Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/11

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/11 của các công ty chứng khoán.

VHC sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 1.255 tỷ đồng

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Giá trị xuất khẩu tháng 10/2019 của CTCP Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) đạt 28 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước và tăng 27% so với tháng 9/2019. Các tháng quý 4 thường có sản lượng xuất khẩu cá tra cao hơn các tháng còn lại, do rơi vào mùa lễ hội ở nhiều nước.

10 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu của VHC đạt tổng cộng 263 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước do năm 2018 được xem là đỉnh điểm của ngành cá tra Việt Nam. Tính chung 10 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu của toàn ngành cá tra Việt Nam cũng giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1,6 tỷ USD.

Chúng tôi cho rằng giá cá tra những tháng cuối năm 2019 khó có thể quay lại mức cao như năm rồi. Năm 2018, do tình hình thiếu hụt con giống, giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh (có lúc lên đến 36,500 VND/kg), khiến giá xuất khẩu cá tra cũng tăng theo.

Giá cá hấp dẫn từ cuối năm trước kích thích người nuôi thả nuôi nhiều vào năm nay, khiến hiện tại giá cá nguyên liệu xuống thấp ở mức 19,500 VND/kg. Giá cá tra giống cũng đang ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và kéo dài từ khoảng giữa năm 2019 đến nay.

Tính đến nay, đã có 7 tháng trong năm 2019 giá trị xuất khẩu của VHC giảm so với cùng kỳ năm 2018. Trong giai đoạn 2014-2018, thị trường Mỹ chiếm gần 60% cơ cấu xuất khẩu của VHC, tuy nhiên thị trường này lại giảm mạnh trong 10 tháng đầu 2019 khiến VHC chịu tác động nặng nề. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ của Việt Nam chỉ đạt 233 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2019, giảm 45,8% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2019

Với lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2019 đạt 981 tỷ VND, VHC đã hoàn thành 78% kế hoạch lợi nhuận năm 2019. Chúng tôi cho rằng VHC có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 1.255 tỷ VND của mình do giá cá tra nguyên liệu đầu vào được kỳ vọng vẫn ở mức thấp cho những tháng cuối năm.

>> Tải báo cáo

L14 có thể tiếp cận lại vùng giá lịch sử 80

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu của CTCP Licogi 14 (mã chứng khoán L14) suốt hơn 2 tháng qua vận động tích lũy trong khu vực 52-64 nhưng hôm nay đã xuất hiện sự bứt phá mạnh mẽ. Thanh khoản tăng cao từ đầu phiên đã đẩy cổ phiếu tăng dần và chốt phiên đóng cửa tại mức giá trần, tương ứng với mức tăng gần 10%.

Chỉ báo động lượng RSI vì thế cũng đã tăng đột ngột và tiến vào vùng quá mua. Các chỉ báo xu hướng đều đồng thuận với trạng thái tích cực của cổ phiếu.

Phiên tăng đột ngột này có thể dẫn đến sự điều chỉnh ngắn hạn trong vài ngày sau. Tuy vậy, nếu tiếp tục duy trì được động lực tăng giá như hiện tại, L14 có thể tiến tới tiếp cận lại vùng giá lịch sử 80 trong thời gian tới.

Khuyến nghị mua dành cho ACB với giá mục tiêu 31.600 đồng/Cp

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi tăng giá mục tiêu 9,5% lên 31.600 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua cho ACB nhờ vào việc gia hạn định giá đến cuối năm 2020 cùng với dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020F-2024F tăng trung bình 1,7%.

Chúng tôi tăng dự phóng lợi nhuận chủ yếu dựa trên giả định chi phí dự phòng giảm trung bình 3,7% trong giai đoạn dự báo nói trên.

Chúng tôi kỳ vọng NIM năm 2019F và 2020F tăng 5 điểm cơ bản/năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng lần lượt đạt 17% và 15%, cũng như việc thực hiện Quyết định số 2145 và 2146/2019/QĐ-NHNN.

Chúng tôi có kỳ vọng tích cực vào tác động trong trung hạn từ hai Quyết định trên tới NIM của ACB khi mức giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1-6 tháng (chiếm khoảng 60% tiền gửi khách hàng tại ACB) được đánh giá là cao hơn mức giảm lợi suất cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) (chiếm khoảng 33% khoản vay khách hàng của ACB)

Chúng tôi dự phóng ACB sẽ phân phối 6,2 triệu cổ phiếu quỹ theo kế hoạch ESOP (như đã đề cập trong ĐHCĐ năm 2019) trong quý 4/2019.

ROE và ROA dự phóng năm 2020F của chúng tôi lần lượt là 23,7% và 1,7% so với trung vị các ngân hàng khác là 16,9% và 1,7%. Do đó, chúng tôi cho rằng định giá hiện tại của ACB là hấp dẫn tại P/B năm 2020F là 1,3 lần.

Rủi ro: (1) rủi ro cạnh tranh có thể tạo áp lực lên việc thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA); (2) khủng hoảng ngân hàng đến từ tình hình kinh tế vĩ mô sẽ ảnh hưởng chi phí rủi ro tín dụng dựa trên quy mô dư nợ tập trung cho vay bán lẻ tại ACB.

Khuyến nghị mua dành cho MWG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA cho CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) và không thay đổi giá mục tiêu khi điều chỉnh dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019F/2020F/2021F lần lượt -3%/-6%/0%; tuy nhiên, điều này được bù đắp bởi việc đưa giá mục tiêu về cuối năm 2020.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận cho giai đoạn 2019F-2020F chủ yếu do chi phí hoạt động của BHX (chuỗi bách hóa) cao hơn dự kiến; điều này phần nào được bù đắp bởi việc biên lợi nhuận gộp chung của TGDĐ (chuỗi bán lẻ ĐTDĐ) và DMX (chuỗi bán lẻ điện máy) cải thiện tích cực.

Định giá của MWG hấp dẫn với PEG 3 năm đạt 0,5, theo dự báo của chúng tôi. Với năng lực triển khai vượt trội, chúng tôi cho rằng MWG sẽ tiếp tục phát triển thành công cùng ngành bán lẻ hiện đại vốn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam.

Tuy BHX nhiều khả năng sẽ không hoàn thành mục tiêu MWG đề ra từ đầu năm là hoà vốn trước chi phí G&A trước thời điểm cuối năm 2019 do chi phí hoạt động cao hơn kỳ vọng, kỳ vọng của ban lãnh đạo về biên lợi nhuận gộp của BHX trong tương lai là khả quan hơn dự phóng của chúng tôi. Do đó, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tích cực cho khả năng sinh lời trong dài hạn của BHX và dự phóng chuỗi này sẽ đóng góp 16% và 23% cho tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của MWG trong năm 2022 và 2023.

Đối với việc mở rộng cửa hàng, chúng tôi giảm giả định số lượng cửa hàng mới của DMX từ 150 cửa hàng/năm xuống còn 50 cửa hàng/năm trong giai đoạn 2020F-2022F khi ban lãnh đạo ưu tiên việc tối ưu hóa doanh số của các cửa hàng hiện hữu. Trong khi đó, chúng tôi tăng dự báo số lượng cửa hàng của BHX tại thời điểm cuối năm 2020F/cuối năm 2022F từ 1.800/3.800 cửa hàng lên 2.000/4.000 cửa hàng.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho NVL với giá mục tiêu 62.000 đồng/Cp

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho NVL trong khi giảm giá mục tiêu 3 % còn 62.000 đồng/cổ phiếu, chủ yếu do số cổ phiếu gia tăgn từ (1) 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi với giá chuyển đổi được điều chỉnh từ xuống 60.000 đồng/cổ phiếu từ 72.000 đồng/cổ phiếu và (2) kế hoạch phát hành ESOP năm 2020.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019F 12% còn 2,9 nghìn tỷ đồng (-10% YoY) do (1) điều chỉnh giảm lượng bàn giao giả định trong bối cảnhcảnh các thủ tục pháp lý kéo dài và (2) thuế suất thực tế cao hơn dự kiến trong quý 3/2019.

Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020F tăng 9% so với năm 2019F, đạt 3,1 nghìn tỷ đồng nhờ bàn giao mạnh hơn từ các sản phẩm đã được ký mới trong giai đoạn 2017- 2019 .

Chúng tôi duy trì dự báo giá trì hợp đồng ký mới năm 2019 đạt 34,9 nghìn tỷ đồng (+357% so với mức cơ sở thấp ghi nhận trong năm 2018), được hỗ trợ bởi KQKD ổn định trong 9 tháng 2019, nổi bật là các dự án nghỉ dưỡng của NVL.

Định giá hiện tại của NVL phù hợp với triển vọng tăng trưởng khiêm tốn trong trung hạn, dựa theo định giá RNAV và dự báo của chúng tôi.

Yếu tố hỗ trợ: đánh giá cao đất và chi phí xây dựng tại các dự án khách sạn nghỉ dưỡng mới.

Rủi ro: dự án bất động sản mới được mở bán tại TP. HCM tiếp tục bị trì hoãn do thủ tục pháp lý kéo dài; rủi ro pha loãng từ việc tiếp tục phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Khuyến nghị khả quan dành cho TCM với giá mục tiêu 22.200 đồng/Cp

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho TCM từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG lên KHẢ QUAN, dù giảm giá mục tiêu 8% còn 22.200 đồng/cổ phiếu khi giá cổ phiếu này đã giảm 18% trong 3 tháng qua.

Giá mục tiêu giảm của chúng tôi phản ánh giả định biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn 2019- 2024 giảm còn 15,9%-16,2% so với mức giả định trước đây là 16,5%-17,6%, khiến lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi giảm tổng cộng 24% (không bao gồm lãi/lỗ ngoài cốt lõi) trong giai đoạn 2019- 2024. Điều này phần nào bù trừ cho việc điều chỉnh mô hình định giá dòng tiền tự do (DCF) đến cuối năm 2020.

Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2019F sẽ tăng 1,7% đạt 3,7 nghìn tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019F giảm 21% còn 204 tỷ đồng. lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019F giảm mạnh chủ yếu do mức cơ sở cao bất thường ghi nhận trong năm 2018 đến từ các khoản lãi ròng khác đạt 75 tỷ đồng.

Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2020 tăng trưởng 7,2% đạt 4 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng trưởng 9,2% đạt 223 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh số xuất khẩu sản phẩm may mặc và vải.

Chúng tôi tin rằng TCM đã trở nên hấp dẫn hơn khi đang giao dịch tại P/E trượt 12 tháng ở mức 6.7x, thấp hơn 13% so với mức P/E trung vị trung bình của các công ty cùng ngành.

Lợi thế cạnh tranh của TCM bắt nguồn từ chuỗi giá trị khép kín từ kéo sợi đến sản xuất sản phẩm may mặc, bên cạnh quan hệ với E-Land Group, một tập đoàn bán lẻ thời trang của Hàn Quốc, vốn là cổ đông cũng như khách hàng lớn nhất của TCM.

Rủi ro đối cho quan điểm tích cực của chúng tôi: biên lợi nhuận tiếp tục giảm; năng suất sản xuất cải thiện chậm hơn và nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính của TCM giảm.

Tin bài liên quan