LAS: Thích hợp cho nhà đầu tư ưa thích cổ tức
CTCK Rồng Việt (VDSC)
CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS – sàn HNX) là doanh nghiệp lớn nhất cả nước về sản xuất phân lân với thị trường tiêu thụ chủ yếu tại miền Bắc. Hiện nay trong cơ cấu sản phẩm của LAS, phân lân và NPK là hai sản phẩm chính chiếm tỷ trọng lớn trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh quý IV/2014 có thể được xem là điểm sáng đối với Công ty, doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đột biến lần lượt là 101% và 65,75% so với cùng kỳ. Theo chuyên viên ngành, có hai yếu tố tác động chính đến tăng trưởng doanh thu trong quý IV/2014: (1) doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng để đạt kế hoạch năm, đi cùng với việc hỗ trợ chi phí vận chuyển cho khách hàng; (2) các đại lý đẩy mạnh tích trữ hàng do lo ngại đối với chính sách thuế VAT mới được áp dụng vào đầu năm 2015. Lợi nhuận cũng tăng trưởng ấn tượng nhờ giá nguyên liệu đầu vào (Kali, ure, SA…) đều giảm mạnh giúp doanh nghiệp giảm được giá vốn trên mỗi đơn vị sản phẩm, biên lợi nhuận gộp tăng cao lên xấp xỉ 36%. Ngoài ra, chi phí lãi vay giảm mạnh (chỉ bằng 32,68% so với cùng kỳ) cũng là một yếu tố đóng góp khả quan vào lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý này.
Dù KQKD quý IV khá tốt nhưng hoạt động của LAS cũng không nằm ngoài bức tranh còn ảm đạm của thị trường phân bón trong nước, tính chung cả năm 2014, Công ty ghi nhận mức tăng trưởng khá thấp về doanh thu (+5% so với cùng kỳ đạt khoảng 4.985 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ (-2% so với cùng kỳ, đạt khoảng 439 tỷ đồng).
Đối với triển vọng của doanh nghiệp trong năm nay, tình trạng dư cung của ngành phân bón sẽ tiếp diễn. Tại thị trường miền Bắc, sản phẩm phân lân và NPK Lâm Thao của LAS có thêm đối thủ cạnh tranh mới do nguồn cung tăng đến từ hai nhà máy sản xuất NPK Bình Điền và DAP Lào Cai. Vì vậy, rủi ro giảm giá phân bón vẫn đang hiện hữu.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý thêm là giá các nguyên liệu để sản xuất phân lân và NPK (gồm ure, SA, Kali,…) đã giảm mạnh (tốc độ giảm nhiều hơn tốc độ giảm giá bán), biên lợi nhuận gộp do đó có thể sẽ cải thiện hơn so với cùng kỳ trong 2 quý cao điểm đầu năm.
Ngoài ra, là doanh nghiệp đang hoạt động trong chu kỳ bão hòa của ngành, LAS có mức chi trả cổ tức khá hấp dẫn tương tự các công ty phân bón khác. Với mức EPS cuối năm 2014 đạt khoảng 5.638 đồng/cp, chúng tôi kỳ vọng Công ty có thể duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt từ 30-40%. Tại mức giá đóng cửa ngày 04/02/2014, tỷ suất cổ tức kỳ vọng khoảng 9,3%-12,4%, thời điểm chi trả thường vào tháng 2 và tháng 6 có thể là yếu tố đáng quan tâm đối với những NĐT ưa thích cổ tức.
VNE: Khuyến nghị mua vào
CTCK BIDV (BSC)
Quý IV/2014, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ CTCP Xây dựng điện Việt Nam (VNE – sàn HOSE) đạt xấp xỉ 31 tỷ đồng, cả năm 34.8 tỷ đồng. Nếu các công ty con không thua lỗ gì, thì lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 88 tỷ, cao hơn dự báo là 14 tỷ đồng. SCIC đăng ký bán toàn bộ 18.9 triệu cổ phiểu theo hình thức đấu giá với giá khởi điểm là 13,500 đồng/cp.
Khuyến nghị: Hoạt động xây dựng điện tăng trưởng ổn định với biên lợi nhuận gộp (~20%) cao hơn các ngành xây dựng khác. Với lợi thế quy mô doanh nghiệp, quy mô vốn lớn, và năng lực tài chính lành mạnh, công ty sở hữu khả năng cạnh tranh vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng của công ty không chỉ dừng ở các hợp đồng xây dựng hiện tại mà còn nhờ động lực tăng trưởng của ngành điện cũng như các hợp đồng mở rộng mạng lưới điện của EVN trong giai đoạn 2015 - 2020. Do vậy, chúng tôi duy trì khuyến nghị như ở trong báo cáo lần đầu với giá mục tiêu là 12,700 đồng/cp.
PGS: PE đang giao dịch ở mức 8,3 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
PGS công bố kết quả kinh doanh cả năm 2014 với doanh thu tăng 7,7%, đạt 7.475 tỷ đồng, vượt 11,9% kế hoạch cả năm. Mặc dù sản lượng tiêu thụ LPG trong 2014 giảm 10,5% năm trước xuống còn 236,7 tấn, sản lượng tiêu thụ CNG tăng 12,3% năm trước, đạt 159,3 triệu m3 khí. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 16% trong 2013 xuống chỉ còn 15,2% trong 2014 chủ yếu là do giá khí đầu vào tăng trong quý I/2014 trong khi giá khí đầu ra không tăng.
Chi phí hoạt động tăng nhẹ với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu 2014 đứng ở mức 11,8%, tăng nhẹ từ 11,4% 2013. Chi phí tài chính ròng giảm 67,6% năm trước xuống còn 15,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 23,4% năm trước còn 136,7 tỷ đồng.
Kế hoạch 2015 tương đối thận trọng. PGS đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh 2015 tương đối thận trọng do bi quan về tình hình giá cả năng lượng toàn cầu. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ khí CNG giảm 5,7% năm trước, chỉ đạt 150 m3; tương tự, tiêu thụ LPG được dự kiến giảm 7,2% năm trước, còn 219 tấn. Lưu ý, PGS vượt kế hoạch sản lượng CNG (14,7%) và LPG (11,1%) trong năm 2014.
Kế hoạch tăng vốn lên 500 tỷ đồng. ĐHCĐ bất thường PGS đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 380 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng trong Q1/15 (sau khi được UBCK NN chấp thuận). Tỷ lệ phát hành tương ứng là 31,7%, đúng với dự báo của chúng tôi trong báo cáo trước đây. Nguồn vốn dành cho kế hoạch tăng vốn là quỹ đầu tư và phát triển 344,4 tỷ đồng (tính đến cuối quý III/2014). Định giá. PGS đang giao dịch tại P/E 8,3 lần.
CTG: Triển vọng kinh doanh sáng sủa
CTCK MB (MBS)
CTG công bố kết quả kinh doanh khá tích cực trong năm 2014. Tính đến cuối 2014, tổng tài sản của CTG đạt 660 ngàn tỷ đồng, tăng 14.6% so với năm 2013; Hoạt động cấp tín dụng đạt số dư 544 ngàn tỷ đồng, tăng 18.2% so đầu năm ( tăng trưởng toàn ngành là 12.62%), đạt 104.7% kế hoạch.
CTG tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về lợi nhuận kinh doanh trong hệ thống các NHTM Việt Nam khi đạt lợi nhuận trước thuế là 7,300 tỷ đồng, đạt 100.2% kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Trong đó, thu dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị tuyệt đối tăng 13% so với năm 2013 và tỷ trọng trên tổng thu nhập tăng đạt mức 10%. Tỷ suất sinh lời ROE và ROA lần lượt đạt 10.4% và 1.2%.
Lãi suất tiết kiệm đang giảm nhanh hơn lãi suất cho vay, giúp cho ngành ngân hàng nói chung, và CTG nói riêng cải thiện tỷ lệ lãi cận biên (NIM) và tăng lợi nhuận từ tín dụng. Nguồn vốn huy động của CTG đến hết năm 2014 đạt 596 nghìn tỷ VNĐ, tăng trưởng 16.4% so với năm 2013, đạt 104% kế hoạch ĐHĐCĐ.
Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank tại thời điểm 31/12/2014 là 1.1%/dư nợ cho vay, thấp hơn mức bình quân toàn ngành. Chúng tôi đánh giá triển vọng kinh doanh trong các năm tới của CTG khá ổn định và sáng sủa nhờ các yếu tố sau:
Nguồn thu từ tín dụng tăng nhờ tăng trưởng tín dụng tốt và NIM tăng so với năm 2014. Chi phí dự phòng rủi ro của CTG sẽ giảm mạnh trong những năm tới nhờ CTG đã tích cực trích lập dự phòng nợ xấu trong các năm trước và môi trường kinh tế của Việt Nam tiến triển khả quan.