Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 30/7 của các công ty chứng khoán.

Mục tiêu chốt lãi của NRC tại xung quanh giá 16

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu NRC của Công ty cổ phần Bất động sản Netland đang ở trong trạng thái tích lũy tại khu vực 11-12.5 sau khi có giai đoạn hồi phục từ đầu tháng 4. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực.

Hôm nay 29/7, chỉ báo MACD đã xuất hiện Golden Cross đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể thiết lập đà tăng ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của NRC nằm tại mốc 12. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 16, cắt lỗ nếu ngưỡng 10.5 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu REE

CTCK MB (MBS)

Quý II/2020, CTCP Cơ điện lạnh (REE) ghi nhận doanh thu tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.290 tỷ đồng, trong đó mảng cơ điện lạnh M&E giảm 7% do tác động của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến đình trệ các dự án bất động sản và hoạt động cung cấp lắp đặt.

Trong khi đó, doanh thu từ cho thuê văn phòng và hạ tầng điện nước đều chứng kiến tăng trưởng so với cùng kỳ với 10% và 30%, lần lượt đạt 247 tỷ đồng và 302 tỷ đồng, nhờ (i) tòa nhà Etown 5 đi vào hoạt động từ quý IV/2019 với tỷ lệ lấp đầy 95%, toàn bộ doanh thu được ghi nhận trong quý II/2020, và (ii) sản lượng nhiệt điện tăng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động liên doanh liên kết của REE lại giảm mạnh 17% n/n do tình hình thủy văn không thuận lợi khiến lợi nhuận các công ty trong mảng này sụt giảm tương đối.

Trong kỳ doanh nghiệp cũng không ghi nhận hòa nhập dự phòng lớn như cùng kỳ khiến chi phí tài chính tăng mạnh từ 33 tỷ đồng trong quý II/2019 lên mức 93 tỷ đồng trong quý II/2020. Các nguyên nhân này dẫn đến lãi ròng quý II/2020 của doanh nghiệp chỉ đạt 374 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu lũy kế tăng 5,7% lên 2.470 tỷ đồng trong khi lãi ròng giảm 20% còn 630 tỷ đồng. Với kết quả này, REE hoàn thành 39% kế hoạch lợi nhuận của năm 2020.

Lợi nhuận ròng 9 tháng cuối 2020 dự phóng đạt 1.219 tỷ đồng (giảm 5% cùng kỳ). Trong đó, lợi nhuận ròng từ mảng cho thuê văn phòng dự kiến tiếp tục tăng trưởng 17%, bù đắp cho sự sụt giảm của mảng M&E (giảm 38% cùng kỳ) và mảng điện nước (- 15% cùng kỳ).

So với cùng kỳ, chúng tôi nhận định hoạt động kinh doanh nhóm thủy điện sẽ ghi nhận lợi nhuận thấp hơn nhưng nhìn chung, kết quả kỳ vọng vẫn khả quan hơn mức thực hiện quý I/2020 khi điều kiện thủy văn thuận lợi hơn trong 6 tháng cuối 2020. Theo đó, cả năm 2020, lợi nhuận ròng ước đạt 1.475 tỷ đồng (giảm 10% cùng kỳ).

Lợi nhuận ròng 2021 dự phóng cải thiện mạnh 26% cùng kỳ, đóng góp chủ yếu từ mức tăng trưởng lợi nhuận 60% cùng kỳcủa danh mục điện nước. Nhóm thủy điện có khả năng phục hồi mạnh dưới tác động tích cực của tình hình thời tiết mang tính chu kỳ tại Việt Nam với 2 năm mưa và 2 năm hạn xen kẽ.

Bên cạnh đó, nhóm điện còn ghi nhận thêm lợi nhuận từ DA ĐMT Thác Mơ và DA thủy điện Thượng Kon Tum (vận hành từ T8/2020, kỳ vọng bắt đầu đem lại lợi nhuận từ 2021).

Đối với hoạt động M&E, lợi nhuận ròng ước giảm 16% cùng kỳ dựa trên tình hình khó khăn trong việc tìm kiến dự án mới gối đầu dẫn đến giá trị backlog cuối năm 2020 sụt giảm. Tổng giá trị hợp đồng ký mới trong 6 tháng 2020 là 1.235 tỷ đồng, tương đương 41% kế hoạch năm.

Chúng tôi dự phóng DA ĐMT Thác Mơ 50 MWp của TMP (REE sở hữu 42,6%) tạo ra lợi nhuận ròng bình quân 68 tỷ đồng/năm trong vòng đời 20 năm bắt đầu từ 2021. DA dự kiến vận hành trước ngày 14/12/2020 và hưởng mức giá cố định 7,09 US cent/kWh. IRR ước đạt 19%.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu REE của CTCP Cơ điện lạnh với giá mục tiêu 37.400 đồng trên cơ sở (i) hoạt động cho thuê văn phòng trở thành động lực tăng trưởng chính với tỷ suất lợi nhuận cao, (ii) đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực điện, nước, tạo nguồn thu ổn định & lâu dài, đặc biệt triển vọng từ dự án điện mặt trời Thác Mơ.

Khuyến nghị mua SCS với giá mục tiêu 143.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 11% còn 143.200 đồng/CP.

Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu phản ánh mức giảm 13% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2025. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020/2021 lần lượt 10%/15%, chủ yếu phản ánh việc gỡ bỏ các lệnh hạn chế di chuyển quốc tế chậm hơn dự kiến tại Việt Nam.

Chúng tôi hiện đang dự báo doanh thu 2020 đạt 667 tỷ đồng (giảm 11% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 436 tỷ đồng (giảm 13%). Các mức giảm chủ yếu đến từ giả định sản lượng hàng hóa quốc tế giảm 13% trong năm 2020 (so với giả định trước đây của chúng tôi là 3,8%).

Giả định sản lượng hàng hóa quốc tế 2020 của chúng tôi tương ứng với mức giảm 14% YoY trong 6 tháng cuối năm 2020. Trong khi đó, chúng tôi hiện đang dự báo tăng trưởng hàng hóa trong nước là 1% năm 2020, nhờ các chuyến bay trong nước đã được phục hồi hoàn toàn và tương ứng với tăng trưởng 4,1% trong 6 tháng cuối năm 2020.

Chúng tôi kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 từ mức cơ sở thấp khi chúng tôi dự báo doanh thu 786 tỷ đồng (tăng trưởng 18%) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 530 tỷ đồng (tăng trưởng 23%) trong năm 2021 – giả định sản lượng hàng hóa quốc tế tăng 18% và sản lượng hàng hóa trong nước tăng 7,0% .

Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về SCS nhờ tình hình tài chính lành mạnh và vị thế thị trường ổn định của công ty, bất chấp các khó khăn trong ngắn hạn. Chúng tôi cho rằng SCS hiện có vị thế tốt để duy trì tình hình tài chính kể cả khi dịch COVID-19 kéo dài hơn dự phóng của chúng tôi.

Sau một giai đoạn thách thức, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận SCS sẽ phục hồi mạnh mẽ, đến từ (1) tăng trưởng sản lượng hàng hóa hàng không ổn định tại TP. HCM – phù hợp với tăng trưởng sản xuất và tiêu dùng mạnh mẽ - và (2) SCS duy trì vị thế thị trường chỉ có 2 công ty cạnh tranh tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN).

Rủi ro: hoạt động thương mại giảm; công suất hàng không hạn chế tại sân bay SGN.

Tin bài liên quan