Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/11

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/11 của các công ty chứng khoán.

DPM: PE dự phóng khá thấp, ở mức 8,3 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khi – CTCP (DPM – sàn HOSE) đã công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2015 với tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 7.470 tỷ và 1.177 tỷ, tăng lần lượt 5% và 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này tương đương dự báo của chúng tôi.

Lợi nhuận sau thuế tăng nhiều hơn doanh thu nhờ (i) biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2015 tăng lên mức 32,1%, tăng 7 điểm phần trăm (ppt) so với 9 tháng đầu năm 2014 do giá khí gas đầu vào giảm, (ii) tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm nhẹ 0,2 ppt và (iii) thu nhập ròng khác từ thanh lý TSCĐ tăng 2,5 lần n/n. Đối với khoản đầu tư vào công ty liên kết CTCP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX, tỷ lệ sở hữu 24,72% tương ứng 562,7 tỷ), DPM đã ghi nhận thêm khoảng 199 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2015. Như vậy, lũy kế đến cuối quý III/2015 DPM đã ghi nhận hết khoản lỗ từ đầu tư vào PVTex.

Công ty sẽ nâng sản lượng NH3 thêm 90.000 tấn/năm (tăng 20% so với mức hiện tại) và xây dựng Nhà máy NPK với công suất là 250.000 tấn NPK/năm. Tổng vốn đầu tư cho dự án sẽ là gần 5.000 tỷ đồng (khoảng 237 triệu USD); trong đó 70% là đi vay và 30% là vốn tự có.

DPM kì vọng dự án sẽ hoạt động vào quý III/2017 và đóng góp khoảng 4.000- 5.000 tỷ doanh thu và 600-700 tỷ lợi nhuận trước thuế mỗi năm, tương ứng tăng 40%- 50% doanh thu và 30%- 40% lợi nhuận trước thuế.

Ban điều hành khá tự tin về sản phẩm NPK chất lượng cao do công ty sản xuất và không phải chịu sự cạnh tranh NPK chất lượng thấp nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hiện nay, DPM nhập khẩu khoảng 90.000 tấn/năm NPK chất lượng cao để kinh doanh trong khi nhu cầu thị trường nội địa khoảng 300.000-400.000 tấn/năm.

Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thuế 2015 ước đạt 1.521 tỷ, tăng 39% so với năm ngoái trong khi doanh thu 2015 dự báo giảm 4% so với năm ngoái, đạt khoảng 9.208 tỷ do giá bán bình quân Ure giảm. EPS 2015 ước đạt 3.974 đồng/cp, PE dự phóng 2015 là 8,3 lần, thấp hơn so với trung bình ngành 10 lần. Mức cổ tức 2015 của DPM là 2.500 đồng/cp, tương đương lợi tức cổ suất 7,6%, cao hơn mức lãi suất ngân hàng.

AAA: Khủng hoảng từ EU đang tạo áp lực lên lợi nhuận

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Đi ngược với tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2015, quý III/2015 CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (mã AAA) đã ghi nhận mức tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái về doanh thu, chủ yếu tăng về sản lượng bán ra. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2015 doanh thu đạt 1.156 tỷ, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Do 95% doanh thu của công ty đến từ hoạt động xuất khẩu (chủ yếu châu Âu) bao bì nylong tự hủy, việc đồng EUR sụt giảm làm khách hàng của AAA ở EU gây áp lực lên giá bán.

Biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2015 giảm 2 điểm phần trăm, còn 11%. Bên cạnh đó, do lỗ ròng tài chính tăng 97% so với cùng kỳ do lỗ tỷ giá tăng và tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 1,2 ppt, lợi nhuận sau thuế giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ còn 16,7 tỷ. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2015, AAA mới hoàn thành 56% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Trước đó, ĐHCĐ bất thường của AAA đã thông qua việc thu hẹp quy mô dự án tại Công ty TNHH nhựa Thakhek (sản xuất bao bì nhựa tại Lào). Nguyên nhân do (i) tuyến vận tải biển từ Hải Phòng đi Vũng Áng chưa hình thành nên phải vận tải đường bộ với chi phí rất cao và (ii) các điều kiện về hạ tầng tại KCN Thakhek chưa sẵn sàng.

Theo đó, AAA đã quyết định thu hẹp lại dự án, cụ thể (i) vốn đầu tư giảm từ 10 triệu USD còn 2 triệu USD và (ii) công suất giảm từ 7.200 còn 2.000 tấn sản phẩm/năm. Đồng thời chuyển vốn đầu tư sang dự án Nhà máy sản xuất bao bì nhựa tại Cụm Công nghiệp An Đồng - Nam Sách - Hải Dương. Đây là nhà máy có công suất thiết kế 37.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

Nguồn vốn huy động từ (i) phát hành trái phiếu riêng lẻ (300 tỷ) và (ii) chuyển vốn từ dự án Lào sang (174 tỷ, tương đương 8 triệu USD). Ước tổng công suất của AAA sẽ được nâng lên gần gấp đôi. Do chưa có thông tin cụ thể của dự án nên chúng tôi chưa thể đánh giá được tính khả thi, tuy nhiên, để tiêu thụ hết sản lượng trên sẽ là thử thách đối với công ty.

AAA là doanh nghiệp có thâm niên và quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất túi nilon, hiện vẫn đang không ngừng mở rộng đầu tư với các dự án để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, việc xây dựng thêm nhà máy mới sẽ tạo áp lực trong việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra cũng nhu làm tăng chi phí khấu hao cho công ty trong tương lại. Trong khi đó, khủng hoảng từ EU đang tạo áp lực lên sản lượng tiêu thụ, giá bán cũng như lợi nhuận cho AAA.

GMD: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Ngày 16/11/2015 tới, CTCP Gemadept (GMD – sàn HOSE) sẽ chốt quyền chi trả cổ tức tiền mặt năm 2014 với tỷ lệ 2.000 đồng/cp, tương đương với mức tỷ suất cổ tức g ần 5%. Ngày thanh toán dự kiến là 26/11/2015. Lưu ý, mức chi trả cổ tức này đã được ĐHCĐ thường niên 2015 thông qua hồi tháng 05/2015. Cùng với cổ tức tiền mặt, ĐHCĐ còn thông qua phương án phát hành cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 2:1. Chúng tôi đã kỳ vọng công ty sẽ thực hiện chi trả đồng thời cổ tức tiền mặt và cổ phiếu thưởng 2014. Mặc dù vậy, đến nay, GMD vẫn chưa có thông báo nào về thời gian ch ốt quyền nhận cổ phiếu thưởng.

Công ty chưa công bố k ết quả kinh doanh quý III/2-05. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng kết quả lạc quan cho GMD, nhờ: (i)cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng) gần như đã đạt được mức toàn dụng trong năm nay, so với mức 60% của cùng kỳ; và (ii)hưởng lợi từ sự gia tăng hàng container lạnh đột biến ở khu vực cảng phía Bắc do Trung Quốc thay đổi chính sách tạm nhập tái xuất trong năm.

Chúng tôi đã khuyến nghị MUA GMD trong báo cáo ngày 09/09/2015. Với mức giá đóng cửa hôm nay là 42.000 đồng/cp, cổ phiếu GMD đã tăng hơn 28% so với giá khuyến nghị và vượt qua giá mục tiêu 41.200 đồng/cp của chúng tôi. Theo đó, chúng tôi chuyển khuyến nghị GMD từ MUA sang GIỮ.

DRC: Nhà máy sản xuất lốp xe tải radial se vận hành công suất tối đa vào năm 2016

CTCK MB (MBS)

CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý III/2015. Theo đó, doanh thu đạt mức 837 tỷ VNĐ, giảm nhẹ so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt mức 84 tỷ VNĐ, tăng 31.4% so với cùng kỳ.

Mặc dù, DRC đã tăng lượng tiêu thụ sản phẩm lốp radial đáng kể trong 9 tháng đầu năm so với năm ngoái song doanh thu của DRC vẫn giảm so với cùng kỳ do Công ty chủ động giảm giá bán sản phẩm để cạnh tranh và duy trì thị phần. Nhờ giá cao su thiên nhiên (chiếm hơn 50% giá thành sản xuất) giảm mạnh so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp của DRC vẫn đạt 174.9 tăng 9.7% so với cùng kỳ.

Do VNĐ mất giá nên trong 9 tháng đầu năm DRC phải chịu lỗ chênh lệch tỷ giá khá lớn là 34.6 tỷ VNĐ, khiến chi phí tài chính không giảm nhiều mặc dù chi phí lãi vay giảm đáng kể. Bên cạnh đó, chi phí khấu hao trong 9 tháng đầu năm cũng tăng mạnh lên mức 184.2 tỷ cũng là một nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của DRC.

Với việc sản phẩm mới là lốp radial đang dần có mức tiêu thụ tốt hơn, chúng tôi cho rằng nhà máy sản xuất lốp xe tải radial giai đoạn I của DRC sẽ dần hoạt động hiệu quả hơn và sẽ vận hành với công suất tối đa vào năm 2016.

Công ty cũng đã phê duyệt phương án đầu tư giai đoạn II Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe tải radial công suất 600.000 lốp/năm, với tổng mức đầu tư 705 tỷ đồng. DRC sẽ triển khai dự án này vào cuối năm 2015 và dự kiến đưa vào vận hành vào cuối năm 2016.

Tin bài liên quan