Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/2

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/2 của các công ty chứng khoán.

VNM: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Sữa Việt Nam (HSX-VNM): Năm 2014, doanh thu VNM đạt khoảng 34.977 tỷ đồng, tăng 13% so với năm ngoái. Trong đó doanh thu tăng chủ yếu nhờ sản lượng tăng, giá bán các sản phẩm gần như không có thay đổi nhiều so với năm 2013. Doanh thu trong nước chiếm 84% tổng doanh thu và tăng 10% năm trước.

Trong khi đó doanh thu từ nước ngoài tăng mạnh 30%, chiếm 16% tổng doanh thu nhờ đóng góp của công ty con Driftwood (khoảng 2.600 tỷ doanh thu). Lợi nhuận gộp đạt 12.308 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2013. Biên lợi nhuận gộp, trong khi đó giảm nhẹ từ 36% xuống 35% trong năm 2014.

Trong năm 2014, chi phí bán hàng và chi phí quản lý của VNM tăng mạnh, lần lượt tăng 43% và 30% so với năm ngoái. Điều này phù hợp với chiến lược của công ty khi tập trung chi tiêu cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, sự gia tăng cạnh tranh giữa các nhà sản xuất sữa cũng là một yếu tố đẩy chi phí quảng cáo tăng mạnh. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu thuần của VNM trong 2014 tăng lên mức 16% so với mức 13% của 2013. Do đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm 5%, đạt 7.309 tỷ đồng năm 2014. Lợi nhuận ròng của VNM đạt 6.069 tỷ, giảm 7% so với năm 2013. So với kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2014 là 5.993 tỷ thì VNM hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm. Biên lợi nhuận ròng giảm từ 21% xuống 17% năm 2014. EPS đạt 6.068 đồng/cổ phiếu. Như vậy so với dự báo kết quả kinh doanh của VPBS thì doanh thu thực tế của VNM thấp hơn 3% và lợi nhuận sau thuế thấp hơn 9 do chúng tôi đã đánh giá thấp sự gia tăng trong chi phí của doanh nghiệp.

Triển vọng 2015: Chúng tôi ước tính VNM sẽ đạt doanh thu 41.300 tỷ (+16% năm trước) nhờ giá sữa bột đầu vào đã giảm 45% trong 2014 cùng với khả năng VNM đã thu mua sữa nguyên liệu với giá thấp đủ dùng cho sản xuất trong 2015. Ngoài ra nhu cầu sữa từ khu vực trong nước tăng kết hợp với kỳ vọng về công ty con Driftwood của Mỹ cũng sẽ đóng góp vào tăng trưởng doanh thu trong năm nay. Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu thuần cũng vẫn sẽ tiếp tục tăng phụ thuộc vào sự cạnh tranh của thị trường, ước tính tỷ lệ này sẽ ở mức 18% trong 2015. Do đó lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 có thể đạt 6.650 tỷ đồng, tăng 14% so với 2014, tương đương EPS forward 2015 là 6.650 đồng/cổ phiếu và P/E là 15,5 lần. Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị mua với giá mục tiêu là 113.000 đồng cổ phiếu như báo cáo lần đầu ngày 20/11/2014 (kỳ vọng giá tăng 10% kết hợp với lợi suất 4%).

HDG: Dòng tiền ổn định từ các dự án thủy điện.

CTCK MB (MBS)

Kết quả kinh doanh 2014 của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) khả quan. Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh thức, nhưng trong Hội nghị Tổng kết năm 2014 vừa qua, HDG cho biết doanh thu Tập đoàn năm 2014 tăng trưởng 62%.

HDG đưa ra mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2015. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận dự kiến đạt khoảng 1.900 tỷ đồng và 340 tỷ đồng, tăng tương ứng 20% và 100% so với thực hiện năm 2014, thu nhập bình quân đầu người tăng 10%-30%.

HDG là một trong những Công ty bất động sản có tình hình tài chính khá tốt trong ngành, gần như không có nợ vay. HDg cũng sở hữu quỹ đất lớn, gần 2 triệu m2 tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc trung ương.

Ngoài việc thực hiện thi công các công trình xây dựng nhà ở, khu đô thị và các dự án liên kết với Bộ Quốc phòng, HDG chủ động đầu tư vào lĩnh vực thủy điện. Đây là mảng kinh doanh tạo nguồn thu ổn định cho Doanh nghiệp trong thời gian qua với mức biên lợi nhuận khá cao so với ngành.

Tin bài liên quan