Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu MWG
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Trong tháng 8, doanh thu thuần của CTCP Thế giới di động (MWG – sàn HOSE) đã tăng vọt 60% so với cùng kỳ lên 10,4 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 33% lên 3,2 nghìn tỷ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của MWG tăng 18% so với cùng kỳ lên 92,3 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 6% lên 3,2 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu từ chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh lần lượt đạt 24,5 nghìn tỷ đồng và 48,8 nghìn tỷ đồng, đóng góp 79,5% tổng doanh thu của MWG. Tổng doanh thu của 2 chuỗi này tăng 27%, đặc biệt, doanh thu từ điện thoại và điện máy tăng 118%.
Trong khi đó, doanh thu của Bách hóa xanh giảm 15% xuống 17,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 19% tổng doanh thu của MWG. Bách hóa xanh đã hoàn thành tái cơ cấu, đóng cửa các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả và đạt mục tiêu doanh thu 1,36 nghìn tỷ đồng/tháng/cửa hàng vào tháng 8/2022, tăng 5% so với tháng trước.
Doanh thu online tăng 71% lên 13 nghìn tỷ đồng, đóng góp 14% vào tổng doanh thu của MWG. Trong đó, tỷ trọng đóng góp doanh thu của kênh online đối với Thế giới di động, Điện máy xanh và Bách hóa xanh lần lượt là 17% và 3%. Trong tháng 8, doanh thu online của Thế giới di động và Điện máy xanh giảm 13% so với tháng trước xuống 1,2 nghìn tỷ đồng, trong khi đó doanh thu online của Bách hóa xanh vẫn ổn định ở mức 72 nghìn tỷ đồng.
Đến tháng 8/2022, MWG có 1.086 cửa hàng Thế giới di động (tháng 7: 1.070 cửa hàng), 2.222 cửa hàng Điện máy xanh (tháng 7: 2.185 cửa hàng), 1.726 cửa hàng Bách hóa xanh (tháng 7: 1.735 cửa hàng), 509 nhà thuốc An Khang (tháng 7: 432 cửa hàng), 80 cửa hàng AVAKids (tháng 7: 68 cửa hàng) và 12 cửa hàng AVASports (tháng 7: 12 cửa hàng).
Chúng tôi kỳ vọng doanh thu của MWG trong quý III/2022 là khả quan so với quý II/2022 nhờ hoàn thành tái cơ cấu Bách hóa xanh và doanh thu từ bán máy tính xách tay sẽ tăng mạnh trước giai đoạn tựu trường.
MWG đang giao dịch với TTM PE là 20x, cao hơn mức trung bình hai năm là 18.3x. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu này.
Khuyến nghị mua cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 77.500 đồng/CP
CTCK Vietcombank (VCBS)
Giá nguyên vật liệu đầu vào PVC sau khi có mức tăng từ 900 USD/tấn lên 2000 USD/tấn vào tháng 11/2021 đã sụt giảm mạnh về mức 950 USD/tấn hiện nay. CTCP Nhựa Bình Minh (BMP – sàn HOSE) sau khi tăng giá bán lên 59 triệu đồng/tấn trong nửa đầu năm 2022 chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán trong nửa cuối 2022 sẽ là động lực tiếp tục mở rộng biên lợi nhuận, đặc biệt trên mức nền thấp của nửa cuối 2021 do Covid-19.
Trong nửa cuối 2022 và 2023, sản lượng tiêu thụ phía Nam sẽ chỉ hồi phục từ nền thấp của năm 2022 chứ không cho mức tăng trưởng mạnh so với trước dịch do nguồn cung mới khá hạn chế.
Tuy nhiên trong dài hạn, VCBS kỳ vọng việc hồi phục nguồn cung từ các dự án bất động sản sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận chính cho BMP. Bên cạnh đó, BMP cũng đang thực thi mạnh mẽ kế hoạch gia tăng thị phần của mình tại các thị trường miền Bắc và miền Trung bằng các chính sách khuyến mãi hấp dẫn.
Định giá bằng phương pháp P/E: EPS forward 7.691 đồng/cp, P/E mục tiêu 10x = 77.000 đồng/cp. Định giá bằng phương pháp chiết khấu FCFF: Giá trị 1 cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu FCFF đạt 78.000 đồng/cp. Giá mục tiêu định giá theo 2 phương pháp đạt 77.500 đồng/cp (UPSIDE: 30%), đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BMP.
Khuyến nghị mua cổ phiếu NTP với giá mục tiêu 52.000 đồng/CP
CTCK Vietcombank (VCBS)
Cũng giống như BMP, CTCP Nhựa Tiền Phong (mã NTP) sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ mức sụt giảm mạnh của giá PVC trong nửa cuối 2022. Với triển vọng giá PVC duy trì thấp trong thời gian tới, hiệu quả kinh doanh của NTP sẽ được cải thiện rõ rệt.
Sản lượng tiêu thụ hồi phục tích cực trong nửa cuối 2022 và tăng trưởng trong 2023: Với vị thế số 1 chiếm tới 60% thị phần tại miền Bắc, sản lượng tiêu thụ của NTP sẽ được thúc đẩy khi số căn hộ đang triển khai tại miền Bắc hồi phục khá tích cực trong nửa đầu năm 2022.
Biên lợi nhuận trong nửa cuối năm 2022 sẽ tiếp tục mở rộng khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào có mức giảm mạnh trong nửa đầu năm 2022 và giá bán neo cao, tuy nhiên các nhà sản xuất sẽ gia tăng mức chiết khấu để cạnh tranh nhờ giá đầu vào thấp. Biên lợi nhuận trong năm 2023 duy trì mức cao nhờ chi phí đầu vào thấp.
Sản lượng tiêu thụ năm 2023 tăng trưởng tốt tuy nhiên phải tăng chiết khấu để duy trì thị phần.
Định giá bằng phương pháp P/E: EPS forward 5.161 đồng/CP, P/E mục tiêu 10x = 52.000 đồng/cp. Định giá bằng phương pháp chiết khấu FCFF: Giá trị 1 cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu FCFF đạt 52.000 đồng/cp. Giá mục tiêu định giá theo 2 phương pháp đạt 52.000 đồng/cp (UPSIDE: 33%), đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NTP.