Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/12

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/12 của các công ty chứng khoán.

DPM: Có thể mua khi giá giảm xuống 30.5

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Trên đồ thị theo khung thời gian tuần, cổ phiếu của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM) cho thấy, có lực hỗ trợ khá tốt khi chạm trở lại vùng 30 – 31, vùng có sự hội tụ của đường MA100, MA200 và ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8% (tính cho nhịp tăng từ tháng 08 đến 11/2015). Bên cạnh đó, các mẫu hình nến cho thấy sự giằng co cũng liên tục xuất hiện. Khối lượng giao dịch gia cũng quay trở lại trạng thái tích cực trong hai tuần qua.

Trên đồ thị theo khung thời gian ngày, DPM cho thấy đang bị giới hạn trong vùng 30.5 – 32, tương ứng với các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự xác lập bởi đường MA200 và MA100, ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% (tính cho nhịp giảm từ tháng 11 đến tháng 12/2015).

Các tín hiệu kỹ thuật trên cho thấy DPM đang trong trạng thái khá tích cực, nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi trạng thái tích lũy. Do đó, trong ngắn hạn, DPM nhiều khả năng vẫn sẽ chuyển động trong kênh 30.5 – 32.

Nếu phá vỡ các ngưỡng cảnh mạnh ở quanh vùng 31.8 – 32, DPM sẽ quay trở lại xu hướng tăng trung hạn. Mục tiêu trước mắt DPM có thể sẽ test lại vùng đỉnh cũ 34.5 – 35.

Chính vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn có thể giao dịch trong khung giá 30.5 – 32, mua khi giảm xuống quanh ngưỡng 30.5 và bán khi tăng lên quanh ngưỡng 32. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 30.2.

Nhà đầu tư đánh sóng trung hạn có thể tiếp tục chờ đợi tín hiệu tham gia khi DPM vượt qua các ngưỡng cản mạnh đang hội tụ quanh 31.8 – 32 và xác lập xu hướng tăng. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 31.

SVC: Chốt lời trong ngắn hạn

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Ở góc nhìn dài hạn, quá trình tăng trưởng liên tục từ tháng 08/2015 đã đưa cổ phiếu SVC của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn tiệm cận đến ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8% (ở quanh ngưỡng 44) của nhịp giảm từ tháng 10/2007 đến tháng 02/2009.

Trên đồ thị theo khung thời gian tuần, có thể thấy mặc dù thanh khoản vẫn được duy trì ở mức tích cực, nhưng so với nhịp tăng vào tháng 10/2015, động lực tăng trưởng (thể hiện qua KLGD) của nhịp tăng hiện tại của SVC đang yếu hơn.

Trong khi đó, trên đồ thị theo khung thời gian ngày, vùng quanh ngưỡng 44 cũng trùng với vùng giá mục tiêu của mẫu hình tam giác (Symmetrical Triangle) hình thành trong giai đoạn tháng 11/2015. Bên cạnh đó, các mẫu hình nến đảo chiều cũng liên tục xuất hiện cho thấy có sự giằng co mạnh ở quanh vùng giá này.

Với các tín hiệu kỹ thuật trên, trong ngắn hạn, SVC có thể sẽ phải tiếp tục kiểm định lại ngưỡng kháng cự quanh vùng 43.5 – 44.

Chính vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn có sẵn cổ phiếu có thể bán chốt lời khi SVC tiệm cận trở lại vùng giá 43.5 – 44, kỳ vọng có thể mua trở lại khi giá SVC quay về vùng hỗ trợ 37.5 – 38. Trong trường hợp giá SVC tiếp tục tăng sau khi chạm đến vùng 43.5 - 44, có thể mua trở lại khi giá vượt 44.4 với khối lượng giao dịch tiếp tục tích cực.

Nhà đầu tư trung hạn đang sở hữu cổ phiếu có thể tiếp tục nắm giữ và quan sát phản ứng của SVC khi chạm đến vùng kháng cự 43.5 – 44. Việc giảm bớt tỷ trọng nắm giữ nên được xem xét nếu giá SVC đảo chiều giảm, rơi khỏi vùng 37 – 37.5.

CMG: Dự phóng lãi 144 tỷ đồng trong năm nay

CTCK MB (MBS)

CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) cho biết, 6 tháng đầu năm 2015 (từ ngày 1/4 - 30/9, niên độ tài chính kết thúc ngày 31/3 hàng năm), doanh thu hợp nhất đạt 1.653 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng, tăng 37,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt công ty mẹ đạt 48,4 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, mảng tích hợp hệ thống của công ty tăng trưởng 21% về doanh thu so với cùng kỳ, lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng hơn, lên tới 81%. Các mảng kinh doanh khác của công ty như Dịch vụ phần mềm, Viễn thông, phân phối và lắp ráp….của CMG đều tăng trưởng khá đồng đều về doanh thu.

Với kết quả này, CMG đã hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu và 42% kế hoạch lợi nhuận năm. Tiến độ này đang nhanh so với kế hoạch do đặc thù doanh nghiệp công nghệ thông tin ghi nhận kết quả kinh doanh nhiều vào cuối năm.  

Tiềm năng tăng trưởng trong 3 năm tới tích cực với động lực là viễn thông và tích hợp hệ thống. Trong đó, viễn thông sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ việc hoàn thiện hạ tầng và phát triển thị trường ngách. Tích hợp hệ thống vốn đã có nền tảng tốt từ nhiều năm, sẽ được hưởng lợi khi nền kinh tế đi lên.  

CMG đang thay đổi chiến lược cho 2 mảng phần mềm và phân phối. Theo đó, CMG sẽ chú trọng hơn vào thị trường xuất khẩu và thu hẹp mảng phân phối theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và giảm tỷ trọng sản phẩm với tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao.  

Dự báo kết quả kinh doanh năm 2015 của CMG là đạt 3.600 tỷ doanh thu, tăng 10,6% so với năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 144 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2014. EPS 2015 dự kiến 2.100 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan