tại, HVG sở hữu vùng nuôi rộng lớn đảm bảo 75% nguyên liệu cho lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá tra và 10% nguyên liệu cho lĩnh vực xuất khẩu tôm. Trong thời gian tới Công ty định hướng tiếp tục đầu tư mở rộng vùng nuôi tôm, tiến tới đáp ứng 20% nguyên liệu xuất khẩu vào năm 2017. Hiện tại, hệ thống của Công ty có khả năng cung cấp 100% thức ăn chăn nuôi cho các vùng nuôi.
Trong năm 2013, HVG, từng là một trong số ít doanh nghiệp cá ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế chống bán phá giá của Mỹ do xuất khẩu gián tiếp qua AGF. Tuy nhiên, sau khi HVG nâng tỷ lệ sở hữu tại AGF (79%) thì AGF trở thành công ty con của HVG và cũng chịu chung mức thuế chống bán phá giá POR10 với HVG là 0.97 USD/kg.
PXI: Cần nhiều thời gian để vượt qua khó khăn
CTCK Sài Gòn (SSI)
CTCP Xây dựng dân dụng và công nghiệp dầu khí (mã PXI) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp trong và ngoài ngành dầu khí, xây lắp các công trình chuyên ngành dầu khí… đầu tư kinh doanh địa ốc, hạ tầng phụ trợ.
Công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 1.050 tỷ đồng và 38 tỷ đồng (xấp xỉ thực hiện của năm 2014), mức cổ tức chi trả là 8%. PXI đang được giao dịch ở P/E 8,7 lần và P/B là 0,7 lần.
Với đặc thù ngành xây dựng liên quan đến dầu khí và các dự án BĐS không thực sự hấp dẫn, PXI sẽ cần nhiều thời gian hơn để vượt qua khó khăn và tạo ra giá trị ổn định.