Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/8

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 30/8 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực đối với BMP với giá mục tiêu 60.700 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Hoạt động kinh doanh của CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) đang có những dấu hiệu khả quan hơn. Sản lượng bán hàng và lợi nhuận phục hồi trong bối cảnh cạnh tranh trong ngành giảm bớt và chi phí đầu vào ổn định.

Thêm vào đó, BMP là doanh nghiệp đầu ngành ống nhựa trong nước, thị phần cao, mức chiết khấu thấp nhất thị trường và tình hình tài chính cực kỳ lành mạnh là những điểm nhấn đầu tư quan trọng. Công ty hiện đang sở hữu lượng tiền mặt ròng khá lớn, hơn 630 tỷ đồng. Suất cổ tức 2019 của BMP đạt 7,9% tại giá hiện tại.

Từ những đánh giá trên, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu BMP cho giai đoạn đầu tư 6 tháng tới, với mức giá hợp lý là 60.700 đồng/cp.

>> Tải báo cáo

VNM sẽ hồi phục và kiểm tra vùng 134-135

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đã tạo thành mô hình 2 đáy ngắn hạn. Thanh khoản cổ phiếu vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên, cho thấy động lực tăng giá chưa hình thành.

Chỉ báo RSI đang cho thấy xu hướng tích trong khi chỉ báo MACD mới chỉ cho thấy tín hiệu khởi đầu xu hướng tích cực. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây ichomoku, báo hiệu xu hướng tăng trong trung hạn đang hình thành.

Như vậy, VNM sẽ hồi phục và kiểm tra lại vùng kháng cự cũ 134-135.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho CTG với giá mục tiêu 21.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu dành cho CTG thêm 3,3% lên 21.700 VND/cổ phiếu và giữ khuyến nghị phù hợp thị trường với việc điều chỉnh giai đoạn định giá sang giữa năm 2020 và điều chỉnh tăng dự báo tổng thu nhập thuần 2019-2022 thêm 2%.

Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo tổng thu nhập thuần 2019-2022 với việc điều chỉnh giảm dự báo tỷ lệ chi phí / thu nhập. Dự báo thu nhập thuần 2019 của chúng tôi là 7,6 nghìn tỷ đồng, tăng 40,4% so với năm 2018, nhìn chung không đổi vì chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo chi phí hoạt động bù đắp cho việc điều chỉnh tăng chi phí dự phòng. Dự báo tăng trưởng thu nhập phí thuần 2019 cao nhờ thu nhập lãi thuần 2018 bị ảnh hưởng.

Chúng tôi điều chỉnh dự báo thu nhập thuần 2020, 2021, và 2022 lần lượt giảm 5%, tăng 19% và giảm 3% chủ yếu vì chúng tôi cho rằng CTG sẽ xử lý xong khoản nợ VAMC vào năm 2020 thay vì 2021 như đã dự báo trước đây, qua đó gây áp lực đối với chi phí dự phòng 2020.

Chúng tôi cho rằng định giá CTG hiện tương đối hợp lý tại mức P/B 2019 là 1 lần so với trung vị các ngân hàng khác là 1,2 lần và ROE 2019 là 11% so với trung vị ngành là 19%.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho DRC với giá mục tiêu 23.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) khi chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 3,6% lên 23.200 đồng/CP.

Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu phản ánh mức tăng trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019/2020/2021 thêm 41%/9%/1% khi chúng tôi nâng ước tính biên lợi nhuận gộp thêm 5,7/3,9/2,7 điểm % trong giai đoạn này. Mức tăng này chủ yếu được dẫn dắt bởi giả định giá bán lốp radial cao hơn và ước tính thấp hơn cho giá carbon đen, vốn là nguyên liệu đầu vào chính của DRC.

Mức tăng trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019-2021 cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí khấu hao ước tính thấp hơn khi chúng tôi thay đổi giả định chu kỳ khấu hao từ 10 năm lên 15 năm của nhà máy lốp radial giai đoạn 2 của DRC, sau xác nhận của công ty.

Chúng tôi giữ quan điểm lạc quan thận trọng về DRC khi chúng tôi ghi nhận tăng trưởng tăng tốc trong các thị trường xuất khẩu và biên lợi nhuận  gộp gia tăng của công ty. Tuy nhiên, DRC vẫn đối mặt vối cạnh tranh gay gắt với sản phẩm Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. Các nhà sản xuất lốp Trung Quốc cũng đang dần chuyển các cơ sở sản xuất sang các nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan. Một khi các các nhà máy bên ngoài Trung Quốc hoàn thành, sẽ có thêm áp lực cho giá các sản phẩm DRC tại các thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ.

Yếu tố hỗ trợ: Thoái vốn của Vinachem và các rào cản thương mại tiềm năng trong nước cho ngành săm lốp.

Rủi ro: Cạnh tranh tiếp tục gay gắt từ các sản phẩm Trung Quốc và giá đầu vào biến động, đặc biệt là cao su (chiếm khoảng 60-70% giá vốn hàng bán) và carbon đen (20% giá vốn hàng bán).

Tin bài liên quan